Thị trường có sự phục hồi nhất định cuối phiên sáng, tuy nhiên lực cầu quá yếu khiến chỉ số chuyển lại trạng thái lao dốc trong phiên chiều. Số điểm của VN-Index mất đi dù chưa đến mức “thảm họa” là trên 26 điểm, nhưng nhìn diễn biến thị trường với số mã giảm giá chiếm áp đảo cho thấy biểu hiện của một phiên phân phối khá rõ nét.
Trên sàn HOSE, số mã giảm giá lên tới 376, trong khi số mã tăng giá chỉ là 48. Tỷ lệ giữa mã giảm giá và mã tăng giá tương tự trên sàn HNX và thị trường UpCom, tất cả cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư giai đoạn hiện tại.
Nếu so sánh giữa nhóm mã lớn và nhóm mã vừa và nhỏ có thể thấy, sự bi quan tập trung nhiều ở nhóm mã nhỏ. VN30-Index cũng giảm, nhưng tỷ lệ giảm chỉ là 1,42%, trong khi đó VN-Index có mức giảm tới 1,94%, đáng chú ý có tới 48 mã giảm sàn so với 6 mã tăng trần.
Thị trường phiên hôm nay đã xác nhận chính thức xác nhận kết thúc chu kỳ, kéo dài từ tháng 8/2020, của quy luật mã lớn tạo sóng, midcap giữ sóng, và penny cuối sóng. Thị trường bước sang giai đoạn điều chỉnh giảm để về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn trước khi tạo xu hướng mới.
Trong phân tích cơ bản thì thị trường cần chờ kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp để xác định các nhóm ngành đóng vai trò dẫn dắt trong thời gian. Kết quả quý III do không cần kiểm toán hoặc soát xét nên có thể sẽ sớm công bố vào đầu tháng 10. Bên cạnh đó, câu chuyện về kiểm soát dịch đang có những kết quả tích cực có thể sẽ tạo nền đỡ tốt cho thị trường thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn dao động trong biên độ hẹp, bất chấp phiên giảm điểm khá mạnh ngày hôm nay. Chỉ số đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm và xuống sát cạnh dưới của dải Bolinger Bands, báo hiệu khả năng bật hồi kỹ thuật trong 1-2 phiên tới. Tuy nhiên, MACD đang cắt xuống và lượng bán lớn xuất hiện liên tục trong hơn một tuần qua sẽ là lực cản cho sự “bật nảy” của thị trường,
Phiên hôm nay, thị trường diễn biến xấu nhưng chưa phải quá xấu, kỳ vọng nằm ở nhóm mã trụ mà cụ thể là nhóm ngân hàng. Đây là nhóm đã giảm giá suốt từ đầu tháng 8 vừa qua, đang trong giai đoạn tích lũy dài, nếu nhóm này nhận được lực cầu tốt thì thị trường sẽ sớm tăng trở lại.
Đóng cửa, VN-Index lao dốc mạnh khi giảm 26,18 điểm (-1,94%) xuống 1.324,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 778,44 triệu đơn vị, giá trị 21.787,51 tỷ đồng, tăng 15,67% về khối lượng và 18,86% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 24/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 57,58 triệu đơn vị, giá trị 2.327,75 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm VN30 chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh là PLX và VJC. Trong đó, đáng chú ý là VJC vẫn giữ vững đà tăng mạnh bất chấp thị trường chịu áp lực bán khá ồ ạt. Kết phiên, VJC tăng 3,2% lên mức 129.000 đồng/CP; còn PLX nhích nhẹ khi tăng 0,2%.
Trái lại, nhiều cổ phiếu giảm sâu về vùng giá thấp nhất ngày như MSN giảm 5,2% xuống mức 135.000 đồng/CP, BVH giảm 3,9% xuống 56.500 đồng/CP, GVR giảm 3,8% xuống 35.600 đồng/CP, SSI giảm 4,3% xuống 40.000 đồng/CP, MWG giảm 3,4% xuống 126.000 đồng/CP…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đồng loạt nới rộng đà giảm với hàng loạt mã như SCR, LCG, FIT, DIG, ASM, IDI, TLH, VPH, TNI, MHC… đóng cửa giảm sàn; hay các mã khác như FLC, ROS, HQC, ITA, KBC, LDG, AMD, HNG… cũng giảm sâu với biên độ giảm trên 5-6%.
