Giao dịch chứng khoán chiều 29/7: Tích cực bắt đáy, VN-Index hãm đà rơi

Giao dịch chứng khoán chiều 29/7: Tích cực bắt đáy, VN-Index hãm đà rơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một lần nữa mốc 780 điểm trở thành điểm hỗ trợ vững chắc cho VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay.

Trong phiên sáng, trước thông tin về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại Đà Nẵng và lây lan ra nhiều địa phương khác, nhà đầu tư lo sợ đẩy mạnh bán ra, đẩy VN-Index lao dốc, giảm 30 điểm xuống sát mốc 780 điểm, trả hết cả vốn và lãi đã có được trong phiên trước đó.

Tuy nhiên, tại ngưỡng hỗ trợ 780 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp chặn đà rơi của chỉ số, thanh khoản theo đó cũng gia tăng mạnh.

Trong phiên chiều, ngay từ đầu phiên, áp lực bán mạnh một lần nữa đẩy VN-Index xuống thử thách ngưỡng hỗ trợ 780 điểm, thậm chí lần này chỉ số còn bị đẩy xuống sâu hơn mức đáy của phiên sáng. Tuy nhiên, một lần nữa, 780 điểm trở thành bờ đê vững chắc ngăn được dòng thác đỏ, chặn được đà lao dốc của VN-Index, thậm chí còn giúp chỉ số bật lên 10 điểm, đóng cửa cao hơn phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 22,52 điểm (-2,77%), xuống 790,84 điểm với 352 mã giảm, trong khi chỉ có 59 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 362 triệu đơn vị, giá trị 5.464 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng và tăng 8,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 51 triệu đơn vị, giá trị 913 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, trong khi NVL không thể duy trì được mức tham chiếu, thì EIB lại đảo chiều ngoạn mục từ mức giảm hơn 3% của phiên sáng lên thẳng mức giá trần 17.650 đồng khi chốt phiên chiều, dù thanh khoản không quá tốt, chỉ hơn nửa triệu đơn vị.

Trong khi đó, GAS nới đà giảm khi mất 6,34% xuống 63.500 đồng. VRE là mã thứ 2 trong nhóm giảm hơn 6%, nhưng đà giãm cũng hãm hơn so với phiên sáng khi mất 6,07% xuống 25.550 đồng. Đa số các mã khác đều đã hãm bớt đà rơi, HVN chỉ còn giảm 5,87% xuống 21.650 đồng. Mã giảm mạnh nhất nhóm trong phiên sáng là GVR cũng lấy lại được phân nửa khi chỉ còn giảm 3,3% xuống 10.250 đồng. SAB giảm 5% xuống 171.000 đồng.

Các mã giảm trên từ hơn 3% đến dưới 5% có CTG, TCB,  VPB, MBB, MWG, BVH, STB, VNM. Các mã còn lại giảm dưới 2%.

Trong số này, HPG vẫn là mã có thanh khoản nhất, khớp 18,5 triệu đơn vị, cũng là mã có thanh khoản dẫn đầu thị trường; tiếp theo là STB khớp 14,8 triệu đơn vị.

Trong các mã thị trường, ROS, ITA, HQC, HAI, DAH, AMD, TNI, SJF, ASM… vẫn không thoát được mức sàn. Trong đó, ROS khớp 15,3 triệu đơn vị, đứng sau HPG, còn ITA và HQC khớp lần lượt 13,9 triệu đơn vị và 9,7 triệu đơn vị, đứng thứ 5 và thứ 6 về thanh khoản.

Dù thị trường bao trùm trong sắc đỏ, nhưng vẫn xuất hiện một số điểm sáng. Ngoài sự đảo chiều ngoạn mục của EIB, phiên chiều nay còn chứng khiến sự đảo chiều ngoạn mục ở một mã khác là SZC khi từ mức giảm của phiên sáng, đảo chiều đóng cửa ở mức trần 24.700 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Ngoài ra còn phải kể đến VIP, VPS, CIG và tân binh APH cũng đóng cửa với sắc tím.

Trên HNX, lực cầu bắt đáy thậm chí còn suýt chút nữa kéo chỉ số chính của sàn này lên lại tham chiếu.

Chốt phiên chiều, HNX-Index chỉ còn giảm 1,12 điểm (-1,04% so với mức giảm hơn 4% của phiên sáng), xuống 106,85 điểm với 41 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53 triệu đơn vị, giá trị 490 tỷ đồng, tương đương về thanh khoản và tăng hơn 11,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trên HNX cũng chứng khiến sự đảo chiều ngoạn mục của SHB khi từ mức giảm gần 7% trong phiên sáng, chốt phiên chiều tăng 6,25% lên 11.900 đồng, thậm chí có lúc đã lên mức trần 12.300 đồng.

Ngoài SHB, VCG cũng đảo chiều tăng giá, dù mức tăng chỉ khiêm tốn 0,38% lên 26.100 đồng. Trong khi đó, đà giảm của các mã khác cũng đã hãm đi nhiều.

Cụ thể, ACB giảm 3,06% xuống 22.200 đồng, PVS giảm 4,42% xuống 10.800 đồng, THD giảm 5,38% xuống 65.100 đồng. Các mã còn lại chủ yếu giảm dưới 1%. Trong nhóm này, ACB khớp lớn nhất 4,9 triệu đơn vị, tiếp đến là PVS khớp 4,4 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, khớp lớn nhất sàn HNX vẫn là KLF với 5,5 triệu đơn vị và đóng cửa giữ mức sàn 1.500 đồng như phiên sáng, còn dư bán sàn.

UPCoM cũng hồi trở lại trong phiên chiều, hãm bớt đà giảm. Cụ thể, UPCoM-Index giảm 1,11 điểm (-2,01%), xuống 54,17 điểm với 66 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37 triệu đơn vị, giá trị 678 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp tới 16,4 triệu đơn vị, giá trị 419 tỷ đồng.

Ngoài LPB và BSR, kết thúc phiên chiều có thêm 2 mã khớp trên 1 triệu đơn vị là VIB (1,3 triệu) và C4G (hơn 1 triệu). Trong đó, VIB giảm 4,37% xuống 17.500 đồng, còn C4G đứng giá tham chiếu 7.300 đồng.

Còn LPB vẫn giảm 3,61% xuống 8.000 đồng, khớp hơn 7 triệu đơn vị và BSR giảm 3,33% xuống 5.800 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị.

Theo thống kê, chốt phiên hôm nay (VN-Index ở mức 790,84 điểm), thị trường có 48% cổ phiếu (778 mã trên HOSE, HNX và UPCoM) có giá giờ thấp hơn hoặc bằng ngày 24/3 khi VN-Index chạm đáy 659,21 lúc chuẩn bị chính thức giãn cách xã hội lần trước!

Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai của VN30 đều giảm theo chỉ số này. Cụ thể, VN30-Index giảm 2,78% xuống 735,16 điểm, còn VN30F2008 đáo hạn ngày 20/8 giảm 2,83% xuống 720,7 điểm với 354.161 hợp đồng được chuyển nhượng, tăng 10% so với hôm qua; khối lượng mở 33.442 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có duy nhất 1 mã tăng là CNVL2002 với mức tăng 2,37% lên 3.040 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 2.800 đơn vị. Trong khi đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2004 với hơn 1 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 16,67% xuống 850 đồng.

Tin bài liên quan