Giao dịch chứng khoán chiều 27/7: Ồ ạt tháo chạy, vốn hóa thị trường bốc hơi 8,5 tỷ USD

Giao dịch chứng khoán chiều 27/7: Ồ ạt tháo chạy, vốn hóa thị trường bốc hơi 8,5 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư ồ ạt thoát hàng khiến thị trường lao dốc mạnh, các chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều để mất hơn 5%, đồng thời vốn hóa toàn thị trường cũng bốc hơi gần 8,5 tỷ USD.

Trong khi chứng khoán quốc tế đang giảm điểm khá mạnh bởi giới đầu tư lo sợ khi dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, thì thị trường trong nước cũng đang diễn biến khá tiêu cực từ sau thông tin về các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng.

Thị trường đã chịu áp lực bán tháo và lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần 24/7 và tiếp tục duy trì trạng thái này trong phiên sáng nay 27/7 khi Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận thêm những ca lây nhiễm mới.

Đà bán diễn ra khá ồ ạt và mạnh khiến VN-Index nhanh chóng mất ngay mốc 800 điểm ngay khi mở cửa và sau đó đã bật ngược đi lên nhờ lực cầu bắt đáy tại các bluechip. Tuy nhiên, dòng tiền không đủ mạnh để giúp thị trường vượt qua được khó khăn khi áp lực bán mạnh và dứt điểm, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất khi chốt phiên sáng với mức giảm gần 40 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá u ám bởi những thông tin tiêu cực khiến tình trạng bán tháo diễn ra ồ ạt hơn. Trên bảng điện tử, hàng trăm mã giảm sàn đã khiến các chỉ số đều giảm sâu, hai chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều để mất hơn 5% điểm số và vốn hóa toàn thị trường bốc hơi hơn 8,5 tỷ USD.

Đóng cửa, sàn HOSE chỉ còn 33 mã tăng và có tới 377 mã giảm (trong đó 152 mã giảm sàn), VN-Index giảm mạnh 43,99 điểm (-5,31%), xuống 785,17 điểm. 

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 422,7 triệu đơn vị, giá trị 7.018,36 tỷ đồng, giảm 16,3% về khối lượng và 6,92% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (24/7). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 48,44 triệu đơn vị, giá trị 1.026,49 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 chỉ còn 14 mã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng biên độ giảm vẫn khá lớn như VHM -6,7% xuống mức thấp nhất ngày 70.900 đồng/CP, VIC -3,4% xuống 85.000 đồng/CP, GAS -6,3% xuống 64.000 đồng/CP, SAB -4,5% xuống 173.000 đồng/CP, MSN -4,8% xuống 49.500 đồng/CP.

Đáng kể, lực cản khá lớn đến từ nhóm cổ phiếu vua khi chỉ có duy nhất VCB -4,9% xuống 77.000 đồng/CP, còn lại BID, CTG, MBB, TCB, STB, VPB, HDB đều giảm sàn.

Bên cạnh đó, các bluechip khác như VNM, BVH, MWG, PLX, CTD, SSI, SBT, PNJ cũng giảm hết biên độ và nằm sàn.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã quen thuộc cũng la liệt giảm sàn và hầu hết đều dư bán sàn trong khi bên mua vắng bóng như FLC, ITA, DLG, ROS, HAG, DXG. HHS, HAI, AMD…

Về thanh khoản, cổ phiếu STB dẫn đầu với hơn 26 triệu đơn vị; tiếp theo là HPG khớp 18,39 triệu đơn vị; FLC khớp 15,6 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,27 triệu đơn vị, HQC khớp 13,87 triệu đơn vị và dư bán sàn 10,75 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, giao dịch cũng có phần tiêu cực hơn trong phiên chiều khi có thêm nhiều mã mất giá và giảm sàn khiến HNX-Index mất gần 6%.

Chốt phiên, sàn HNX có 21 mã tăng và 163 mã giảm (48 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,49 điểm (-5,93%), xuống 102,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65 triệu đơn vị, giá trị 611,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,89 triệu đơn vị, giá trị 17,72 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 cũng có tới gần nửa bảng là giảm sàn, đáng kể các mã SHB, SHS, PVB, CEO.

Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng gia tăng gánh nặng lên thị trường như ACB -6% xuống 21.800 đồng/CP, PVS -8,5% xuống 10.800 đồng/CP, VCS -9,7% xuống 53.100 đồng/CP, NTP -9,5% xuống 25.700 đồng/CP…

Ở nhóm thị trường, các mã HUT, ART, ACM, KLF, MST, KVC, DST… cũng đều đóng cửa tại mức giá sàn. Trong đó, HUT vẫn dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 6,52 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên chiều do áp lực tiếp tục gia tăng.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,13 điểm (-3,81%), xuống 53,65 điểm với 51 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,92 triệu đơn vị, giá trị hơn 448 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,94 triệu đơn vị, giá trị 41,94 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên UPCoM cũng giảm khá mạnh như LPB -10,34% xuống 7.800 đồng/CP, VIB -8,76% xuống 17.700 đồng/CP, BVB -14,16% xuống mức giá sàn 9.700 đồng/CP. Trong đó, LPB dẫn đầu thanh khoản thị trường với gần 14,6 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng tiếp tục nới rộng biên độ giảm như ACV -7,19% xuống 51.600 đồng/CP, VEA -6,75% xuống 40.000 đồng/CP, VGI -11,4% xuống 24.100 đồng/CP, BSR -12,31% xuống 5.700 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sâu, trong đó, VN30F2008 đáo hạn gần nhất mất 6,98% xuống 711,6 điểm, khớp lệnh có 255.235 đơn vị, khối lượng mở 26.565 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 1 mã tăng và 7 mã đứng giá còn lại đều giảm. Trong đó mã có giao dịch lớn nhất là CVPB2007 với 98.791 đơn vị khớp lệnh và mã này giảm về 550 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2011 với 53.838 đơn vị, và giảm về 1.700 đồng/cq.

Tin bài liên quan