Giao dịch chứng khoán chiều 26/7: Chứng khoán đã có… kháng thể

Giao dịch chứng khoán chiều 26/7: Chứng khoán đã có… kháng thể

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi rất nhiều nhà đầu tư lo ngại diễn biến dịch bệnh tiếp tục tác động xấu lên chứng khoán tuần này, đặc biệt là phiên đầu tuần hôm nay, thì diễn biến thực tế thị trường lại đang cho thấy dịch bệnh không còn là nỗi lo quá lớn với thị trường.

Những diễn biến trong cuối phiên sáng khiến nhà đầu tư lo ngại hơn về việc thị trường có thể đi xa hơn nữa khi không có thông tin hỗ trợ tích cực nào ngoài con số ca bệnh không ngừng tăng lên và việc công bố 154 ca tử vong trong khoảng nửa tháng qua.

Tuy nhiên, trái với những lo ngại trên, thị trường bước vào phiên giao dịch chiều khá tích cực khi lực cầu gia tăng ngay khi mở cửa đã giúp thị trường dần thu hẹp đà giảm và le lói sắc xanh. Đà tăng được mở rộng hơn trong nhóm VN30 đã lan ra thị trường, giúp VN-Index có thời điểm được kéo tăng 10 điểm.

Mặc dù về cuối phiên, áp lực bán gia tăng khiến thị trường dần hạ độ cao nhưng phiên tăng điểm nhẹ này đã giúp nhà đầu tư giải tỏa phần nào nỗi lo ngại rằng thị trường sẽ đón thêm phiên giảm sâu như hầu hết giới chuyên gia đã dự báo về phiên giao dịch hôm nay.

Phiên giảm sâu không xảy ra cũng giúp củng cố nhận định thị trường đang ở vùng tích lũy với đáy ngắn hạn của VN-Index nằm ở vùng 1.250 điểm. Mỗi khi thị trường đi ngang thì cơ hội luôn nằm ở một vài nhóm ngành cụ thể, phiên hôm nay một loạt mã bất động sản hút được dòng tiền rất tốt, bên cạnh đó là nhóm ngành phân bón - hóa chất cũng nhận lực cầu lớn, hoặc như một vài mã ngành phân phối bán lẻ vẫn giữ được sắc xanh...

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, việc đuổi mua các nhóm ngành này luôn cần sự thận trọng nhất định trong việc chọn mã mua vào.

Đầu tiên đây không phải các nhóm ngành có tác động lớn tới chỉ số, việc hút dòng tiền vào toàn bộ các mã của một ngành cụ thể như đề cập phía trên ít khi xảy ra, chẳng hạn như bất động sản hôm nay đa số các mã có vốn hóa lớn trong nhóm VN30 tăng điểm như KDH, PDR, VHM, NVL, nhưng trên cả sàn thì không phải mã nào cũng nhận được lực đẩy của dòng tiền. Tương tự trong nhóm ngành phân phối bán lẻ, nếu như FRT có được mức giá trần thì MWG lại quay đầu giảm điểm,...

Tiếp theo đó là sóng các nhóm ngành này thường không kéo dài nên việc chọn điểm mua và thời điểm mua cũng cần cẩn trọng tránh rủi ro T+ hoặc mua vùng đỉnh ngắn hạn.

Về triển vọng ngắn hạn, có lẽ sự sôi động của các nhóm ngành không dẫn dắt chỉ số sẽ còn tiếp tục. Hiện tại các cổ phiếu trong nhóm có tỷ trọng cao của chỉ số gồm ngân hàng, chứng khoán, sắt thép và dầu khí vẫn chủ yếu dao động tích lũy ở vùng giá thấp của tháng 7. Thị trường chỉ có thể quay lại sóng tăng khi dòng tiền quay trở vào nhóm dẫn dắt, điều này chưa xảy ra.

Chốt phiên, sàn HOSE có 182 mã giảm và 190 mã tăng, VN-Index tăng 3,88 điểm (+0,31%) lên 1.272,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 505 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.991 tỷ đồng, giảm 12,69% về khối lượng và 16,54% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 23/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44 triệu đơn vị, giá trị 1.788,12 tỷ đồng.

Dòng bank vẫn yếu thế và cũng là nhân tố chính khiến thanh khoản thị trường chưa thể trở lại thời đỉnh cao.

Cụ thể, ngoại trừ HDB xanh nhạt, còn lại VCB, TCB, BID, CTG, MBB, TPB, VIB, VPB… vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm, trong đó đáng kể là LPB, VIB và VPB đều giảm trên 3-4%. Về thanh khoản, cổ phiếu MBB sôi động nhất nhóm với xấp xỉ 16 triệu đơn vị khớp lệnh, ngoài ra có STB, TCB, CTG khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bluechip khác như HPG, MWG, PLX, PNJ, VRE giảm nhẹ dưới 1%.

