Giao dịch chứng khoán chiều 30/10: Ngỡ một chiều mưa

Giao dịch chứng khoán chiều 30/10: Ngỡ một chiều mưa

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên chiều, thậm chí liên tiếp xác lập mức đáy của ngày, tưởng chừng chứng khoán sẽ có một buổi chiều u ám, nhưng đột biến đã xảy ra vào cuối phiên.

Trong phiên sáng, VN-Index tăng mạnh ngay khi mở cửa vượt qua mốc 925 điểm, nhưng sau đó nhanh chóng bị đẩy xuống dưới tham chiếu trước áp lực bán gia tăng mạnh ở nhiều mã bluechip.

Dù vậy, trước khi bước vào giờ nghỉ trưa, thị trường vẫn giữ được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của VIC và HDB, cùng một số mã bluechip khác.

Bước vào phiên giao dịch chiều cuối tuần, lực bán gia tăng mạnh ngay đầu phiên đẩy VN-Index liên tục xuyên thủng đáy trong ngày.

Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên giao dịch cuối tuần chìm trong sắc đỏ và VN-Index có thể sẽ xuyên thủng mốc 910 điểm thì đột biến đã xảy ra vào ít phút cuối phiên.

Lực cầu bất ngờ gia tăng ở một số mã lớn, đặc biệt là lực kéo từ VIC đã tạo cú huých cho VN-Index tăng vọt hơn 14 điểm, từ mức đáy của ngày 911,2 điểm lên trên mốc 925 điểm khi chốt phiên, dù số mã giảm nhiều hơn phiên sáng và thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên hôm qua.

Cụ thể chốt phiên, VN-Index tăng 6,39 điểm (+0,70%), lên 925,47 điểm với 225 mã tăng và 181 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 312,8 triệu đơn vị, giá trị 6.557,7 tỷ đồng, giảm 28,3% về lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15 triệu đơn vị, giá trị 458,4 tỷ đồng.

Đà tăng vọt của VN-Index vào cuối phiên nhờ sự khởi sắc của VIC khi mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường này tăng mạnh 5,76% lên 106.500 đồng, mức cao nhất ngày. Tổng khớp gần 1 triệu đơn vị.

Ngoài VIC, thị trường hôm nay cũng nhận được sự hỗ trợ của một số mã lớn khác như VNM tăng 1,03% lên 108.000 đồng, cũng là mức cao nhất ngày, khớp gần 2,7 triệu đơn vị. PLX tăng 1,66% lên 49.000 đồng, cũng là đỉnh của ngày, khớp hơn nửa triệu đơn vị. VPB tăng 1,29% lên mức cao nhất ngày 23.600 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị. GVR tăng 3,28% lên 14.150 đồng, khớp gần 3,5 triệu đơn vị. MWG tăng 2,35% lên 104.700 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị. HDB vẫn giữ được phong độ với mức tăng 2,54% lên 24.200 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, FPT tăng 1,18% lên 51.500 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, HVN tăng 1,02% lên 24.850 đồng, khớp chỉ hơn 174.000 đơn vị.

Trong khi đó, các mã giảm chỉ ở biên độ nhỏ, trong đó giảm mạnh nhất và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường là TCB khi mất 2,06% xuống 21.350 đồng, mức thấp nhất ngày, thanh khoản đạt 28,9 triệu đơn vị.

POW giảm 1,98% xuống 9.400 đồng, khớp 7,4 triệu đơn vị, STB giảm 1,48% xuống 13.300 đồng, khớp 8,2 triệu đơn vị, VRE giảm 1,17% xuống 25.300 đồng, khớp gần 5 triệu đơn vị, VJC giảm 1,08% xuống 101.200 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. Các mã còn lại giảm nhẹ trên dưới 0,5%, trong đó HPG có thanh khoản tốt, chỉ đứng sau TCB với 19 triệu đơn vị.

Trong các mã vừa và nhỏ, FLC dẫn đầu về thanh khoản với hơn 14 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 0,72% lên 4.180 đồng.