Xét về nhóm ngành, dòng bank đồng loạt mất giá, chỉ còn VPB và HDB giữ được mốc tham chiếu. Trong đó, cặp đôi TPB và VIB có biểu hiện tăng mạnh nhất trong nhóm vào phiên cuối tuần trước đã bị quay ra chốt lời mạnh trong phiên hôm nay khi lần lượt ghi nhận mức giảm 3,85% và 5,07%. Ngoài ra, TCB, CTG, MBB, VCB cũng giảm trên dưới 2%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt giảm mạnh, đáng kể như các mã lớn SSI, HCM, VND giảm trên dưới 5%, VCI và SHS giảm hơn 6%, FTS giảm sàn..., ngoại trừ một số mã thuộc top sau như AAS, CSI, PHS, VIG hồi nhẹ.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung với TLH giảm sàn, NKG và SMC giảm trên dưới 5,5%, POM và HSG giảm hơn 3%, chỉ còn HPG giữ được mốc tham chiếu. Trong đó, HPG vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 28,5 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Nhóm bất động sản cũng được phủ kín sắc đỏ khi chỉ còn một vài mã tăng nhẹ như DPG, SSH, API…
Trong khi sắc đỏ đang bao phủ trên diện rộng thị trường thì vẫn có những điểm sáng đi ngược xu hướng chung. Điển hình như DLG vẫn duy trì đà tăng mạnh và kết phiên đứng tại mức giá trần 4.410 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 19,56 triệu đơn vị. Hay DRH tiếp tục có thêm 1 phiên tăng trần và đóng cửa tại mức giá 15.650 đồng/CP.
Trong nhóm cổ phiếu nhà Louis, các mã TGG, DDV, APG, TDH, BII vẫn trong trạng thái dư bán sàn chất động, AGM cũng ngấp nghé giá sàn.
Trên sàn HNX, áp lực bán dâng cao và lan rộng cũng khiến HNX-Index giảm mạnh về vùng giá thấp nhất ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 47 mã tăng và 159 mã giảm, HNX-Index giảm 6,62 điểm (-1,84%), xuống 353,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 145,72 triệu đơn vị, giá trị 2.831,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 284,43 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30 cũng chỉ có 2 mã giữ được sắc xanh là TNG và VC3, trong đó VC3 tăng 5,2% và kết phiên đứng tại mức 26.300 đồng/CP, còn TNG tăng nhẹ 0,4% lên 28.300 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, một số mã bluechip giảm khá sâu đã gia tăng gánh nặng lên thị trường như SHS, LAS, CEO, NRC cùng giảm hơn 6%, NBC giảm sàn, VCS giảm 4,8%...
Về nhóm ngành, bộ 3 trụ cột chính là bank – chứng – thép cũng đồng loạt giảm sâu.
Về thanh khoản, cặp đôi SHB và PVS dẫn đầu thanh khoản thị trường, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 17 triệu đơn vị và hơn 9,4 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng cắm đầu đi xuống trong phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,31 điểm (-2,36%) xuống 95,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 103,28 triệu đơn vị, giá trị 1.857,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,54 triệu đơn vị, giá trị 92,39 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn cũng trong xu thế chung của thị trường như VGT giảm 4,7% xuống 18.400 đồng/CP, VGI giảm 2,9% xuống 33.500 đồng/CP, BSR, MCH, ACV…
Trong đó, BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 14,1 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Đứng ở vị trí thứ 2 là HHV giảm 6,2% xuống mức 19.800 đồng/CP và khớp 8,99 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, VN30F2110 giảm 15,9 điểm (-1,1%) xuống 1.434 điểm, khớp lệnh đạt hơn 132.790 đơn vị, khối lượng mở hơn 35.190 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CMSN2105 hôm nay có khối lượng giao dịch cao nhất khi khớp 159.860 đơn vị và giảm 11,5% xuống 4.320 đồng/cq.