Giao dịch chứng khoán chiều 4/2: Thị trường phân hóa mạnh

Giao dịch chứng khoán chiều 4/2: Thị trường phân hóa mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý thận trọng chốt lời khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần khiến giao dịch trở nên trầm lắng hơn và chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc bởi diễn biến thị trường phân hóa mạnh.

Áp lực bán gia tăng sau 2 phiên hồi phục khá mạnh khiến thị trường trở nên rung lắc. Chỉ số VN-Index giao dịch giằng co và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên giao dịch ngày 4/2.

Đáng chú ý, sau những phiên biến động mạnh vừa qua, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn khiến dòng tiền tham gia khá yếu, thanh khoản sụt giảm so với các phiên trước. Cùng diễn biến phân hóa mạnh của thị trường, thanh khoản trong phiên 4/2 cũng suy giảm mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 209 mã tăng và 220 mã giảm, VN-Index tăng 0,09 điểm (+0,08%), lên 1.112,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 523,41 triệu đơn vị, giá trị 12.431,74 tỷ đồng, giảm 25,56% về khối lượng và 21,75% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 52 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.656 tỷ đồng.

Nhóm bluechip cũng không còn hưng phấn khi hầu hết đều bị bán chốt lời hoặc cắt lỗ sau 2 phiên hồi phục vừa qua. Trong nhóm VN30 có 10 mã tăng và 14 mã giảm.

Trong đó, dòng bank chỉ còn VPB tăng 3,2% lên 36.600 đồng/CP và BID nhích nhẹ, còn lại đều đứng giá như VCB và TCB, hoặc giảm điểm tại CTG, MBB, HDB, STB, TPB.

Bên cạnh đó, các mã trụ cột khác như VNM, VIC, HPG, BVH cũng đảo chiều giảm, trong đó VIC giảm 2,3% xuống 105.000 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, ngoài VPB còn có KDH và FPT tăng hơn 3%, còn lại đều chỉ tăng nhẹ.

Không chỉ dòng bank suy yếu, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm nhiệt khi sắc tím chỉ còn lại ở một vài mã như VTS, BVS, BSI, AGR, còn lại chỉ xanh nhạt hoặc trở về mốc tham chiếu như HCM, SSI, HBS, SHS, hay VIX, VIG, ART và APG giảm điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã bị kẹp trong những phiên trước với lượng dư bán sàn chất đống đã nóng trở lại. Điển hình là ROS lấy lại sắc tím với khối lượng khớp dẫn đầu sàn HOSE, đạt 26,31 triệu đơn vị và dư mua trần 1,82 triệu đơn vị.

Các mã khác như FIT, TTF, CIG, VOS, EVG… cũng trong trạng thái dư mua trần.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng diễn ra giằng co quanh mốc tham chiếu nhưng HNX-Index đã may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Kết phiên, sàn HNX có 71 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,03%), lên 223,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 94,32 triệu đơn vị, giá trị 1.519 tỷ đồng, giảm 29,61% về lượng và 17,36% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 13,57 triệu đơn vị, giá trị 216,78 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng khá phân hóa khi có 13 mã tăng và 11 mã giảm, đáng kể một vài mã tăng mạnh như BVS, TNG và NBC tăng trần, MBS tăng 3,9% lên 18.500 đồng/CP, NRC tăng 5% lên 21.000 đồng/CP, PVB tăng 4,2% lên 17.200 đồng/CP, PVS, LAS, VCS… tăng nhẹ hơn 1%.

Trong khi đó, SHB sau 3 phiên tăng mạnh đã đảo chiều giảm nhẹ 0,6% xuống 15.400 đồng/CP nhưng vẫn là mã khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 15,71 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác như IDC, NTP mất giá hay DTK, VIF, NVB đứng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên chiều rung lắc, thị trường đã lấy lại đà tăng khá tốt.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,75 điểm (+1,03%), lên 74,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,21 triệu đơn vị, giá trị 607 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 55 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục có phiên tăng điểm khá mạnh thứ 4 liên tiếp sau chuỗi 5 phiên lao dốc. Kết phiên, BSR tăng 5,8% lên 10.900 đồng/CP và khớp 9,14 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM.

Đứng ở vị trí thứ 2, cổ phiếu VGT tăng 11,5% lên 17.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,63 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã lớn khác như ACV, VEA, VGI, OIL, TVN… cũng giao dịch khởi sắc, hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm nhẹ, với VN30F2101 giảm 0,9% xuống 1.115 điểm, tổng khối khớp lệnh đạt hơn 274.030 đơn vị, khối lượng mở hơn 37.220 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó, CVHM2008 dẫn đầu thanh khoản với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 20,9% lên 2.490 đồng/cq.

Tin bài liên quan