HSG, DXG, ITA, TTF, TCH và HAG là các mã đứng ở vị trí tiếp theo, với thanh khoản từ hơn 5,7 triệu đơn vị đến gần 9 triệu đơn vị. Trong đó, HSG, DXG, ITA và HAG tăng giá, còn TTF và TCH giảm giá. Đặc biệt, TTF có biên độ dao động rất rộng, từ mức trần 7.160 đồng đến mức sàn 6.240 đồng, trước khi đóng cửa giảm 4,33% xuống 6.410 đồng.

Phiên hôm nay cũng chứng kiến giao dịch tích cực của TDP khi tân binh này đóng cửa tăng 2,32% lên 30.900 đồng, thanh khoản đạt gần 400.000 đơn vị. Đây là mức đóng cửa cao thứ 2 và là thanh khoản tốt nhất của TDP kể từ khi chào sàn HOSE ngày 12/10/2020.

So với mức giá tham chiếu lúc chào sàn 21.200 đồng, sau nửa tháng, giá cổ phiếu TDP đã tăng 45,76% và còn cách mức đỉnh ngày 16/10 khoảng 5%.

Diễn biến trên HNX cũng tương tự sàn HOSE khi HNX-Index phần lớn thời gian dao động trong sắc đỏ, thậm chí lúc đầu phiên còn lao thẳng đứng xác lập mức đáy của ngày ngay đầu phiên chiều. Tuy nhiên, trong ít phút cuối phiên, với tín hiệu tích cực trên HOSE, HNX-Index cũng leo thẳng lên trên tham chiếu và đóng cửa cao hơn phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,97 điểm (+0,73%), lên 135,34 điểm với 74 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,9 triệu đơn vị, giá trị 434,6 tỷ đồng, giảm 21,8% về khối lượng và 29,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 26,5 tỷ đồng.

Cũng như VN-Index, đà tăng mạnh cuối phiên của HNX-Index cũng nhờ các mã lớn trên sàn này. Cụ thể, ACB tăng 0,84% lên 24.100 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị, lớn nhất sàn. SHB tăng 1,99% lên 15.400 đồng, khớp 1,46 triệu đơn vị. VCS tăng 2,55% lên 72.300 đồng, mức cao nhất ngày, khớp hơn 220.000 đơn vị. NTP tăng 2,06% lên 34.600 đồng, nhưng chỉ khớp 37.140 đơn vị. Sắc xanh nhạt cũng xuất hiện ở một số mã như IDC, PVI, trong khi VCG, THD, PHP chỉ giảm nhẹ.

Tuy nhiên, đáng chú ý trong phiên cuối tuần trên HNX là các mã nhỏ khi KLF, MST, VIX đua nhau tăng trần lên 1.900 đồng, 3.800 đồng và 13.700 đồng với thanh khoản từ hơn 1 triệu đơn vị đến gần 2 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM cũng theo bước 2 sàn niêm yết khi thoát hiểm khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,18%), lên 62,85 điểm với 159 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,8 triệu đơn vị, giá trị 518 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 26 triệu đơn vị, giá trị 361 tỷ đồng.

Phiên hôm nay, PVX bất ngờ có giao dịch sôi động với hơn 4,4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, nhưng đóng cửa lại ở mức giá sàn 1.500 đồng. Trong khi đó, LMH lại đóng cửa ở mức giá trần 1.000 đồng, khớp gần 2,2 triệu đơn vị, đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản. Một mã nhỏ khác có giao dịch sôi động hôm nay là PPI với hơn 1,1 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức sàn 500 đồng.

Trong các mã lớn, sau khi LPB chia tay UPCoM, BSR trở thanh mã có giao dịch sôi động nhất với thanh khoản hơn 1,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,52% lên 6.700 đồng.

Trên thị trường phái sinh, việc kéo VN30 thông qua VIC cũng giúp cho các hợp đồng tương lai cũng chuyển từ sắc đỏ sang sắc xanh. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,66% lên 892,55 điểm, còn VN30F2011 đáo hạn ngày 19/11 tăng 1,03% lên 896,6 điểm, mức cao nhất ngày với 215.946 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 36.953 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 56 mã tăng, 45 mã giảm. Trong đó, CMWG2010 là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 1,35 triệu đơn vị được giao dịch, đóng cửa giảm 8,96% xuống 2.540 đồng/chứng quyền.

Tin bài liên quan