Làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến cho tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng trở nên tiêu cực hơn. Áp lực bán mạnh xuất hiện ngay từ đầu phiên khiến thị trường giảm khá sâu và chỉ số VN-Index đã để mất hơn 18 điểm, tạm dừng phiên sáng tại mốc 833 điểm.
Trước đó, BVSC đã cảnh báo về áp lực giảm điểm hiện hữu và cho rằng, nếu vùng hỗ trợ quanh 840 điểm bị xuyên thủng thì thị trường sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780-820 điểm trong ngắn hạn.
Bước vào phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường vẫn khá tiêu cực khi áp lực bán dâng cao và lan tỏa khiến hàng trăm mã giảm điểm, trong đó số mã nằm sàn cũng không ngừng tăng lên khiến VN-Index tiếp tục rơi xuống sát mốc 825 điểm chỉ sau khoảng 30 phút giao dịch.
Mặc dù sau đó thị trường đã nỗ lực bật lên nhưng do dòng tiền tham gia chưa đủ mạnh trước áp lực ồ ạt xả hàng trên diện rộng khiến VN-Index chính thức để mất mốc 830 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 358 mã giảm (50 mã giảm sàn), gấp gần 7 lần số mã tăng (53 mã), VN-Index giảm 22,62 điểm (-2,65%), xuống 829,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 389,64 triệu đơn vị, giá trị 5.564,16 tỷ đồng, cùng tăng hơn 29% cả về khối lượng và 7,giá trị so với phiên cuối tuần trước (26/6).
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54 triệu đơn vị, giá trị 1.147,16 tỷ đồng, trong đó riêng EIB thỏa thuận 27,64 triệu đơn vị, giá trị 482,88 tỷ đồng.
Bên cạnh thỏa thuận khủng, cổ phiếu EIB cũng đã có phiên giao dịch khá tích cực bởi việc đi ngược xu hướng chung của thị trường ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên được tổ chức ngày 30/6, khi +1,4% và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 18.000 đồng/CP.
Vào cuối tuần qua, HĐQT Eximbank bất ngờ thông báo chấp thuận ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và bầu chọn ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Ninh.
Ngoài EIB, trong nhóm VN30 cũng chỉ có thêm CTD giữ được sắc xanh và tiếp tục nới rộng biên độ tăng, bất chấp áp lực bán gia tăng trên diện rộng. Kết phiên, CTD +4,79% lên 70.000 đồng/CP.
Còn lại 28 mã trong nhóm VN30 đều vẫn giao dịch trong sắc đỏ, đáng kể dòng bank giảm khá sâu với VCB -2,16% xuống 81.500 đồng/CP, TCB -3,44% xuống 19.650 đồng/CP, BID -3,51% xuống 38.500 đồng/CP, CTG -2,88% xuống 21.900 đồng/CP, VPB -4,55% xuống 21.000 đồng/CP, STB -3,1% xuống 10.950 đồng/CP, HDB -2,56% xuống 24.700 đồng/CP, MBB -2,88% xuống 16.850 đồng/CP.
Thêm vào đó, những trụ cột cũng gia tăng sức ép như VNM -3,45% xuống 111.900 đồng/CP, VIC -2,73% xuống 89.000 đồng/CP, SAB -2,61% xuống 160.500 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, áp lực bán mạnh khiến hàng loạt mã quen thuộc dừng chân ở mức giá sàn như HQC, ITA, FLC, DLG, LDG, HAI, AMD, SCR, TSC…
Trong đó, HQC vẫn dẫn đầu thanh khoản với 19,84 triệu đơn vị, tiếp theo ROS và ITA cùng khớp hơn 18 triệu đơn vị, FLC khớp 14,28 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,24 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, đà giảm cũng nới rộng hơn và HNX-Index đã may mắn giữ được mốc 110 điểm.
Chốt phiên, sàn HNX chỉ có 45 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 3,13 điểm (-2,76%), xuống 110,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,39triệu đơn vị, giá trị 482,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,84 triệu đơn vị, giá trị 103,85 tỷ đồng.
Nhóm HNX có 2 mã lội ngược dòng thành công là CAP nhích nhẹ 100 đồng và PVI +1,66% lên 30.600 đồng/CP, còn lại đều giảm.
Đáng chú ý, nhiều mã lớn nới rộng biên độ giảm, đã gia tăng sức ép cho thị trường như ACB -2,97% xuống 22.900 đồng/CP, SHB -6,43% xuống 13.100 đồng/CP, VCG -6,05% xuống 26.400 đồng/CP, VCS -2,56% xuống 61.000 đồng/CP…
Cổ phiếu nhỏ HUT vẫn giao dịch sôi động nhất sàn HNX với hơn 7 triệu đơn vị được khớp lệnh và kết phiên tại mức giá sàn 2.700 đồng/CP, giảm 6,9%. Ngoài ra, hàng loạt mã vừa và nhỏ cũng nằm sàn.
Giao dịch trên thị trường UPCoM cũng chìm ngập trong sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,9 điểm (-1,59%), xuống 55,51 điểm với 68 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,72 triệu đơn vị, giá trị 222,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,17 triệu đơn vị, giá trị 12,26 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM là LPB với hơn 5,6 triệu đơn vị được giao dịch thành công, BSR đạt 5,45 triệu đơn vị, G36 đạt 1,29 triệu đơn vị, OIL đạt gần 1,2 triệu đơn vị và C4g đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, cả 4 mã này đều kết phiên dưới mốc tham chiếu với mức giảm đều trên 4,5%, ngoại trừ C4G giảm gần 1,4%.
Ngoài ra, nhiều mã lớn như ACV, VGI, VEA, VGT, MML, BCM, MSR… cũng mất điểm, tác động thiếu tích cực tới thị trường.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm điểm. Trong đó, VNF2007 mất 1,94% xuống 762,7 điểm, với khối lượng khớp lệnh 218.029 đơn vị, khối lượng mở hơn 19.900 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, cũng chỉ có 3 mã tăng và 5 mã đứng giá, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ, trong đó CMBB2004 là mã có thanh khoản cao nhất đạt 150.584 đơn vị khớp lệnh và kết phiên giảm xuống mức 180 đồng/cq.