Giao dịch chứng khoán chiều 30/8: Cổ phiếu ngân hàng trở lại kéo VN-Index bay cao

Giao dịch chứng khoán chiều 30/8: Cổ phiếu ngân hàng trở lại kéo VN-Index bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự lan tỏa của dòng tiền phiên chiều nay được tiếp tục củng cố khi nhóm cổ phiếu ngân hàng quay trở lại tăng điểm giúp VN-Index có phiên tăng điểm ngoạn mục, chính thức xác nhận vùng đáy ngắn hạn của VN-Index ở khoảng 1.300 điểm (+/-)

Trên thực tế thì đà tăng ngắn hạn của thị trường được xác nhận ngay từ phiên sáng nay với việc các sàn mở cửa khá tích cực, điểm số tăng cao và số mã tăng giá chiếm áp đảo. Vào cuối phiên sáng và bước sang phiên chiều, đà tăng càng được củng cố khi nhóm ngân hàng nhập cuộc, giúp VN-Index có phiên tăng đẹp gần 15 điểm với thanh khoản nhích nhẹ so với phiên cuối tuần.

VN-Index đã nhẹ nhàng vượt ngưỡng kháng cự 1.320 điểm và đang hướng tới ngưỡng 1.340 điểm, tương ứng với đường trung bình giá 20 ngày (MA20).

Trong phiên hôm nay, ngoại trừ sự khác biệt đến từ nhóm ngân hàng khi tỏ ra "có sức sống" hơn so với tuần trước thì điểm đáng chú ý vẫn là sự lan tỏa của dòng tiền. 334 mã tăng điểm trên HOSE là con số ít khi xảy ra, áp đảo hoàn toàn số mã giảm điểm (63 mã) và không đổi (34 mã).

Ấn tượng hơn là số mã có giá tăng trần lên tới 37 mã, gần gấp đôi so với phiên cuối tuần trước với sự hiện diện chủ yếu của các ngành y tế, thực phẩm, sản xuất hàng hóa thiết yếu, bất động sản,...

Mặc dù nhóm cổ phiếu trụ không còn được nhà đầu tư dành sự quan tâm nhiều trong hơn một tuần qua, nhưng phiên hôm nay vẫn cần phải nhắc tới. Ngân hàng, thép và chứng khoán đều giữ vai trò đảm bảo cho chỉ số tăng khá ổn định, không còn biến động mạnh như các phiên trước.

Tất nhiên, đà tăng giá của nhóm này vẫn chưa được đánh giá cao, hầu hết các mã lớn trong 2 nhóm ngành kể trên là thép và ngân hàng như CTG, BID, ACB, MBB, TCB, HPG,... đù điểm số tăng tốt nhưng sự phục hồi có tính kỹ thuật nhiều hơn khi giá bật nảy ở vùng đáy, và quan trọng hơn là thanh khoản đều giảm khá mạnh. Đây là một chỉ báo chưa thực sự yên tâm nếu mua vào phiên hôm nay.

Hiện chỉ còn nhóm chứng khoán và một vài mã trong nhóm cổ phiếu lớn trên như HSG, NKG,... còn có diễn biến tích cực. Với các diễn biến này, nếu dòng tiền không tiếp tục ủng hộ thì rất có thể nhóm mã lớn lại đóng vai trò níu thị trường trong vài ba phiên tiếp tới.

Mở rộng hơn với các mã vốn hóa lớn ngày hôm nay, trong nhóm VN30 chỉ có 3 mã lớn là MSN, VIC, SAB đóng vai níu kéo thị trường. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý với nhóm này khi mặc dù có tới 26/30 mã tăng điểm nhưng mức độ tăng rất thấp, cao nhất là CTG với biên tăng là 3,69%. Đây cũng là lý VN30 có mức độ phục hồi kém hơn nhiều thị trường chung với chỉ 0,88% so với mức tăng của VN-Index là 1,14%.

Những diễn biến này tiếp tục cho thấy, cuộc chơi trên thị trường chứng khoán đang nằm trong tay các mã nhỏ và vừa, các mã không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch. Rất có thể thời gian tới, dù VN-Index có thể tăng không nhiều, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời nhân đôi, nhân ba tài khoản.

Chốt phiên, sàn HOSE có 334 mã tăng và 63 mã giảm, VN-Index tăng 14,94 điểm (+1,14%) lên 1.328,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 676,38 triệu đơn vị, giá trị 21.383,1 tỷ đồng, cùng giảm nhẹ về lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 27/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,38 triệu đơn vị, giá trị 1.583,24 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 3 mã giao dịch dưới mệnh giá với SAB và VIC giảm hơn 0,5%, đáng kể MSN giảm 2,4% xuống mức thấp nhất ngày 132.600 đồng/CP; còn lại đều diễn biến khởi sắc hơn so với phiên sáng nay, trong đó cặp đôi CTG và BVH tăng tốt nhất lần lượt ghi nhận mức tăng 3,7% và #.

Xét về nhóm ngành, dòng bank có những tín hiệu khá tích cực khi toàn bộ đã tìm lại sắc xanh với biên độ tăng được nới rộng, thậm chí LPB được kéo trần về cuối phiên.

