Giao dịch chứng khoán chiều 25/11: Lực bán cuối phiên khiến VN-Index lỗi hẹn mốc 1.000 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 25/11: Lực bán cuối phiên khiến VN-Index lỗi hẹn mốc 1.000 điểm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Lực chốt lời gia tăng khiến VN-Index rung lắc trong phiên chiều và không thể giữ được mốc 1.000 điểm, dù vẫn có được phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp.

Trong phiên sáng, với lực đỡ từ các mã bluechip, VN-Index đã chinh phục thành công mốc kháng cự tâm lý huyền thoại 1.000 điểm. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực chốt lời gia tăng mạnh đã khiến chỉ số này có phút lao thẳng đứng xuống sát mốc tham chiếu.

Tưởng chừng thị trường áp lực chốt lời này sẽ khiến thị trường có phiên điều chỉnh sau 6 phiên tăng liên tiếp, nhưng bên mua chưa cho điều đó xảy ra, nên tung tiền hấp thụ lượng bán chốt lời giá thấp, kéo VN-Index tăng trở lại, một lần nữa chinh phục mốc 1.000 điểm, thậm chí xác lập mức đỉnh của ngày.

Tuy nhiên, một lần nữa VN-Index không thể giữ được ngưỡng điểm tâm lý này khi chốt phiên hôm nay do lực bán gia tăng trở lại trong ít phút cuối phiên, trong khi bên mua không kịp hành động.

Chốt phiên, VN-Index tăng 4,18 điểm (+0,42%), lên 999,94 điểm với 205 mã tăng và 221 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 475,7 triệu đơn vị, giá trị 10.999,2 tỷ đồng, giảm 13,5% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,4 triệu đơn vị, giá trị 1.261 tỷ đồng.

Giống như phiên sáng, phiên chiều nay cũng chứng kiến khối ngoại chốt mạnh HPG khi bán ròng hơn khoảng 2 triệu đơn vị, nâng tổng bán ròng trong cả ngày lên hơn 5 triệu đơn vị, gây áp lực về giá cho mã này, khiến HPG đóng cửa giảm 5,07% xuống 35.600 đồng. Tuy nhiên, lực cầu nội vẫn rất tốt, giúp giao dịch tại HPG rất sôi động với thanh khoản đột biến 55,7 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại.

Ngoại HPG, có thêm một số mã bluechip nữa quay đầu giảm như VHM, TCB, NVL, FPT, STB…, nhưng mức giảm rất khiêm tốn. Trong đó, STB giảm 1,03% xuống 14.350 đồng, khớp 12 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VIC vẫn giữ được tăng 1,54% lên 105.600 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị; VCB tăng 1,19% lên 93.500 đồng, khớp hơn 1triệu đơn vị; VNM tăng 0,82% lên 110.500 đồng, khớp gần 2,2 triệu đơn vị; BID tăng 1,47% lên 41.300 đồng, khớp hơn 2,7 triệu đơn vị; CTG tăng 0,76% lên 33.000 đồng, khớp 10,7 triệu đơn vị; SAB tăng 1,59% lên 192.200 đồng; VRE tăng 1,07% lên 28.250 đồng, khớp 7,4 triệu đơn vị.

Tăng mạnh nhất vẫn là VPB tăng 4,09% lên 28.250 đồng, khớp 12,3 triệu đơn vị; GVR tăng 3,28% lên 18.900 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu nhỏ, cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức HAG và HNG gây ấn tượng mạnh, trong khi HAG có giao dịch sôi động nhất nhóm với hơn 12 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 2,92% lên 4.580 đồng, thì HNG lại tăng lên mức trần 13.350 đồng, khớp hơn 7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

FLC cũng có giao dịch sôi động hơn trong phiên chiều với gần 12 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa lại giảm 1,17% xuống 4.240 đồng. ITA vẫn giữ được sắc xanh nhạt với hơn 9,8 triệu đơn vị. Trong khi ASM giao dịch kém sôi động hơn dù vẫn giữ được mức tăng khi chốt phiên.

Trên sàn HNX, chỉ số chính của sàn này chủ yếu giằng co nhẹ quanh tham chiếu, nhưng về cuối phiên bất ngờ nhảy vọt khi ACB về tham chiếu, còn các mã lớn khác chủ yếu tăng giá.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,34%), lên 148,09 điểm với 84 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 78,5 triệu đơn vị, giá trị 1.133,7 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm 11,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,2 triệu đơn vị, giá trị 69 tỷ đồng.

ACB về giá tham chiếu 27.300 đồng, khớp 6,5 triệu đơn vị. Trong khi SHB tăng 1,18% lên 17.100 đồng, khớp 8,7 triệu đơn vị. PVS tăng 2,01% lên 15.200 đồng, khớp 9,5 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX. Ngoài ra, PVI tăng 4,36% lên 31.100 đồng, VCG, VCS, IDC cũng tăng trên dưới 0,5%.

Mã có giao dịch sôi động nhất trong phiên sáng DST đã lùi xuống thứ 2 với hơn 9 triệu đơn vị. Dù vẫn đóng cửa ở mức sàn 2.700 đồng, nhưng lực cầu tốt đã giúp mã này không còn dư bán sàn.

Trong khi đó, nhiều mã nhỏ khác như DXP, NSH, AAV… lại đóng cửa ở mức trần, nhưng thanh khoản không lớn, chỉ dưới nửa triệu đơn vị.

Diễn biến trên thị trường UPCoM lại ngược lại với 2 sàn niêm yết khi chỉ số chính của thị trường này chỉ dao động trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,24%), xuống 66,6 điểm với 110 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,6 triệu đơn vị, giá trị 519 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 36,5 tỷ đồng.

Với việc LPB rời đi, BSR liên tục thống lĩnh vị trí thanh khoản nhất thị trường UPCoM. Trong phiên sáng nay, BSR khớp hơn 9 triệu đơn vị, đóng cửa tham chiếu 7.600 đồng. BSR giao dịch sôi động bất chấp thông tin rút hồ sơ niêm yết trên HNX, vẫn ở lại mái nhà UPCoM. Tiếp đến là BVB khớp 2,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,28% lên 12.600 đồng.

Ngoài ra, còn có VGI, CTR, G36 và C4G khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng chỉ có C4G tăng nhẹ 1 bước giá, còn lại đều giảm.

Trên thị trường phái sinh, toàn bộ các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong khi chỉ số này lại tăng nhẹ 0,11% lên 960,63 điểm. Cụ thể, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (17/12) VN30F2012 giảm 0,41% xuống 960 điểm với 127.581 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.547 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng chiếm ưu thế với 61 mã tăng và 50 mã giảm, thanh khoản khá tốt, có nhiều mã có thanh khoản trên nửa triệu đơn vị, trong đó có 4 mã thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Cụ thể, CPNJ2006 gần 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,44% lên 1.880 đồng/chứng quền; CNVL2003 gần 1,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,11% xuống 890 đồng/chứng quyền; CTCH2002 hơn 1,16 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,49% xuống 850 đồng/chứng quyền; CVPB hơn 1,21 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 20,2% lên 2.560 đồng/chứng quyền.

Tin bài liên quan