Mặc dù dòng tiền tham gia sôi động giúp VN-Index trở lại thử thách vùng giá 910 điểm, nhưng áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường có những nhịp điều chỉnh và may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin tích cực. Chỉ số Vn-Index chỉ nỗ lực cầm trong khoảng 30 phút giao dịch đầu phiên rồi nhanh chóng lùi sâu trước lực bán dâng cao và tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip.
Sau khi bị đẩy về mốc 905 điểm, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp VN-Index đảo chiều hổi phục. Tuy nhiên, đà tăng kém bền vững trước áp lực bán thường trực khiến chỉ số này trượt chân và quay đầu về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HOSE có 162 mã tăng và 239 mã giảm, VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,03%), xuống 908,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 361,23 triệu đơn vị, giá trị 6.275,15 tỷ đồng, giảm 9,33% về khối lượng và 2,08% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,11 triệu đơn vị, giá trị 842,34 tỷ đồng.
Nếu trong phiên sáng, VIC là trụ cột chính giúp thị trường giữ nhịp tăng, thì sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh, cùng với đà giảm nhẹ của một số mã lớn khác như VCB, TCB, BID, GAS…
Bên cạnh đó, SAB và VHM cũng lùi về mốc tham chiếu, chỉ còn VNM vẫn nhích nhẹ chưa tới 0,5%.
Điểm nhấn trong nhóm VN30 chính là cổ phiếu STB. Sau những rung lắc khi mở cửa và hồi phục tích cực trong phiên sáng, cổ phiếu STB đã bứt mạnh và tăng hết biên độ, kết phiên tại mức giá trần 13.300 đồng/CP. Thanh khoản cũng tăng vọt khi có tới 39,32 triệu đơn vị được khớp lệnh, khối lượng dư mua trần 75.030 đơn vị.
Mặc dù không tỏa sáng như STB, nhưng một thành viên khác của nhóm VN30 cũng có giao dịch khởi sắc, đó là TCH. Dù giao dịch diễn ra giằng co nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp TCH đảo chiều hồi phục sau 2 phiên điều chỉnh trước đó.
Kết phiên, TCH tăng nhẹ +0,2% lên 20.700 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong ngày của cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh của TCH cũng cao hơn so với 2 phiên trước, đạt 3,26 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu đáng chú ý, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp TTA của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành thoát sắc xanh mắt mèo, tuy nhiên vẫn giảm khá sâu. Kết phiên, TTA -6,6% xuống 19.200 đồng/CP với thanh khoản tăng đột biến so với các phiên trước đó, đạt gần 8,3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu OGC vẫn giữ sắc tím và kết phiên tại mức giá 6.490 đồng/CP, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên đột biến trước đó với hơn 5,4 triệu đơn vị được khớp lệnh và dư mua trần gần 1,6 triệu đơn vị.
Cổ phiếu TLD cũng có phiên đột biến khi +6,7% lên mức giá trần 17.500 đồng/CP và thanh khoản tăng vọt, đạt 2,34 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau khi bị đẩy về mốc 130 điểm, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp thị trường bật ngược đi lên và tiến gần hơn với mốc tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,14%), xuống 131,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 48,35 triệu đơn vị, giá trị gần 625,6 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,29 triệu đơn vị, giá trị 279,54 tỷ đồng, trong đó VCG thỏa thuận 5,26 triệu đơn vị, giá trị gần 200 tỷ đồng và NVB thỏa thuận 7,85 triệu đơn vị, giá trị 68,3 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu nhóm ngân hàng trên sàn HNX cũng giao dịch không mấy tích cực. Bên cạnh ACB và SHB cùng đứng giá tham chiếu, NVB quay đầu giảm -1,1% xuống 8.600 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã khác trong nhóm HNX30 như PVI, NTP, IDC, TNG, CEO… cũng giao dịch trong sắc đỏ.
Trái lại, bên cạnh PVS đảo chiều hồi nhẹ, cổ phiếu VCG đã có phiên giao dịch tích cực khi nới rộng biên độ +2,4% và kết phiên tại mức giá 39.000 đồng/CP. Trong đó, PVS là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX, đạt 8,45 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo là ACB và SHB lần lượt khớp 6,41 triệu đơn vị và 4,51 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau chút rung lắc đầu phiên, thị trường đã hồi phục và càng nới rộng biên độ về cuối phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,47%), lên 61,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 40 triệu đơn vị, giá trị 372,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,39 triệu đơn vị, giá trị 125,38 tỷ đồng.
Sau 3 phiên dẫm chân tại chỗ, LPB đã hồi phục và tăng mạnh khi kết phiên +4,8% lên mức 11.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch cũng tăng vọt đạt hơn 16,95 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, người anh em cùng ngành VIB cũng nới rộng biên độ khi +3,11% lên mức giá cao nhất ngày 26.500 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 1,33 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng điểm, trong đó, VN30F2010 đáo hạn gần nhất tăng 0,21% lên 854,9 điểm, khớp lệnh hơn 100.620 đơn vị, khối lượng mở 26.948 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch sôi động nhất tại CHPG2010 với 78.848 đơn vị khớp lệnh, nhưng mã này giảm 0,83% xuống 1.200 đồng/CQ. Tiếp theo là CSTB2004 khớp 73.360 đơn vị, kết phiên tăng 3,78% lên 2.700 đồng/CQ.