Giao dịch chứng khoán chiều 2/6: Bên bán tiếc nuối

Giao dịch chứng khoán chiều 2/6: Bên bán tiếc nuối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư tranh thủ chốt lời trong phiên sáng đã có cảm giác tiếc nuối bị mất hàng khi chứng kiến dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường trong phiên chiều, giúp thị trường thiết lập kỷ lục mới về thanh khoản, vượt ngưỡng 26.000 tỷ đồng.

Phiên giao dịch sáng gây chú ý khi hiện tượng nghẽn lệnh diễn ra từ rất sớm, ngay sau đợt ATO chỉ ít phút. Trên bảng điện tử, các mã vẫn giao dịch khá bình thường, ngoại trừ có đôi lúc bị loạn giá, nhưng chỉ số VN-Index và thanh khoản chung lại đứng hình mãi tới cuối phiên mới nhảy, khiến đồ thị VN-Index tạo thành 1 hình thù lạ, giống như Kim tự tháp.

Nhìn vào diễn biến ở các mã, sau khi được kéo lên nửa đầu phiên, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh nửa cuối phiên, khiến nhiều mã hạ nhiệt hoặc quay đầu giảm giá. Nhiều nhà đầu tư chốt lời thành công đã thở phào vui vẻ vì có thể đã chốt lời đúng đỉnh và dự đoán phiên chiều sẽ tắc.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một nửa khi hiện tượng chập chờn vẫn diễn ra với chỉ số và thanh khoản chung, nhưng diễn biến ở các mã xem ra rất suôn sẻ khi dòng tiền lớn ồ ạt được tung vào, với thêm 9.000 tỷ đồng được giao dịch (cả thỏa thuận) trong phiên chiều, giúp thị trường tạo ra mức kỷ lục mới về thanh khoản trong 1 ngày, vượt ngưỡng 26.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền lớn chảy vào đã kéo nhiều mã quay đầu tăng vọt trở lại, trong đó có nhiều mã tăng trần với lượng dư mua trần rất lớn như FLC, ITA. Trong nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, đã có nhiều nhà đầu tư chốt lời vì 3 nhóm này đã có mức tăng nhanh và nóng thời gian qua và nhiều nhà đầu tư xác định đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, ngoại trừ nhóm thép điều chỉnh, nhóm ngân hàng không điều chỉnh đồng loạt, mà có sự phân hóa, trong đó LPB thậm chí lên mức trần, còn nhóm chứng khoán vẫn khởi sắc, thậm chí mức tăng mạnh hơn nhiều so với phiên sáng.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư bán ra trong cuối phiên sáng không khỏi tiếc nuối bị mất hàng.

Dòng tiền sau đó lan rộng ra nhiều mã khác, giúp độ rộng của thị trường nghiêng về sắc xanh và VN-Index được kéo trở lại trên ngưỡng 1.340 điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 3 điểm (+0,22%), lên 1.340,78 điểm với 228 mã tăng và 187 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 805 triệu đơn vị, giá trị 26.136 tỷ đồng, mức kỷ lục mới về thanh khoản. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,8 triệu đơn vị, giá trị 1.463 tỷ đồng.

Tưởng chừng áp lực chốt lời cuối phiên sáng sẽ khiến FLC gặp rung lắc mạnh trong phiên chiều, nhưng nhiều người nhỡ tay “short” đã cảm thấy hối tiếc khi dòng tiền ào ào chảy vào kéo FLC lên lại mức giá trần 13.050 đồng với lượng dư mua giá trần lên tới hơn 20 triệu đơn vị, thanh khoản đạt 59,5 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Không đua mua được FLC, dòng tiền chuyển hướng ra nhiều mã thị trường khác, kéo nhiều mã cũng tăng trần theo như ITA lên 7.490 đồng, khớp 18,3 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị. TTF cũng đóng cửa ở mức giá trần 6.500 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Dù không có sắc tím, nhưng ROS cũng đóng cửa tăng mạnh 4,3% lên 6.820 đồng, khớp 20,5 triệu đơn vị. AMD tăng 4,8% lên 5.690 đồng, khớp 4,8 triệu đơn vị. HNG tăng 4,3% lên 10.950 đồng, khớp 16,5 triệu đơn vị. HQC tăng 2% lên 3.610 đồng, khớp 15,2 triệu đơn vị. DLG cũng tăng 3,8% lên 2.750 đồng, khớp 5 triệu đơn vị. Các mã có sắc xanh khác như LDG, HAI, HAG…

Tuy nhiên, cũng có một số đi ngược xu hướng như FIT, SCR, LCG…

Như đã đề cập trong bản tin sáng, FLC nổi sóng hôm nay có thể xuất phát từ thông tin được Quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF (tên mới của quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF) mua vào trong tuần qua, cùng với 6 mã khác là DXG, VCG, KDH, DGC, GMD, HNG, DIG, VCI.

Tuy nhiên, các mã như DXG, KDH, DIG lại đóng cửa trong sắc đỏ, VCG đóng cửa tham chiếu. Trong các mã tăng, cũng chỉ có FLC thực sự tạo sóng lớn.

Trong nhóm ngân hàng, sự phân hóa tiếp tục diễn ra rõ nét, trong đó LPB tăng vọt lên mức trần 31.650 đồng, khớp 30,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 2 triệu đơn vị sau thông tin bầu Thụy đăng ký mua vào thêm 32,54 triệu cổ phiếu LPB để nâng sở hữu lên 52,9 triệu cổ phiếu, tương đương 4,92%.

