Cũng giống vài phiên gần đây, diễn biến thị trường quanh vùng giá 1.000 điểm diễn ra khá chậm và có phần ảm đạm hơn do tâm lý nhà đầu tư thận trọng sau chuỗi ngày dài tăng điểm. Trong phiên sáng nay, chỉ số VN-Index cũng có những nhịp rung lắc nhẹ nhưng một số cổ phiếu bluechip giao dịch tích cực đã giúp thị trường giữ được sắc xanh nhạt khi tạm dừng phiên.
Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán đã nhanh chóng trở lại và gia tăng một lần nữa đẩy thị trường đi xuống. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia khá mạnh giúp ngưỡng 1.000 điểm được giữ vững.
Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, lực cầu gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường vọt tăng. Chỉ số VN-Index lên mức cao nhất ngày và xác lập mốc đỉnh mới của năm 2020 tại mốc 1.010 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 251 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index tăng 4,25 điểm (+0,42%), lên 1.010,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 446,44 triệu đơn vị, giá trị 9.869,21 tỷ đồng, giảm 9,54% về khối lượng và 4,12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 64,71 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.925 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu HDB trong phiên chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu trả cổ tức hôm nay (27/11). Dòng tiền hấp thụ mạnh đã nhanh chóng kéo HDB tăng kịch trần và kết phiên đứng tại mức giá 21.450 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội với hơn 10,5 triệu đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu HDB còn dư mua trần gần 0,6 triệu đơn vị.
Bên cạnh HDB, một số mã lớn cũng đóng góp tích cực giúp thị trường tiếp tục tiến bước như GAS, VHM, VCB đã đảo chiều hồi nhẹ, HPG nới rộng biên độ khi tăng 3,28% lên 36.250 đồng/CP, MBB tăng 2,56% lên 20.000 đồng/CP, MWG tăng 2,4% lên 115.500 đồng/CP.
Trái lại, chỉ còn một số mã như BID, PLX, SAB, VIC, VNM, VJC, VRE có mức giảm nhẹ, đều chưa tới 1%.
Một số cổ phiếu đáng chú ý là POW bất ngờ có phiên giao dịch đột biến với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 19,54 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường và dù bị khối ngoại bán ròng khá mạnh với 2,53 triệu đơn vị, nhưng kết phiên cổ phiếu này vẫn tăng 3,7% lên mức 10.250 đồng/CP.
Cổ phiếu CVT vẫn nóng bỏng tay với việc xác lập phiên tăng trần thứ 9 và kết phiên tại mức giá 51.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,85 triệu đơn vị và dư mua trần 0,65 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù khá nỗ lực nhưng HNX-Index vẫn chưa tìm lại được mốc tham chiếu do nhóm cổ phiếu bluechip không mấy tích cực.
Đóng cửa, sàn HNX có 82 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,15%), xuống 148,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,96 triệu đơn vị, giá trị 740,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,57 triệu đơn vị, giá trị gần 144 tỷ đồng.
Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng đều mất điểm với ACB giảm 0,73% xuống 27.200 đồng/CP, NVB giảm 1,17% xuống 8.400 đồng/CP, SHB giảm 0,6% xuống 17.000 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã bluechip khác như PVS, PVB, CEO, VCS, TNG… cũng giao dịch trong sắc đỏ.
Trái lại, với việc thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, cổ phiếu VCS đã đảo chiều hồi phục thành công khi tăng 1% lên 80.000 đồng/CP.
Về thanh khoản, cổ phiếu nhỏ ART vẫn giữ sắc tím và tiếp tục dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 6,32 triệu đơn vị. Tiếp theo sau là ACB khớp 5,46 triệu đơn vị và PVS khớp hơn 4,4 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch vẫn duy trì đà khởi sắc trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,44%), lên 66,79 điểm với 148 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,72 triệu đơn vị, giá trị 311,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị 34,23 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR lùi về mốc tham chiếu 7.300 đồng/CP nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với khối lượng giao dịch đạt gần 4,7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã lớn vẫn đóng vai trò giữ nhịp tăng cho thị trường như MSR tăng 4,94% lên 17.000 đồng/CP, VGI tăng 2,62% lên 31.300 đồng/CP, VEA tăng 1,47% lên 48.300 đồng/CP, ACV tăng 1,13% lên 71.600 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh,cả 4 hợp đồng tương lai đóng cửa đều tăng, trong đó, VNF302012 tăng 0,44% lên 974,5 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90.900 đơn vị, khối lượng mở gần 33.480 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, hai mã CHPG2010 và CVRE2012 được mua bán sôi động nhất với 121.539 đơn vị và 94.218 đơn vị khớp lệnh, trong đó, CHPG2010 tăng 8,47% lên 3.200 đồng/cq, còn CNVL2003 giảm 1,7% xuống 1.150 đồng/cq.