Trong phiên sáng, sau diễn biến giao dịch giằng co nhẹ đầu phiên, áp lực bán đã dần dâng cao và lan rộng trên thị trường, đặc biệt là lực bán tháo nhóm cổ phiếu thép, đã khiến VN-Index nới rộng đà giảm và tạm dừng phiên giao dịch ở vùng giá thấp nhất phiên.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thép vẫn tiêu cực bất chấp việc dự báo sớm kết quả kinh doanh đã đến từ lãnh đạo doanh nghiệp. Lệnh bán sàn lớn ở HPG và HSG cho thấy đây là lực bán margin hơn là các diễn biến đơn thuần. Giá cổ phiếu HSG đã giảm 4 lần từ mức đỉnh trên 41.000 đồng/CP, HPG đỡ hơn một chút khi mất đi gần 3 lần giá trị từ mức đỉnh 44.000 đồng/CP (giá đã điều chỉnh do chia cổ tức)
Hòa Phát (HPG) trữ gần 40.000 tỷ đồng ứng phó với thắt chặt tiền tệ, tập trung cho Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2
Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý tiêu cực vẫn đè nặng thị trường khiến VN-Index tiếp tục thoái lui. Chỉ số này nhanh chóng lui về sát ngưỡng tâm lý mạnh 1.000 điểm chỉ sau khoảng 30 phút giao dịch.
Nhóm cổ phiếu thép dù chưa thoát được giá sàn nhưng lực mua đã xuất hiện, HPG đã khớp tới hơn 66 triệu cổ phiếu giá sàn, tạo thanh khoản đột biến khi khối lượng tăng hơn 2 lần phiên cuối tuần trước, HSG cũng tích cực hơn khi dư mua giá sàn. Nhóm cổ phiếu thép đã hết chu kỳ kinh doanh thuận lợi và đang đối mặt với nhiều thách thức không chỉ trong những tháng cuối năm mà cả sang năm 2023.
Về diễn biến chung thị trường, khi VN-Index lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm, lực mua đã xuất hiện tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm được coi là bị "bán quá tay" thời gian qua khi hầu hết cổ phiếu đã về mức giá trước đại dịch. Nhóm dẫn dắt nhận được lực mua đã khiến VN-Index tăng rất mạnh, hồi phục tới hơn 20 điểm và vượt qua mốc tham chiếu.
Dù đóng cửa ở mức giá xanh, VN-Index vẫn đang chịu thử thách bởi đường kháng cự MA20 đang ở khoảng 1.040 điểm. Trong phiên cuối tuần trước, khi chỉ số chạm đường này đã bật lại khá mạnh.
Đóng cửa, sàn HOSE có 138 mã tăng (8 mã tăng trần) và 317 mã giảm (27 mã giảm sàn), VN-Index tăng nhẹ 0,58 điểm (+0,06%) lên 1.027,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 662 triệu đơn vị, giá trị 11.420,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,12% về khối lượng nhưng giảm 14,42% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 28/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 80,54 triệu đơn vị, giá trị 1.579,66 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm ngân hàng và chứng khoán góp công lớn cho thị trường.
Trong nhóm ngân hàng, bộ 3 lớn gồm VCB, CTG, BID đều tăng hơn 2%, cổ phiếu SHB tiếp tục là mã tăng tốt nhất ngành đạt 4,1%, ngoài ra một số mã khác như LPB tăng 4%, cùng MBB, TCB, MSB, ACB tăng nhẹ. Trong khi đó, VIB, HDB, TPB chỉ giảm trên 0,5%, EIB vẫn giữ mức giảm sâu 6,09%.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, HCM là điểm sáng khi kéo trần thành công với mức tăng 6,8%, cùng thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 9,81 triệu đơn vị, kết phiên dư mua trần hơn 0,12 triệu đơn vị; các mã khác như SSI tăng 2,5%, VCI tăng 5,2%, VIX tăng 4%, AGR, FTS đều tăng nhẹ.
Trong khi đó, VND chịu áp lực bán chốt lời khá mạnh sau 2 phiên khởi sắc cuối tuần trước khiến cổ phiếu này giảm sàn ngay khi mở cửa phiên chiều. Tuy nhiên, lực cầu cũng tham gia tích cực đã giúp VND có thời điểm lấy lại mốc tham chiếu và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 1,7%, đứng tại mức giá 11.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 25 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG về thanh khoản.
Ngoài ra, một số mã lớn khác như VRE tăng 3,8%, GAS và MSN cùng tăng 1,9%..., hay sự đảo chiều hồi phục hoặc thu hẹp biên độ biên độ giảm của các ông lớn VIC, VNM, FPT, VHM… cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho xu hướng hồi phục của thị trường.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý vẫn thuộc về dòng thép. Ngay khi dòng tiền được kích hoạt, nhóm cổ phiếu thép là tâm điểm của thị trường khi lệnh chất dư bán sàn đã được “nuốt sạch”, đặc biệt là cổ phiếu HPG với lượng dư bán sàn tới hơn 16 triệu đơn vị cũng nhanh chóng được khớp lệnh.