ACB cũng giữ được đà tăng tốt, nới rộng lên 5,9%, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 44.600 đồng, khớp 16 triệu đơn vị. VCB tăng 2,2% lên 106.000 đồng, VPB tăng 1,3% lên 70.200 đồng, khớp 29,4 triệu đơn vị. SSB tăng 1,5% lên 41.500 đồng, khớp 1,8 triệu cổ phiếu. VIB tăng 1% lên 72.000 đồng, MBB tăng 0,8% lên 38.500 đồng, còn lại đều giảm giá.

Trong đó, giảm mạnh nhất vẫn là EIB khi giảm 4,2% xuống 31.150 đồng, tiếp đến là TPB giảm 1,6% xuống 37.200 đồng, BID giảm 1,3% xuống 47.400 đồng, CTG giảm 1,1% xuống 52.000 đồng, HDB giảm 0,9% xuống 34.000 đồng, STB hãm đà giảm chỉ còn 0,6% xuống 32.200 đồng, so với mức giảm 2,9% của phiên sáng, thanh khoản 51,7 triệu đơn vị, cao nhất nhóm và thứ 2 thị trường sau FLC. các mã còn lại đều giảm hơn 1%. Về thanh khoản, STB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 38,8 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC trên toàn sàn.

Nhóm sắt thép cũng đồng loạt giảm như HPG giảm 2,7% xuống 54.000 đồng, khớp 40 triệu đơn vị, HSG giảm 0,5% xuống 43.300 đồng, khớp 11,9 triệu đơn vị, TLH giảm 2,9% xuống 16.950 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị, POM giảm 2,9% xuống 17.000 đồng, SMC giảm 0,8%, trong khi NKG đảo chiều tăng 0,4%...

Nhóm chứng khoán lại duy trì đà tăng khá tốt với SSI tăng 5,3% lên 46.000 đồng, khớp 16,6 triệu đơn vị. VCI tăng 2,7% lên 79.700 đồng, HCM tăng 3,6% lên 39.800 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị…, chỉ có APG và TVS giảm giá.

Trên sàn HNX, bên cạnh sự hỗ trợ của THD, SHB cũng đã trở lại, cùng với sự hỗ trợ của nhóm chứng khoán và PVS, giúp HNX-Index đảo chiều tiến thẳng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,58 điểm (+1,13%), lên 322,05 điểm với 122 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 182 triệu đơn vị, giá trị 4.416,7 tỷ đồng, giảm 17,6% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,9 triệu đơn vị, giá trị 102,7 tỷ đồng.

THD dù hạ nhiệt, nhưng vẫn giữ được mức tăng nhẹ 0,2% lên 200.000 đồng, khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, mức lớn so với thanh khoản trung bình của mã này. Trong khi đó, SHB quay đầu tăng 0,32% lên 31.100 đồng, khớp 26 triệu đơn vị. Các mã ngân hàng khác như NVB hãm đà giảm còn 2,35% xuống 20.800 đồng, khớp 10,3 triệu đơn vị. BAB giảm 0,99% xuống 30.100 đồng.

Trong khi đó, PVS nới rộng đà tăng thành 3,79% lên 27.400 đồng, khớp 21,5 triệu đơn vị. IDC tăng 5,08% lên 39.300 đồng, VCS tăng 1,05% lên 96.000 đồng. Đặc biệt, nhóm chứng khoán tăng mạnh với VND tăng vọt lên mức trần 55.700 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị. SHS tăng 4,8% lên 39.300 đồng, khớp 13,5 triệu đơn vị. MBS tăng 4,64% lên 29.300 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị…

Ngoài ra, HNX-Index còn nhận được sự hỗ trợ của PAN, PVI, NTP…

Trong các mã thị trường, KLF không thể trở lại được mức trần, nhưng cũng đóng cửa tăng mạnh 8% lên 5.400 đồng, khớp 9,7 triệu đơn vị. “Người anh em” ART cũng tăng 0,9% lên 11.700 đồng, khớp 8,2 triệu đơn vị. HUT tăng 1,4% lên 7.200 đồng, khớp 5,7 triệu đơn vị.

UPCoM cũng đảo chiều tăng thành công, nhưng không có được mức điểm cao nhất ngày khi chốt phiên như HNX.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,58%), lên 89,39 điểm với 199 mã tăng và 105 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 117 triệu đơn vị, giá trị 2.115 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 57 tỷ đồng.

BSR là địa chỉ hút tiền trên thị trường này với thanh khoản 27,5 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại trên thị trường này, đóng cửa tăng 4% lên 18.300 đồng. Các mã lớn khác trên thị trường này cũng tăng tốt là OIL tăng 2,9% lên 14.400 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị; MSR tăng 8,2% lên 21.000 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị…

Hai mã ngân hàng có giao dịch sôi động nhất UPCoM là ABB và BVB đều đóng cửa giảm mạnh 4,8% và 6,7% xuống 23.600 đồng và 25.000 đồng. Trong khi đó, mã chứng khoán SBS tăng trần lên 12.600 đồng, khớp 7,8 triệu đơn vị, AAS cũng tăng 1,6% lên 12.600 đồng.

Trên thị trường phái sinh, toàn bộ hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo chỉ số này, trong đó 2 hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất giảm mạnh hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,27% xuống 1.478,85 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 6 giảm 0,39% xuống 1.481,8 điểm, thanh khoản đạt 211.586 hợp đồng, khối lượng mở 26.789 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, khác với thị trường cơ sở, số mã giảm trên thị trường chứng quyền nhiều gấp 2 lần số mã tăng. Thanh khoản cũng thấp hơn khi không có mã nào có thanh khoản đến 1 triệu đơn vị. Trong đó, mã có thanh khoản nhất là CVNM2011 do KIS phát hành chưa tới 0,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 27,3% xuống 80 đồng.

Tin bài liên quan