Mặc dù trong những phiên gần đây, thị trường có dấu hiệu rung lắc nhưng dòng tiền chảy mạnh đang là động lực chính giúp VN-Index tiếp tục tiến bước. Trong phiên sáng nay 5/6, diễn biến thị trường khá phân hóa cũng khiến VN-Index liên tục đổi sắc với ít nhất 5 nhịp đảo chiều và đã tạm chốt phiên dưới mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, sang phiên chiều, sự hồi phục của một số bluechip cùng dòng tiền đầu cơ chảy mạnh và lan tỏa, đã giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục.
Cánh đồng tím ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dần mở rộng, nhưng với sự thiếu đồng thuận của nhóm cổ phiếu bluechip khi chỉ một vài mã nới rộng biên độ khiến thị trường thiếu động lực để bứt mạnh. Chỉ số VN-Index có thêm một phiên tăng điểm nhẹ trong tuần đầu tiên của tháng 6.
Chốt phiên, sàn HOSE có 231 mã tăng và 132 mã giảm, VN-Index tăng 2,32 điểm (+0,26%), lên 886,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 499,6 triệu đơn vị, giá trị 6.367,3 tỷ đồng, tăng 15,89% về khối lượng và giảm 4,26% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 48,2 triệu đơn vị, giá trị 1.171,36 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, một số bluechip đã hồi phục hoặc nới rộng biên độ, đã hỗ trợ giúp thị trường khởi sắc trở lại, điển hình là “ông lớn” VNM +1,2% lên mức cao nhất ngày 119.200 đồng/CP.
Thêm vào đó là TCB +1,2% lên 21.450 đồng/CP, VPB +2,1% lên 24.500 đồng/CP, HPG +1,7% lên 27.050 đồng/CP, cùng các mã BID, VRE, FPT cũng le lói sắc xanh.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sóng lớn tiếp tục dâng cao với hàng loạt mã quen thuộc đều tăng kịch trần.
Trong đó, cặp đôi ROS và HQC vẫn “nóng bỏng tay” với ROS khớp lệnh hơn 68 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 16,57 triệu đơn vị; còn HQC cũng khớp lệnh tới hơn 46,2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 8,2 triệu đơn vị.
Các mã khác như ITA, AMD, SCR, GTN, HSG, SJF, HCD, EVG cũng lần lượt khoác áo tím với khối lượng khớp vài triệu đơn vị hoặc vài chục triệu đơn vị như ITA (gần 30 triệu đơn vị), AMD (11,22 triệu đơn vị) và hầu hết cũng trong trạng thái dư mua trần khá lớn. Ngoài ra còn có UDC, SGT, PXT, VID, POM, TLD… cũng tăng trần.
Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên chiều rung lắc, đà tăng của một số bluechip cũng đã giúp HNX-Index dần tiến bước và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 98 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,56%), lên 118,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 67,34 triệu đơn vị, giá trị 720,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,43 triệu đơn vị, giá trị 43,14 tỷ đồng.
Sau nhịp “hụt hơi” trong phiên sáng, cổ phiếu SHS đã lấy lại sắc tím khi tăng 9,4% và kết phiên tại mức giá trần 11.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 8,88 triệu đơn vị, vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên HNX.
Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng giao dịch khởi sắc như SHB +0,6% lên 16.000 đồng/CP, PVS +1,5% lên 13.400 đồng/CP, PVB +0,7% lên 14.700 đồng/CP, VCS +2,4% lên 68.100 đồng/CP, DGC +3,8% lên 41.500 đồng/CP, BVS +5,8% lên 11.000 đồng/CP….
Ngoài ra, trong nhóm HNX30, cổ phiếu NRC vẫn bảo toàn sắc tím, trong khi TVC đã hồi phục thành công sau phiên giảm sàn sáng nay.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, KLF dừng chân tại mức giá trân 2.000 đồng/CP với khối lượng khớp gần 7 triệu đơn vị, còn HUT tiếp tục giữ mốc tham chiếu 2.300 đồng/CP và khopws4,24 triệu đơn vị.
Tương tự, trên UPCoM, sau nửa đầu phiên rung lắc thị trường cũng đã giao dịch khởi sắc trở lại.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,19%) lên 56,43 điểm với 139 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,34 triệu đơn vị, giá trị 453,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 24,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu PXL vẫn là điểm nóng khi giữ vững mức giá 10.200 đồng/CP, tăng % với khối lượng giao dịch sôi động, đạt hơn 16,6 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn giao dịch tích cực cũng là nhân tố chĩnh hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như BSR +2,6% lên 7.800 đồng/CP, VGI +2% lên 30.800 đồng/CP, ACV +1,3% lên 63.600 đồng/CP…
Đáng kể, nhiều mã vừa và nhỏ cũng đua nhau khoe sắc ím như VPK, VNH, VHG, SBS, HVA, AFX, DCS, PPI…
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đồng loạt khởi sắc trở lại, trong đó, VN30F2006 tăng 1,23% lên 825 điểm, khớp lệnh hơn 143.850 đơn vị, khối lượng mở 24.087 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, có 24 mã tăng và 9 mã đứng giá, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, dẫn đầu thanh khoản là CVNM2011 với 70.500 đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tăng 9,3% lên 470 đồng/cq.