Giao dịch chứng khoán chiều 5/7: Lực cầu "cứu vãn" phiên đỏ lửa

Giao dịch chứng khoán chiều 5/7: Lực cầu "cứu vãn" phiên đỏ lửa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ thống mới của FPT giúp thanh khoản đạt mức hơn 28.000 tỷ đồng mà sàn HOSE không bị "treo hệ thống". Đây có thể coi là "điều may mắn" trong phiên hôm nay vì lực cầu vào mạnh giúp thị trường giữ được các mốc kỹ thuật quan trọng là 1.400 và 1.410 điểm với VN-Index.

Với mỗi nhà đầu tư, phiên sáng là một sự thử thách. Việc thị trường lao dốc mạnh ngay từ đầu phiên đã tạo viễn cảnh về một phiên "rũ bỏ", nhưng lực bán chưa thực sự lớn khiến VN-Index khi chạm vào mốc tâm lý 1.400 điểm đã phục hồi. Như đề cập trong bản tin sáng, nhiều cổ phiếu sau chuỗi giảm điểm mạnh đã chạm các ngưỡng hỗ trợ nên hút mạnh lượng tiền bắt đáy, điều này giúp chỉ số chung không bị giảm sâu.

Tuy nhiên, tâm lý thiếu lạc quan vẫn tồn tại. Diễn biến phiên giao dịch chiều cho thấy điều này, VN-Index thêm một lần kiểm định lại ngưỡng 1.400 điểm, thậm chí đã xuyên qua để chạm ngưỡng 1.395 điểm, rồi mới thực sự phục hồi, giúp nhiều nhà đầu tư "thở phào" khi viễn cảnh phiên rũ bỏ chưa xảy ra.

Điểm nhấn giao dịch thuộc về cổ phiếu TCB. Với đà tăng khá tích cực của phiên sáng nhờ "tin đồn" chia cổ tức 56%, giá cổ phiếu TCB đã nhanh chóng thử thách thành công mức giá trần trong phiên chiều, bất chấp thị trường lao dốc mạnh. Trả lời Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo ngân hàng này cho biết: "Không xác nhận thông tin này".

Hiểu điều này có nghĩa không phủ nhận và cũng không xác nhận!

Trong phiên chiều, TCB có chút hạ nhiệt bởi áp lực chốt lời gia tăng nhưng đây vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30 cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng, đồng thời là trợ lực tốt cho thị trường khi kết phiên tăng 6,8% lên sát mức giá trần 58.000 đồng/CP. Thanh khoản của TCB cũng tăng vọt với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường, lên tới 47,55 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu khác của ngân hàng cũng tăng tốt như STB tăng 3,5% lên 32.600 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 53,69 triệu đơn vị; TPB tăng 4,1% lên 39.300 đồng/CP; ACB tăng 5,1% lên 37.950 đồng/CP; EIB, OCB và LPB đều tăng hơn 1%; còn VPB, VIB, HDB, MSB tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Trong nhóm ngân hàng chỉ còn VCB, BID, CTG, MBB vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ dù biên độ giảm không quá lớn chỉ trên dưới 1%.

Ngoài điểm sáng là dòng bank, một số mã trong nhóm VN30 cũng đóng vai trò hỗ trợ thị trường như FPT và VHM xanh nhạt, đáng kể là MWG tiếp tục nới rộng biên độ và về sát vùng đỉnh trong phiên sáng khi tăng 6,2%, kết phiên tại mức giá 166.500 đồng/CP.

Một trong những nguyên nhân giúp MWG giữ phong độ khá tốt trong phiên nhiều biến động hôm nay có thể là do thông tin Công ty đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 60%.

Ở chiều ngược lại, trong nhóm VN30 sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với 22 mã giảm. Trong đó đáng chú ý, bên cạnh MSN đã bật mạnh đi lên và thoát nằm sàn khi kết phiên chỉ còn giảm 2% và đứng tại mức giá 111.600 đồng/CP, thì VRE vẫn đứng tại mức giá sàn 29.500 đồng/CP, giảm 6,9%.

Ngoài ra, một số mã bluechip có mức giảm sâu như GAS giảm 4,8% xuống mức thấp nhất ngày 92.000 đồng/CP, NVL giảm 3,4% xuống mức 115.000 đồng/CP, REE giảm 3,4% xuống 54.800 đồng/CP nhiều mã khác như HPG, VIC, KDH, SSI, POW, SBT, TCH có mức giảm hơn 2%...

