Thị trường giao dịch khá phân hóa trong phiên sáng cuối tuần, tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bluechip là động lực chính giúp VN-Index kéo dài chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, cũng như những phiên gần đây, chỉ số chung chỉ duy trì biên độ tăng khá hẹp và chủ yếu giao dịch dưới mốc 1.065 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán vẫn là điểm nhấn thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung phân hóa và thiếu động lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là ngân hàng khiến VN-Index vẫn trong xu hướng tăng nhẹ.
Dù có thời điểm giật lùi về sát mốc tham chiếu khi bluechip đuối sức, nhưng lực cầu khá tốt đã giúp thị trường nhanh chóng bật hồi và kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 3 trong trạng thái tăng nhẹ. Như vậy, VN-Index đã xác lập phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp nhưng vẫn chưa vượt được ngưỡng 1.065 điểm – đây là mốc mà một số công ty chứng khoán cho rằng để nhận chuyển đổi xu hướng trong tuần tới.
Tuy vậy, thị trường vẫn khép lại tháng 3 khá tích cực sau diễn biến giảm khá mạnh gần 8% vào tháng 2. Cụ thể, tính trong tháng 3 vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng gần 40 điểm, tương ứng tăng 3,9%. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn, bởi thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm, cho thấy dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát và chưa mấy nhập cuộc.
Đóng cửa, sàn HOSE có 198 mã tăng và 184 mã giảm, VN-Index tăng 5,2 điểm (+0,49%), lên 1.064,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 639,93 triệu đơn vị, giá trị 11.829,54 tỷ đồng, nhích nhẹ về khối lượng và tăng 7,12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,69 triệu đơn vị, giá trị 1.330,45 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể có hơn 50,2 triệu cổ phiếu SHB trị giá hơn 570,4 tỷ đồng.
Bên cạnh diễn biến thị trường khởi sắc trong những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có sự đồng hành và tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều nay. Trong đó, cổ phiếu BSI đã kéo trần thành công và đóng cửa đứng tại mức giá 23.150 đồng/CP.
Các cổ phiếu khác trong ngành như CTS tăng 6%, AGR tăng 5,5%, FTS tăng 4,5%, HCM tăng 3,2%... Trong đó, cặp SSI và VND tiếp tục là tâm điểm giao dịch của thị trường. Đóng cửa, SSI tăng 2,6% lên mức 21.500 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 30,85 triệu đơn vị; tiếp theo là VND khớp 28,55 triệu đơn vị, kết phiên tăng 1,6% lên 15.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng hỗ trợ khá tốt cho thị trường với sự đóng góp tích cực của VHM khi kết phiên tăng 3,9% lên mức cao nhất ngày 51.500 đồng/CP; VIC tăng 2,4% lên 55.000 đồng/CP; trong khi cổ phiếu GVR có mức tăng tốt nhất trong rổ VN30 khi đóng cửa tăng 5,4% lên mức giá cao nhất trong ngày 15.500 đồng/CP…
Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý lại là cổ phiếu KBC. Sau pha nới rộng biên độ tăng ở cuối phiên sáng, cổ phiếu KBC tiếp tục tăng tốc và kéo trần thành công. Đóng cửa, KBC tăng 6,8% lên 24.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 10,92 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,4 triệu đơn vị.
Cổ phiếu khác trong ngành là NLG cũng có phiên tỏa sáng sau khi Giám đốc Công ty có những chia sẻ khả quan tại cuộc hội thảo của HSC. Đóng cửa, NLG tăng 7% lên mức giá trần 26.800 đồng và khớp 2,92 triệu đơn vị. Cổ phiếu khác là DXG và DIG cũng giao dịch sôi động khi khớp trên dưới 15 triệu đơn vị, trong đó DIG tăng 4,7%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép tỏ ra yếu thế với HPG rung lắc và đóng cửa tại mốc tham chiếu, còn HSG giảm 0,9% và NKG giảm 1,9%. Tuy nhiên, bộ 3 này vẫn đóng góp giao dịch sôi động cho thị trường với HSG khớp 25,09 triệu đơn vị, HPG khớp 22,77 triệu đơn vị, còn NKG khớp 19,72 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ có được đà tăng nhẹ bởi gánh nặng từ cổ phiếu lớn VCB giảm 1,4%; trong khi BID và CTG chỉ nhích nhẹ hơn 0,5%, đáng kể là TCB, HDB, OCB tăng tốt nhất ngành, đều đạt hơn 2%.
Trên sàn HNX, mặc dù hơn nửa phiên chiều thị trường vẫn chỉ giao dịch lình xình nhưng HNX-Index đã tăng tốc về cuối phiên lên mức giá cao nhất ngày nhờ lực cầu sôi động.
Đóng cửa, sàn HNX có 82 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 1,55 điểm (+0,75%), lên 207,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,32 triệu đơn vị, giá trị 1.0108,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,2 triệu đơn vị, giá trị 86,65 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng nới rộng đà tăng mạnh, trong đó MBS ấn tượng với mức tăng 6,8%, đóng cửa tại vùng đỉnh 15.800 đồng/CP và khớp lệnh sôi động chỉ thua “người anh em” SHS, đạt 7,82 triệu đơn vị.
Cặp SHS và BVS đều đóng cửa tăng hơn 2%, trong đó SHS tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với xấp xỉ 26,6 triệu đơn vị khớp lệnh. Đáng chú ý là VIG đóng cửa tăng 9,4% lên mức giá trần 5.800 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu đáng chú ý khác thuộc nhóm bất động sản như IDC tăng 2,8% lên 41.000 đồng/CP và khớp 4,53 triệu đơn vị; CEO tăng 2,3% lên mức giá cao nhất trong ngày 22.200 đồng/CP và khớp 7,44 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường giao dịch rung lắc trong suốt cả phiên chiều nhưng đã hồi phục sắc xanh và kết phiên cũng tại mức cao nhất trong ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,35%) lên 76,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,9 triệu đơn vị, giá trị 279,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,5 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 10 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR hồi phục sắc xanh nhưng tăng khá hạn chế chỉ 0,6% lên 15.500 đồng/CP và đã lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản với 5,12 triệu đơn vị giao dịch.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là SBS khớp 3,7 triệu đơn vị, đóng cửa tại mốc tham chiếu 5.500 đồng/CP và PVX tăng 8,3% lên 2.600 đồng/CP, khớp lệnh 2,3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nhỏ SJC vẫn duy trì sắc tím nhưng giao dịch không mấy thay đổi so với phiên sáng khi đạt 1,64 triệu đơn vị khớp lệnh.
Một mã đáng chú ý trên UPCoM là VGI đã đảo chiều thành công và tăng vọt về cuối phiên. Kết phiên, VGI tăng 5,4% lên mức 21.300 đồng/CP, đồng thời giao dịch cũng sôi động với 1,18 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng điểm và 1 hợp đồng giảm, trong đó VN30F2304 tăng 1,5 điểm, tương đương +0,1% lên 1.066 điểm, khớp lệnh hơn 306.840 đơn vị, khối lượng mở hơn 68.170 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này, CVHM2216 khớp lệnh cao nhất, đạt 2,73 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 36,8% lên 260 đồng/cq.
Tiếp theo đó, CVPB2212 khớp 1,09 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 4,8% lên 440 đồng/cq.