Bộ 3 gồm HPG, HSG, NKG đều thoát nằm sàn với thanh khoản tăng vọt với kỳ vọng “bão” kết quả kinh doanh không mấy khả quan đã qua đi. Tuy nhiên, lực cầu vẫn không thể thắng nổi khi áp lực xả bán vẫn diễn ra mạnh mẽ, trong đó cổ phiếu HPG tiếp tục chịu thêm sức ép lớn đến từ cung ngoại khi khối lượng bán ròng trong phiên này lên tới con số khủng, hơn 20 triệu đơn vị, lần lượt đẩy các mã này trở lại sắc xanh mắt mèo và đóng cửa ở mức giá sàn.
Với diễn biến trên, cổ phiếu HPG đã có phiên giao dịch sôi động với thanh khoản lên tới gần 66,3 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa còn dư bán sàn hơn 1,82 triệu đơn vị. Còn HSG khớp hơn 21,41 triệu đơn vị; NKG khớp 10,7 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, DIG cũng có phiên “nhào lộn” và cũng đóng cửa trở về mức giá sàn 17.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt hơn 19 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 0,78 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác như TCB, SCD, DRH, TDC, NHA cũng đóng cửa giảm sàn.
Bên cạnh đó, NVL cũng được hấp thụ toàn bộ lượng cổ phiếu dư bán sàn và thoát sắc xanh mắt mèo, đóng cửa chỉ còn giảm 3,4%, đứng ở mức giá 70.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,45 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý trong ngành là VCG đóng cửa tăng 6% lên gần mức giá trần 15.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 6,23 triệu đơn vị; hay DXG cũng đảo chiều thành công khi tăng 3,7% lên mức giá cao nhất ngày 14.000 đồng/CP và khớp tới hơn 8,53 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn gây sức ép lớn khiến thị trường chưa thể lấy lại thăng bằng và có chút nới rộng đà giảm hơn về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 128 mã giảm, HNX-Index giảm 3,31 điểm (-1,55%) xuống 210,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,8 triệu đơn vị, giá trị 713,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,45 triệu đơn vị, giá trị 96,59 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý trên sàn HNX chính là pha “quay xe” của CEO. Sau màn lao dốc mạnh ở cuối phiên sáng, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp CEO đảo chiều tăng vọt. Kết phiên, CEO tăng 6,3% lên mức 13.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 8,04 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã khác trong nhóm HNX30 cũng lấy lại sắc xanh thành công như TAR tăng 3,1%, TNG tăng 0,6%, IDC tăng 0,5%.
Trái lại, THD tiếp tục lùi sâu và đóng cửa giảm 8,8%, xuống mức giá thấp nhất ngày 38.500 đồng/CP; các mã khác như PVC, L14, LHC có mức giảm trên dưới 5%.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, trong khi TVC vẫn trong trạng thái dư bán sàn, thì nhiều mã khác đảo chiều hồi phục tích cực. Điển hình như MBS đóng cửa tăng 3,1% lên mức 13.300 đồng/CP, BVS tăng 1,2% lên mức giá cao nhất ngày 16.500 đồng/CP, EVS tăng nhẹ 0,8%, SHS lấy lại mốc tham chiếu 7.700 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 12 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trái lại, thành viên nhóm thép trên HNX là VGS cũng trong xu hướng chung của ngành khi đóng cửa giảm 9,3% xuống mức giá sàn 9.800 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường đã có pha đảo chiều thành công và đóng cửa trong sắc xanh.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,26%) lên mức 76,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 253,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,19 đơn vị, giá trị hơn 41,25 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR thu hẹp đà giảm so với phiên sáng. Đóng cửa, BSR giảm 2,7% xuống mức 17.700 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 4,47 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đứng ở vị trí tiếp theo là VHG khớp 1,16 triệu đơn vị và SBS khớp hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa VHG đứng giá tham chiếu, còn SHS giảm 2%.
Một số mã đáng chú ý đã thu hẹp biên độ giảm như C4G giảm 2,2% xuống 8.800 đồng/CP, VGI giảm nhẹ 0,8%, VEA giảm 1,3%... hay có được sắc xanh như PAS tăng 1,7%, SSB, QNS, LTG đều tăng nhẹ.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều hồi phục sắc xanh, với VN30F2211 đáo hạn gần nhất tăng 8 điểm, tương đương +0,8% lên 1.024 điểm, khớp lệnh hơn 477.210 đơn vị, khối lượng mở gần 42.520 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao trùm, trong đó CHPG2221 dẫn đầu thanh khoản với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 20% xuống 80 đồng/CQ.