Giao dịch chứng khoán chiều 26/12: Cổ phiếu la liệt sàn, thị trường lao dốc về mốc 985 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 26/12: Cổ phiếu la liệt sàn, thị trường lao dốc về mốc 985 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trở nên tiêu cực hơn trong phiên giao dịch chiều 26/12 khi áp lực bán tháo đã diễn ra khiến hơn 100 mã giảm sàn và chỉ số VN-Index bốc hơi 35 điểm về vùng giá 985 điểm.

Sau hơn nửa đầu phiên sáng 26/12 bảo toàn được quan điểm rằng 1.010 điểm đang là vùng hỗ trợ của thị trường thì càng về cuối phiên, tâm lý bên cầm hàng trở nên mất kiên nhẫn hơn đã gia tăng áp lực lên thị trường khiến diễn biến trở nên tiêu cực hơn khi đà giảm gần như liên tục và không có nhịp hồi rõ nét nào.

Chỉ số VN-Index đã tạm dừng phiên giao dịch sáng ở mức thấp nhất trong phiên và lùi sâu dưới mốc 1.010 điểm cùng thanh khoản tiếp tục giảm mạnh, điều này đã mở ra bức tranh thị trường sẽ càng ảm đảm hơn trong phiên giao dịch chiều.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ và VN-Index vẫn cố cầm cự ngưỡng hỗ trợ tiếp theo – đây là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường – mốc 1.000 điểm.

Cũng như phiên giao dịch sáng nay, lực cầu đã hỗ trợ khá tốt mỗi khi VN-Index lùi về tiệm cận mốc 1.000 điểm giúp chỉ số này bật hồi trở lại, thu hẹp đà giảm chút ít. Nhưng nỗ lực hoàn toàn bị xóa sạch sau hơn 1 giờ giao dịch, khi áp lực bán gia tăng mạnh khiến nhiều mã nới rộng đà giảm điểm, số mã nằm sàn không ngừng gia tăng.

Đặc biệt, trong đợt khớp ATC, áp lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng khiến cả trăm mã nằm sàn và chỉ số VN-Index lao dốc mạnh, bốc hơi hơn 35 điểm về mốc 985 điểm.

Mới đây, TPS đã đưa ra báo cáo dự báo thị trường chứng khoán năm 2023, dù khá lạc quan về xu hướng thị trường nhưng công ty chứng khoán này cũng đã đưa ra một kịch bản tiêu cực khi VN-Index không thể vượt được kênh giá giảm và rơi khỏi mốc 1.000 điểm. Theo đó, thị trường nhiều khả năng sẽ rơi về quanh mức đáy tháng 11/2022 là 873 điểm để hồi phục theo mẫu hình 2 đáy (double bottom) trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, chỉ số sẽ phải phá vỡ mức 970 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6%).

Đóng cửa, sàn HOSE chỉ còn 56 mã tăng (6 mã tăng trần) và 382 mã giảm (112 mã giảm sàn), VN-Index giảm 35,13 điểm (-3,44%) xuống 985,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 544,11 triệu đơn vị, giá trị 9.098,4 tỷ đồng, tăng 14,59% về khối lượng và 9,65% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 23/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 56,64 triệu đơn vị, giá trị 1.486,91 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tiếp tục gia tăng gánh nặng lên thị trường khi để mất tới gần 4,5% và cũng thủng mốc 990 điểm. Trong đó, chỉ còn duy nhất GAS ngược dòng thành công với mức tăng chỉ 1,1%, còn lại 29 mã mất điểm và chủ yếu có mức giảm hơn 3%.

Đáng kể, có hơn 1/4 số mã giảm sàn, tương ứng 8 mã gồm NVL, MWG, GVR, TCB, PDR, STB, SSI và HPG.

