Giao dịch chứng khoán chiều 30/11: Nhà đầu tư chốt lời, VN-Index lùi sâu

Giao dịch chứng khoán chiều 30/11: Nhà đầu tư chốt lời, VN-Index lùi sâu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Áp lực chốt lời gia tăng về cuối phiên khiến thị trường lùi sâu, chỉ số VN-Index quay về gần mốc 1.000 điểm, chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp.

Dù dòng tiền tham gia khá sôi động và nhóm cổ phiếu vua giao dịch khá tích cực với nhiều điểm sáng, nhưng áp lực bán gia tăng sau 9 phiên khởi sắc liên tiếp khiến thị trường trở nên rung lắc và quay đầu điều chỉnh khi tạm dừng phiên giao dịch sáng nay.

Bước sang phiên giao dịch chiều, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn khá nỗ lực và dòng tiền tiếp tục bơm mạnh vào thị trường nhưng VN-Index vẫn chưa thể lấy lại được mốc tham chiếu, thậm chí càng nới rộng đà giảm hơn về cuối phiên do áp lực bán mạnh dần.

Đóng cửa, sàn HOSE có 182 mã tăng và 247 mã giảm, VN-Index giảm 7,14 điểm (-0,71%), xuống 1.003,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 532,93 triệu đơn vị, giá trị 11.279,8 tỷ đồng, tăng 19,37% về khối lượng và 14,29% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 27/11.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 82,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.025 tỷ đồng, trong đó riêng HPG thỏa thuận hơn 24,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 821 tỷ đồng; chứng chỉ quỹ FUEVFVND thỏa thuận 20,1 triệu đơn vị, giá trị 304,84 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu tiếp tục phân hóa với các mã lớn trong ngành có phần nới rộng biên độ giảm như BID giảm 1,8% xuống mức thấp nhất ngày 41.700 đồng/CP, tương tự CTG giảm 1,6% xuống 33.500 đồng/CP, VCB giảm 1,6% xuống 93.000 đồng/CP, trong khi phần lớn các mã còn lại trong nhóm giao dịch bùng nổ.

Cụ thể như TCB tăng 1,7% lên 24.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 24,65 triệu đơn vị, STB tăng 1% lên 14.500 đồng/CP và khớp 18,68 triệu đơn vị, MBB tăng 1,8% lên 20.350 đồng/CP và khớp 18,51 triệu đơn vị.

Đặc biệt, 2 mã TPB và HDB tiếp tục có mức tăng tốt nhất trong nhóm, với TPB bảo toàn sắc tím và đóng cửa tại mức giá 22.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị, còn HDB tăng 2,6% lên 22.000 đồng/CP và khớp hơn 7 triệu đơn vị.

Bên cạnh các cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng, nhiều mã bluechip khác cũng giảm sâu hơn đã tác động thiếu tích cực tới thị trường như VHM, VIC, VNM, SAB đều giảm hơn 1%, MSN giảm 2% xuống 82.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép cũng lần lượt nới rộng biên độ giảm, ngoại trừ POM tiếp tục tăng trần, với các mã HPG, HSG, NKG, VIS có mức giảm trên 2%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã quen thuộc như HAG, ITA, LDG, DXG, FLC, ASM… cũng đều giao dịch trong sắc đỏ.

Trên sàn HNX, mặc dù HNX-Index đã tiến về sát mốc tham chiếu ở giữa phiên chiều nhưng áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến thị trường này chưa thể hồi phục.

Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,31%), xuống 147,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,8 triệu đơn vị, giá trị 953,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,19 triệu đơn vị, giá trị 229,21 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng gồm ACB, SHB và NVB đều kết phiên tại mốc tham chiếu, trong đó ACB vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản trên HNX, đạt 8,94 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã lớn khác quay đầu điều chỉnh hoặc nới rộng biên độ giảm như IDC giảm 4,7% xuống 28.100 đồng/Cp, PHP giảm 2,1% xuống 14.100 đồng/CP, PVS giảm 2% xuống 14.700 đồng/Cp, VCG giảm 1,2% xuống 41.700 đồng/CP, VCS và PVI giảm nhẹ dưới 1%...

Trên UPCoM, thị trường vẫn rung lắc và liên tục đổi sắc, tuy nhiên UPCoM-Index tiếp tục dành chiến thắng khi kết phiên bảo toàn sắc xanh.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,16%), lên 66,9 điểm với 100 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,73 triệu đơn vị, giá trị 329,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,77 triệu đơn vị, giá trị 239,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAS và BSR tiếp tục giao dịch sôi động hơn, bỏ xa thanh khoản với các mã khác, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4,36 triệu đơn vị và hơn 4 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, kết phiên AAS nới rộng biên độ tăng, thậm chí có mức tăng trần và dừng chân tại mức 6.500 đồng/CP, tăng 8,33%, còn BSR giảm 2,74% xuống 7.100 đồng/CP.

Thị trường giữ được sắc xanh nhờ các mã lớn như MSR, ACV, VEA, MSR… tiếp tục giao dịch khởi sắc.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều quay đầu điều chỉnh khi đóng cửa, trong đó, VNF302012 giảm 0,87% xuống 966 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt 92.465 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.150 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã CVHM2009 và CNVL2003 được mua bán sôi động nhất với 215.112 đơn vị và 157.780 đơn vị khớp lệnh, trong đó, CVHM2009 tăng 13,25% lên 1.880 đồng/cq, còn CNVL2003 giảm 3,75% xuống 770 đồng/cq.

Tin bài liên quan