Còn lại các cổ phiếu khác trong nhóm VN30 đã đảo chiều thành công, hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục, thậm chí có thời điểm chỉ số VN-Index được kéo tăng gần 10 điểm lên sát mốc 1.280 điểm.

Trong đó, bên cạnh các mã lớn như VHM, VNM, MSN tăng hơn 1%, một số mã tăng tốt trong rổ này như FPT tăng 3,5% lên 93.700 đồng/CP, NVL tăng 4,4% lên 107.500 đồng/CP, KDH và PDR cùng tăng hơn 2%.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chính là diễn biến cổ phiếu HNG. Đột biến đã xẩy ra ngay khi lượng chất sàn hơn 32 triệu cổ phiếu HNG trong phiên sáng nay đã bất ngờ được hấp thụ hết trong phiên giao dịch chiều và tính đến 13h45, HNG đã khớp lệnh hơn 35 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu HNG cũng dần được kéo lên và có thời điểm được kéo tăng 3% nhưng sau đó đã thu hẹp biên độ và đóng cửa tại mức giá 8.080 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt hơn 41,6 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản là HPG khớp gần 23,5 triệu đơn vị.

Phiên hôm nay, thị trường đã xuất hiện nhiều điểm sáng, bên cạnh nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất với các mã như DGC, DCM, DPM, LAS tăng mạnh, NFC và CSV tăng trần, nhóm cổ phiếu bất động sản, vận tải biển, công nghệ cũng đua nhau tăng mạnh, đã tiếp sức cho đà hồi phục của thị trường.

Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng trong nửa cuối phiên chiều cũng đã giúp thị trường đảo chiều thành công.

Đóng cửa, sàn HNX có 83 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 1,1 điểm (+0,37%) lên 302,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 71,58 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng đạt hơn 1.637 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,64 triệu đơn vị, giá trị 80,14 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng chỉ còn 7 mã giảm điểm, trong đó ngoại trừ MBS giảm 3,9% xuống mức 27.200 đồng/CP là cổ phiếu tác động mạnh hơn tới chỉ số chung thị trường, là các mã như DDG, DHT, NBC, TVC, VMC.

Trong khi đó, cổ phiếu VC3 vẫn giữ sắc tím, đáng kể là các mã lớn khởi sắc như PVS tăng 1,7% lên 23.600 đồng/CP, VCS tăng 2,1% lên 118.200 đồng/CP, NVB tăng 1,8% lên 17.400 đồng/CP, PAN tăng 4,7% lên 26.800 đồng/CP, LAS tăng hơn 6%, hay các mã lớn khác như IDC, SHS tăng nhẹ.

Cổ phiếu SHB rung lắc và đóng cửa tại mốc tham chiếu 26.400 đồng/CP nhưng vẫn là mã giao dịch tốt nhất sàn HNX đạt 7,75 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là PVS khớp 6,28 triệu đơn vị, VND khớp 5,95 triệu đơn vi và HUT khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh nhưng biên độ giảm đã thu hẹp đáng kể.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,59%) xuống 83,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,11 triệu đơn vị, giá trị 695,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,67 triệu đơn vị, giá trị 245,96 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR đã có thời điểm hồi phục sắc xanh nhưng kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 17.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường UPCoM, đạt 8,13 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu thuộc nhóm phân bón là DDV cũng có phiên giao dịch tích cực khi đóng cửa tăng 7,5% lên mức giá cao nhất ngày 14.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt hơn 2,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, tô đậm thêm cho nhóm cảng biển, cổ phiếu SGP trên UPCoM cũng có phiên giao dịch bùng nổ khi có thời điểm được kéo tăng kịch trần và kết phiên tăng 13,1% lên mức 28.500 đồng/CP và là 1 trong 5 mã giao dịch sôi động nhất, đạt 1,57 triệu đơn vị giao dịch.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, với VN30F2108 tăng 7,1 điểm, tương ứng tăng 0,5% lên 1.408,1 điểm, khớp lệnh hơn 314.380 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.320 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế và giao dịch sôi động nhất là CVPB2103 khớp 87.160 đơn vị, kết phiên giảm 10,7% xuống 10.250 đồng/CQ.

Tiếp theo là CPDR2102 tăng 3,6% lên 2.880 đồng/CQ và khớp 58.260 đơn vị.

Tin bài liên quan