Xét về nhóm ngành, không có nổi nhóm nào ngược dòng thành công. Trong đó, nhóm chứng khoán giảm mạnh nhất khi hàng loạt mã lớn bé đua nhau nằm sàn như VND, SSI, VIX, HCM, VCI, APG, FTS, CTS, BSI…, với VND đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản, đạt xấp xỉ 28,5 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn hơn 1,84 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HPG có thanh khoản cao nhất thị trường với 31,37 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa cũng giảm 6,8% xuống mức giá sàn 17.100 đồng/CP, đồng thời đây cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, đạt gần 7,3 triệu đơn vị. Không chỉ HPG, các cổ phiếu thép khác như HSG, NKG, TLH, POM, SMC, VGS cũng đều trong trạng thái trắng bên mua và dư bán sàn vài chục đến hơn trăm nghìn đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý với cặp đôi dẫn đầu là VCB và BID chỉ giảm nhẹ 2 bước giá, trong khi ở top còn lại cũng la liệt giảm sàn với sự góp mặt của TCB, STB, SHB, LPB, còn CTG, MBB, VPB, VIB giảm hơn 5%, HDB và MSB giảm hơn 4%...

Nhóm cổ phiếu rộng nhất thị trường là bất động sản cũng không thoát khỏi trạng thái giảm mạnh với cặp đôi dẫn đầu là VHM và VIC cũng ghi nhận mức giảm sâu tương ứng 5,6% và 4%. Ngoài ra, hàng loạt mã dù trong phiên sáng vẫn có được sắc xanh nhưng đã chuyển đỏ như VCG, HBC…, thậm chí nằm sàn ở phiên chiều như DXS, KBC, SCR, HDC, HQC, HPX…

Trên sàn HNX, thị trường la liệt giảm sàn và chỉ số HNX-Index cũng không thoát khỏi phiên giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 40 mã tăng và 139 mã giảm (40 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,8 điểm (-3,31%) xuống 198,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 80,86 triệu đơn vị, giá trị 959,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,25 triệu đơn vị, giá trị hơn 307 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh là LHC tăng 2,6% và NTP tăng 0,6%, còn lại 28 mã giảm với mức giảm hầu hết khá lớn.

Trong đó, cổ phiếu CEO lùi nhẹ so với phiên sáng và đóng cửa nằm sàn tại mức 17.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 11,95 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, L14 và TIG cũng giảm sàn, cổ phiếu cùng ngành khác là IDC thoát sắc xanh mắt mèo nhưng cũng giảm tới 9%, đóng cửa đứng tại mức giá thấp nhất ngày 31.200 đồng/CP…

Các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng tiêu cực hơn với SHS đóng cửa giảm sàn về mức 8.000 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 26,74 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn hơn 1,5 triệu đơn vị. Các mã khác như VIG, BVS, APS, IVS, TVC cũng đóng cửa trong sắc xanh lam, MBS giảm 8,6%...

Trên UPCoM, nỗ lực giữ giá bất thành đã khiến thị trường đổ đèo, chỉ số UPCoM-Index cũng lùi sâu dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,84%) xuống 69,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 300 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,3 triệu đơn vị, giá trị 365,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR trong xu hướng chung của thị trường đã đảo chiều giảm 2,9%, đóng cửa phiên giao dịch tại mức giá 13.400 đồng/CP, đây vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 5,14 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VHG khớp 3,06 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 13% xuống mức giá sàn 2.000 đồng/CP.

Đáng chú ý, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn niêm yết đồng loạt mất giá thì ở UPCoM, cặp đôi SGB và KLB lại ngược dòng thành công. Thậm chí, KLB mở cửa tăng trần và dần thu hẹp biên độ, đóng cửa tăng 1,6% lên 12.700 đồng/CP, còn SGB đảo chiều tăng 2,3% lên mức giá cao nhất 13.200 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua BSR và VHG khi khớp hơn 2,68 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh. Trong đó, hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F2301 giảm 48,4 điểm, tương đương -4,7% xuống 986,4 điểm với thanh khoản cao nhất, đạt 371.140 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.970 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó CHPG2221 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 6,88 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 42,9% xuống 80 đồng/CQ; tiếp theo là CMBB2211 khớp 2,57 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 25% xuống 150 đồng/CQ.

Tin bài liên quan