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã cũng đua nhau nới rộng đà giảm, trong đó FLC giảm 5,7% về mức thấp nhất ngày 12.300 đồng/CP, ROS giảm 3,5% xuống mức 6.150 đồng/CP, HNG giảm 2,5% xuống 1111.700 đồng/CP, HQC giảm 3,7% xuống 3.690 đồng/CP, DLG giảm 4,9% xuống 3.270 đồng/CP, SCR giảm 5,5% xuống 11.250 đồng/CP…

Đóng cửa, sàn HOSE có 112 mã tăng và 287 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 9,14 điểm (-0,64%) xuống 1.411,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 817,33 triệu đơn vị, giá trị 28.036,22 tỷ đồng, tăng 15,63% về lượng và 7,66% về giá trị so với phiên trước đó ngày 2/7. Tuy nhiên, mức thanh khoản này vẫn còn thấp hơn so với phiên kỷ lục ngày 8/6 (đạt khối lượng giao dịch hơn 924,5 triệu đơn vị, giá trị 30.296 tỷ đồng).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23 triệu đơn vị, giá trị hơn 962 tỷ đồng, trong đó đáng kể là MWG thỏa thuận gần 1 triệu đơn vị, giá trị 157,75 tỷ đồng và HPG thỏa thuận 2,7 triệu đơn vị, giá trị 143,1 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sau khi phá đáy của phiên sáng, HNX-Index cũng đã hồi phục mạnh và tiến sát về mốc tham chiếu nhờ lực cầu tăng mạnh.

Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 158 mã giảm, HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,08%) xuống 327,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 138,24 triệu đơn vị, giá trị 3.324,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,25 triệu đơn vị, giá trị đạt 44,25 tỷ đồng.

Cặp đôi ngân hàng SHB và NVB cũng tiếp sức giúp thị trường hồi phục khi đều xác lập mức đỉnh trong ngày. Cụ thể, SHB kết phiên tăng 3,4% lên mức 30.000 đồng/CP, còn NVB tăng 1,4% lên mức 21.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng có được sắc xanh như THD, VCS, SLS, TVC.

Trái lại, các cổ phiếu chứng khoán đồng loạt quay đầu trước áp lực bán chốt lời tăng mạnh như BVS giảm 3,5% xuống 32.800 đồng/CP, MBS giảm 2,5% xuống 34.800 đồng/CP, SHS giảm 3% xuống 45.900 đồng/CP, VND giảm 1,9% xuống 47.500 đồng/CP, ART giảm 2,9% xuống 10.100 đồng/CP, APS giảm 3,6% xuống 16.000 đồng/CP…

Nhiều mã bluechip khác cũng giảm sâu như PVS giảm 3,9% xuống 27.000 đồng/CP, PVC giảm 5,4% xuống 10.600 đồng/CP, PVB giảm 1,8% xuống 16.000 đồng/CP, TNG giảm 4,2% xuống 22.700 đồng/CP, CEO giảm 4,1% xuống 9.400 đồng/CP…

Về thanh khoản, SHB vẫn dẫn đầu sàn HNX với hơn 35,82 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công; tiếp theo là PVS khớp 15,18 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,18%) xuống 90,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 77,72 triệu đơn vị, giá trị 1.524,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,28 triệu đơn vị, giá trị 223,23 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức giảm khá sâu 4,3% và kết phiên đứng tại mức giá 20.100 đồng/CP. Đây vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường UPCoM, đạt 19,73 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng thị trường, với BVB tăng 5,9% lên mức 25.000 đồng/CP, ABB tăng 1,7% lên 24.000 đồng/CP, NAB tăng 4,1% lên 23.100 đồng/CP, SGB tăng 2,6% lên 20.000 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2107 đáo hạn gần nhất tăng 11,9 điểm (+0,8%), lên 1.568,1 điểm, khớp lệnh đạt gần 220.540 đơn vị, khối lượng mở gần 28.340 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CTCB2103 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh 96.730 đơn vị và kết phiên tăng 17,7% lên mức 11.480 đồng/CQ; tiếp theo là CMWG2102 khớp 44.870 đơn vị và kết phiên tăng 17,3% lên 8.800 đồng/CQ.

Tin bài liên quan