Giao dịch chứng khoán chiều 6/8: Thị trường đã giảm điểm sau 9 phiên tăng liên tiếp

Giao dịch chứng khoán chiều 6/8: Thị trường đã giảm điểm sau 9 phiên tăng liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 9 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã quay đầu điều chỉnh do áp lực bán gia tăng về cuối phiên, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán.

Trong phiên sáng, mặc dù chịu áp lực bán chốt lời sau 9 phiên tăng liên tiếp nhưng với sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã lớn như VHM, CTG, VNM đã giúp thị trường may mắn giữ được nhịp tăng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục gia tăng giúp thị trường nới rộng đà tăng điểm, chỉ số VN-Index nhanh chóng được kéo trở lại mốc 1.350 điểm. Tuy nhiên, một lần nữa VN-Index chào thua ngưỡng kháng cự này.

Lực bán dần gia tăng, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường dần hạ độ cao và quay đầu điều chỉnh nhẹ trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC giảm sâu hơn.

Theo dự báo của giới phân tích, thị trường có nhịp điều chỉnh sau chuỗi ngày dài tăng điểm là một điều hiển nhiên và nhịp nghỉ này có thể kéo dài 1-2 phiên nữa trước khi bước vào đợt tăng điểm lên vùng 1.370 điểm. Điều đáng chú ý chính là thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện tốt, tất nhiên với phiên giảm điểm thì đây không phải là tín hiệu quá tích cực. Tuy nhiên sức mua được duy trì là cơ sở đảm bảo cho chỉ số không giảm sâu.

Với những diễn biến tích cực trong các phiên trước thì tuần này VN-Index khép lại với một nến tuần tăng điểm tốt, đảm bảo xu hướng chung của thị trường là tiếp tục tăng điểm với các chỉ báo khá tích cực như thanh khoản tuần tăng so với tuần trước, điểm số nằm trên đường trung bình MA 5 tuần.

Về tâm lý thị trường, một số nhà đầu tư tỏ ra quan ngại khi Hà Nội tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày cho đến 22/8. Tuy nhiên thì lo ngại này không phải quá lớn khi thực tế là trong 2 tuần giãn cách vừa qua, thị trường đã tăng điểm rất mạnh. Đặc biệt, trong tuần tới khả năng sẽ có thêm các thông tin tốt từ các gói hỗ trợ và các biện pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi kinh doanh.

Chốt phiên, sàn HOSE có 177 mã tăng và 200 mã giảm, VN-Index giảm 4,1 điểm (-0,3%) xuống 1.341,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 736 triệu đơn vị, giá trị 22.509 tỷ đồng, tăng 15,82% về khối lượng và 16,47% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54 triệu đơn vị, giá trị 1.844 tỷ đồng.

Nếu trong phiên sáng nay, cổ phiếu CTG là điểm sáng hỗ trợ thị trường khi lội ngược dòng thành công trong nhóm cổ phiếu ngân hàng thì sang phiên chiều, cổ phiếu này đã không nằm ngoài xu hướng chung của ngành.

Các mã ngân hàng trên HOSE đồng loạt điều chỉnh và nhiều mã nới rộng đà giảm, đây là nhân tố chính khiến thị trường chuyển sắc đỏ. Hầu hết các cổ phiếu như ACB, HDB, MBB, TCB, VCB, TPB, VPB đều giảm hơn 1%, ngoại trừ STB, EIB giảm hơn 2%.

Trong đó, STB là mã giảm mạnh nhất trong nhóm khi ghi nhận mức giảm 2,4% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 30.300 đồng/CP, nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 30,92 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh dòng bank, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt quay đầu với SSI giảm 1,9% xuống 56.400 đồng/CP, HCM giảm 2,4% xuống 49.300 đồng/CP, CTS giảm 2,4% xuống 21.900 đồng/CP, VCI giảm 2,5% xuống 54.400 đồng/CP…

Ngoài ra, một số mã bluechip cũng nới rộng đà giảm như GAS, GVR, HPG, MSN, VIC… trong đó GVR giảm 1,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 34.200 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VHM vẫn là điểm sáng khi giữ mức tăng 2%, kết phiên đứng tại mức giá 113.900 đồng/CP với giao dịch sôi động, đạt gần 11,23 triệu đơn vị.