Cụ thể, các cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số chung của thị trường có CTG tăng 3,7% lên mức cao nhất ngày 32.300 đồng/CP, TCB tăng 2,4% lên mức 49.200 đồng/CP, VCB, BID, ACB, MBB đều tăng hơn 1%.

Giao dịch của nhóm này cũng sôi động hơn với các mã có thanh khoản tốt như MBB khớp 15,84 triệu đơn vị, CTG khớp 13,23 triệu đơn vị, TCB và STB cùng khớp hơn 12 triệu đơn vị…

Cũng trong ngành tài chính, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán và bảo hiểm cũng giữ đà tăng khá tốt khi sắc xanh gần như phủ kín trên diện rộng, ngoại trừ EVS và AIC giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Bên cạnh sự trở lại của dòng bank và chứng khoán, nhóm cổ phiếu thép cũng đua nhau bùng nổ trong phiên chiều. Trong đó, cặp đôi đầu ngành là HPG và HSG lần lượt tìm tới vùng giá cao nhất ngày, với HPG tăng 2,3% lên 48.700 đồng, còn HSG tăng 3,8% lên 39.700 đồng/CP, cùng thanh khoản lần lượt đạt 17 triệu đơn vị và 10,8 triệu đơn vị; còn lại các mã khác như NKG, POM và SMC tăng gần 4-5%, TLH tăng hết biên độ với lượng dư mua trần hơn 1,94 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản, trong khi các mã lớn như VIC, VHM, NVL, VRE vẫn biến động giằng nhẹ quanh vùng giá tham chiếu, thì các mã ở top dưới vẫn duy trì đà tăng tích cực như TCH, ASM, SCR, HBC, VGC, HT1… đều tăng trên 3-4%; LCG, TTA tăng trần...

Các cổ phiếu trong nhóm công nghệ, bán lẻ, tiện tích như FPT, CMG, MWG, GAS, POW, VJC… cũng đều kết phiên trong sắc xanh.

Điểm nóng thị trường vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu dược khi sắc tím đang lan rộng với sự góp mặt của DMC, DHG, TRA, OPC, SPM, ngoài ra IMP tăng 5% lên mức 77.000 đồng/CP.

Một số cổ phiếu đáng chú ý là TCH tiếp tục nhận được lực cầu mạnh và duy trì đà tăng 3,3% lên mức 19.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt 13,64 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn HOSE.

Bên cạnh đó, cổ phiếu cùng ngành BCG cũng duy trì đà tăng mạnh 5% và đóng cửa tại xác lập đỉnh mới tại mức giá 17.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh cũng sôi động, đạt gần 8 triệu đơn vị.

Ngoài ra, với điểm sáng của dòng bank, cổ phiếu SSB cũng có diễn biến tích cực. Không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, cổ phiếu SSB đã được kéo lên mức giá cao nhất ngày 36.000 đồng/CP, tăng 1,8% cùng thanh khoản cải thiện so với những phiên trước đó, đạt hơn 3,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đà tăng có chút hạ nhiệt về cuối phiên bởi áp lực bán gia tăng ở một số mã lớn.

Đóng cửa, sàn HNX có 158 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index tăng 2,51 điểm (+0,74%), lên 341,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 134,95 triệu đơn vị, giá trị 2.643,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,28 triệu đơn vị, giá trị 178,82 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX vẫn diễn biến phân hóa với SHB vẫn điều chỉnh giảm 1,4%, còn BAB và NVB tăng trên dưới 1%. Trong đó, SHB trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 12,69 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến tích cực hơn với sắc xanh lan tỏa, trong đó các mã BVS, MBS, SHS tăng trên dưới 2%.

Ở nhóm bất động sản, HUT vẫn là điểm nhấn với thanh khoản chỉ đứng sau SHB, đạt 11,64 triệu đơn vị và đóng cửa duy trì mức giá 9.200 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu dược, bên cạnh mã lớn DP3 tăng trần, các mã LDP, DBT cũng duy trì sắc tím, ngoài ra các mã khác như PPP và DHT tăng hơn 4%, AMV tăng 8,4% lên 12.900 đồng/CP…

Trên UPCoM, thị trường vẫn từng bước nhích nhẹ qua vùng giá 93 điểm.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,09 điểm (+1,18%), lên 93,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,5 triệu đơn vị, giá trị 1.710,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,83 triệu đơn vị, giá trị 25,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu HHV là tâm điểm của thị trường UPCoM khi kết phiên giữ vững mức giá 22.100 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội, đạt hơn 14,4 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là BSR khớp gần 6,7 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 5,2% lên mức 18.200 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu khác như VGT, C4G, DDV cũng duy trì đà tăng mạnh cả về giá và thanh khoản.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai phiên này đều khởi sắc, với VN30F21019 tăng 12,9 điểm, tương ứng tăng 0,9% lên 1.432,8 điểm, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 194.330 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.110 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần chiếm chủ đạo, nhưng mã khớp lệnh cao nhất với 158.950 đơn vị là CHPG2111 lại tăng 17,3% lên 2.170 đồng/CP.

Tin bài liên quan