Giao dịch chứng khoán chiều 25/4: VN-Index lao thẳng đứng

Giao dịch chứng khoán chiều 25/4: VN-Index lao thẳng đứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Mùa hè chiều thẳng đứng", tên một bộ phim phát hành năm 2000 là hình ảnh phù hợp với chứng khoán Việt Nam phiên ngày hôm nay, thị trường lao dốc cực mạnh trong cái nóng vào hè.

Thị trường chứng khoán bước sang phiên giao dịch chiều nay (25/4) dễ diễn tả bởi chỉ gói gọn trong 1 từ "sập". VN-Index giảm gần hết biên độ gần 6% trên tổng mức 7% tối đa ở thời điểm 14h chiều, đa số nhà đầu tư không biết chuyện gì đang và sắp diễn ra khiến chứng khoán có màn giảm điểm kỷ lục phiên trong vòng 3 năm trở lại đây. Chính xác là xấp xỉ bằng các phiên giảm lớn nhất tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Một số phân tích được đưa ra trong buổi trưa nay đó là vòng xoáy margin đang lặp lại, khi thị trường giảm đến ngưỡng nào đó và không thể bật tăng trở lại, lực bán giải chấp sẽ tăng lên từ một nhóm ngành lan tỏa ra toàn bộ thị trường. Nguyên lý “hòn tuyết lăn” khi đã lăn thì càng ngày càng lớn với tốc độ càng cao vì thu thập thêm các bông tuyết rơi vãi dọc đường.

Thị trường đã có chuỗi rớt điểm suốt từ đầu tháng 4 và hôm nay, sau phiên sáng bị “đạp mạnh” đã gần như “đứt cương” trong phiên chiều. Các nhà đầu tư hoặc phải tự chủ động cơ cấu lại danh mục cho đảm bảo ngưỡng an toàn tối thiểu, hoặc bị giải chấp với những lệnh MP quen thuộc để các công ty chứng khoán thu hồi tiền.

Với diễn biến này của thị trường thì câu hỏi “đâu là đáy của VN-Index” sẽ tương ứng với câu trả lời rằng khi “lượng margin” về ngưỡng thấp, còn thấp đến bao nhiêu thì chưa thể biết vì số liệu thống kê margin của thị trường chỉ có tính tương đối. Hiện chỉ có báo cáo định kỳ của các công ty chứng khoán, còn các khoản vay ngoài, hay được gọi dân dã là “vay từ kho” thì không ai có thể biết chính xác là bao nhiêu.

Trong sự tương quan so sánh với đợt giảm tháng 3/2020, VN-Index đã mất đi hơn 300 điểm từ ngưỡng 992 điểm trước đó với tỷ lệ khoảng 30% trong 2 tháng, thì đợt giảm điểm này bắt đầu từ 4/4/2022, VN-Index đã mất đi 230 điểm trong vòng 20 ngày tương ứng khoảng 15% thì rõ ràng nhà đầu tư có lý do để lo ngại.

Tháng 5 cũng đang đến dần, liệu năm nay hiệu ứng "Sell in May" có khác thị trường đã giảm sớm ngay từ tháng 4?

Một diễn biến khác cũng đáng quan tâm phiên chiều nay đó là rất nhiều mã lớn cũng trong tình trạng bí bán tháo, là những mã cơ bản vốn được đánh giá là đã về vùng giá hấp dẫn trong tuần trước, trong khi đó lực cầu bắt đáy xuất hiện rất ít. Tính đến trước phiên giao dịch ATC mới chỉ có gần 20.000 tỷ đồng được khớp lệnh trên sàn HOSE.

Một đợt thanh lọc thị trường, và đáng tiếc phải dùng từ “thảm khốc”, sau cú giảm điểm này sẽ nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản và không biết bao giờ mới có thể quay lại thị trường!

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 443 mã giảm (181 mã nằm sàn) và chỉ còn 37 mã tăng (4 mã tăng trần), VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%) xuống 1.310,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 834,4 triệu đơn vị, giá trị 24.790,24 tỷ đồng, giảm 8,57% về khối lượng và 11,88% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 22/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 66 triệu đơn vị, giá trị 2.368 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có tới hơn 1/2 số mã nằm sàn như BVH, HPG, SAB, BID, GAS, TCB, FPT… Số còn lại mức giảm cũng khá lớn, ngoại trừ duy nhất VCB giảm nhẹ 0,5%, như HDB, MBB, KDH, VRE cùng giảm hơn 6%, MSN giảm 5,9%, VNM giảm 3,2%, VHM giảm 2,6%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, số mã giảm và nằm sàn cũng la liệt, tuy nhiên, họ FLC vẫn đi ngược xu hướng chung của thị trường. Trong đó, FLC kết phiên tăng 2,9% lên 6.810 đồng/CP, ROS tăng 1,8% lên 4.070 đồng/CP, HAI và AMD cũng đều kết phiên trong sắc xanh.

Xét về nhóm ngành, dòng bank chỉ có duy nhất cổ phiếu đầu ngành là VCB điều chỉnh nhẹ, còn lại đều giảm sâu với biên độ trên 5-6%, với TCB, VPB, BID, CTG, STB, OCB, LPB nằm sàn.