Thêm vào đó, các mã bluechip khác như VNM, VJC, PLX, PNJ, BVH, KDH cũng đóng vai trò trụ đỡ giúp thị trường không giảm quá sâu khi kết phiên giữ mức tăng nhẹ trên dưới 1%.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu vận tải biển vẫn tiếp tục khởi sắc với GMD tăng 2% lên 48,300 đồng/CP, HAH tăng 6,7% lên sát mức giá trần 52.000 đồng/CP, STG tăng kịch trần, TCL tăng 2,6% lên 37.800 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC là điểm sáng khi giữ được sắc xanh với mức tăng 1,3% lên 11.600 đồng/CP và thanh khoản vượt trội, chỉ thua STB, với khối lượng khớp lệnh đạt 26,26 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã ROS, HAI, DLG, HNG, BCG… cũng không nằm ngoài xu thế chung của thị trường khi đón nhận nhịp điều chỉnh.

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu rung lắc và điều chỉnh trên sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 95 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index đứng tại mức giá tham chiếu 325,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 135,33 triệu đơn vị, giá trị 3.232,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 36,52 triệu đơn vị, giá trị 1.216,9 tỷ đồng, trong đó, chiếm phần lớn là hơn 19 triệu cổ phiếu IDC, trị giá 641,55 tỷ đồng và hơn 14 triệu cổ phiếu PVI, giá trị hơn 491,9 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng chính là điểm cộng giúp thị trường lấy lại thăng bằng vào cuối phiên. Cụ thể, trong khi BAB lấy lại mốc tham chiếu, thì SHB kịp hồi nhẹ khi tăng 0,7% lên 29.000 đồng/CP, còn NVB vẫn giữ sắc xanh khi tăng 1,2% lên 26.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng có những điểm sáng như VC3 ghi nhận phiên tăng trần, NDN có thời điểm cũng được kéo tăng kịch trần và kết phiên tăng 5,9% lên 21.600 đồng/CP, CEO tăng 3,4% lên 9.000 đồng/CP…

Trái lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng đồng loạt nới rộng đà giảm điểm như VND, SHS, MBS, BVS, ART đều giảm trên dưới 3%; APS, TVB, BSI giảm trên 1,7%...

Về thanh khoản, bộ 3 cổ phiếu của các nhóm trụ cột dẫn đầu thị trường, bao gồm SHB khớp gần 24 triệu đơn vị, PVS khớp 12,26 triệu đơn vị và VND khớp 11,11 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù có chút hạ độ cao nhưng thị trường đã duy trì sắc xanh trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,4%), lên 88,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 101,85 triệu đơn vị, giá trị 1.390,51 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,24 triệu đơn vị, giá trị 63,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nhóm này khi đuối sức về cuối phiên. Đóng cửa, BSR tăng nhẹ 0,5% lên mức 19.400 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản UPCoM, đạt 12,92 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, ngôi sao của thị trường này vẫn là HHV với thanh khoản vượt trội, lên tới xấp xỉ 8,6 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 7,4% lên mức 18.800 đồng/CP.

Trong khi đó, DDV hạ nhiệt sau phiên bùng nổ hôm qua khi ghi nhận mức tăng nhẹ 0,6%, đóng cửa tại mức giá 15.800 đồng/CP và khớp 3,33 triệu đơn vị.

Ngoài ra hàng loạt mã nhỏ như DPS, PVX, HVG, DCS, GTT, HLA… đều đóng cửa trong sắc tím.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, với VN30F2108 giảm 14,2 điểm, tương ứng giảm 1% xuống 1.472,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 215.930 đơn vị, khối lượng mở gần 39.320 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, các mã giảm điểm chiếm phần lớn, tuy nhiên, CMBB2103 dẫn đầu thanh khoản với 230.790 đơn vị được khớp lệnh, đóng cửa tại mức giá 3.790 đồng/CQ, tăng 9,9%.

Đứng ở vị trí thứ 2 là CFPT2103 khớp 218.890 đơn vị, đóng cửa giảm 16,3% xuống mức 3.690 đồng/CQ.

Tin bài liên quan