Nhóm chứng khoán cũng cùng cảnh ngộ khi không có nổi mã nào giữ được thăng bằng, trong đó số mã giảm sàn chiếm hơn 1/2 toàn ngành với sự góp mặt của những tên tuổi lớn như SSI, HCM, VCI, VND đến các mã FTS, AGR, APG, VDS, VIX…

Ở nhóm cổ phiếu thép, ngoại trừ TLH và POM thoát sắc xanh mắt mèo, còn lại đều trong trạng thái dư bán sàn. Trong đó HPG lùi về mức giá 40.750 đồng/CP và dư bán sàn hơn 0,25 triệu đơn vị, còn HSG kết phiên đứng tại 28.100 đồng/CP và dư bán sàn hơn 0,4 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản cũng có sự gia nhập của hàng loạt mã giảm sàn như VCH, TCH, BCG, DIG, ITA, NLG, HDG, HDC, CII, IJC, DPG…

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu như thủy sản, dệt may, hóa chất- phân bón có phần tiêu cực hơn khi hầu hết đều kết phiên tại mức giá sàn. Cụ thể như nhóm thủy sản có sự đóng góp của VHC, AAM, ACL, ANV, IDI, CMX; dệt may có MSH, EVE, GIL, SVD, STK; hóa chất – phân bón có DGC, DPM, DCM, BFC…

Trên sàn HNX, thị trường cũng la liệt các mã giảm sàn và chỉ số HNX-Index lao dốc khi bốc hơi hơn 21 điểm, về vùng giá thấp nhất trong ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có tới 193 mã giảm (53 mã nằm sàn) và chỉ 53 mã tăng (6 mã tăng trần), HNX-Index giảm 21,61 điểm (-6,02%), xuống 337,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 96 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.925,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,36 triệu đơn vị, giá trị gần 438,66 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong nhóm HNX30 là cổ phiếu TVC. Dù biên độ tăng giảm đáng kể nhưng TVC đã xác nhận phiên hồi phục sau 6 phiên giảm mạnh liên tiếp, với 4 phiên nằm sàn, kết phiên hôm nay đã tăng 3,81% lên mức 10.900 đồng/CP với thanh khoản tích cực đạt 2,94 triệu đơn vị.

Bên cạnh TVC còn có 2 mã khác là PVB và SHN giữ được mốc tham chiếu, còn lại đều giảm điểm với hầu hết đều giảm trên 3-4%. Trong đó, hàng loạt mã như CEO, IDC, SHS, TNG, LAS, BVS, MBS, NBC, L14, DXP đều kết phiên ở mức giá sàn.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng nới rộng biên độ giảm như THD giảm 9,4%, PVS giảm 9,3%, VCS giảm 8,3%.. Trong đó, cổ phiếu PVS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với gần 10,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cũng như sàn HOSE, trong khi hầu hết các mã lớn bé trên thị trường đều đua nhau giảm sâu và nằm sàn, thì cặp đôi cổ phiếu nhóm FLC là KLF và ART vẫn có được mức tăng khá tốt.

Kết phiên, KLF tăng 5,4% lên mức 3.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua PVS khi đạt 7,2 triệu đơn vị; còn ART tăng 4,1% lên 5.100 đồng/CP và khớp 3,37 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng giảm mạnh trong phiên chiều và thủng ngưỡng 100 điểm.

Chốt phiên, với 232 mã giảm (16 mã nằm sàn) và 112 mã tăng (17 mã tăng trần), UpCoM-Index giảm 4,61 điểm (-4,42%), xuống 99,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53 triệu đơn vị, giá trị 979,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,68 triệu đơn vị, giá trị 155,12 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đua nhau giảm sâu như BSR giảm 10% xuống mức 19.800 đồng/CP, VGT giảm 12,4% xuống 18.300 đồng/CP, MSR giảm 8,4% xuống 25.000 đồng/CP, QNS giảm 7,3% xuống 45.500 đồng/CP, VTP giảm 10,4% xuống 69.000 đồng/CP, VEA giảm 3,8% xuống 45.900 đồng/CP, ACV giảm 8% xuống 83.000 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt nới rộng biên độ giảm như ABB giảm 4,6%, BVB giảm 3,6%, VAB giảm 4,2%, NAB giảm 9,6%...

Về thanh khoản, cổ phiếu BSR dẫn đầu thị trường với 7,87 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là C4G khớp 6,55 triệu đơn vị và kết phiên nằm sàn với lượng dư bán sàn tới hơn 2,4 triệu đơn vị; VHG khớp 4,91 triệu đơn vị và kết phiên tăng 2% lên 5.200 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó, VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm 91,9 điểm (-6,4%) xuống 1.353,1 điểm, với khối lượng khớp hơn 280.120 đơn vị, khối lượng mở gần 35.570 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng phủ kín, trong đó CHPG2114 dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 4,84 triệu đơn vị và kết phiên giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.

Tiếp theo là CSTB2110 khớp 2,56 triệu đơn vị và kết phiên cũng giảm 50% xuống mức sàn 10 đồng/CQ.

Tin bài liên quan