Giao dịch chứng khoán chiều 24/6: Thị trường rung lắc, nhiều mã nhỏ nổi sóng

Giao dịch chứng khoán chiều 24/6: Thị trường rung lắc, nhiều mã nhỏ nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã rung lắc trong gần suốt phiên chiều và chính thức mất điểm trong đợt khớp lệnh ATC do áp lực bán gia tăng. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với nhiều mã nổi sóng, điển hình là họ FLC.

Phiên giao dịch sáng cuối tuần diễn ra khá ảm đạm bởi sự suy yếu của dòng tiền. Mặc dù sắc xanh bao phủ trên diện rộng thị trường nhưng hầu hết chỉ tăng trong biên độ hẹp khiến VN-Index khó tiến xa, thậm chí có thời điểm chỉ số này còn điều chỉnh nhẹ khi lực bán có dấu hiệu gia tăng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm tín hiệu tích cực nào khi trạng thái “ru ngủ” vẫn tiếp diễn. Và với diễn biến phân hóa trên thị trường, chỉ số VN-Index đã biến động khá giằng co và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng ở đợt khớp lệnh ATC đã đẩy nhiều cổ phiếu lớn bé đảo chiều hoặc nới rộng đà giảm điểm, lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày, đồng thời khiến VN-Index mất điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục có phiên thứ 2 liên tiếp ở mức cực thấp, chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Đóng cửa, sàn HOSE có 239 mã tăng và 223 mã giảm, VN-Index giảm 3,4 điểm (-0,29%) xuống 1.185,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 478,7 triệu đơn vị, giá trị 10.180 tỷ đồng, tăng 8,62% về khối lượng và nhích nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 67,8 triệu đơn vị, giá trị 1.704,77 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, nhiều mã giật lùi về mốc thấp nhất trong ngày như POW giảm 2,5% xuống 13.550 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống 114.000 đồng/CP, VRE giảm 1,8% xuống 27.550 đồng/CP…

Đặc biệt có sự góp mặt của hàng loạt mã bank. Cụ thể như HDB giảm 2,1% xuống 23.000 đồng/CP, CTG giảm 2% xuống 24.750 đồng/CP, TPB giảm 1,9% xuống 26.000 đồng/CP, TCB giảm 1,3% xuống 35.500 đồng/CP, VCB và VPB cùng giảm hơn 1,1%…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bảo hiểm BVH vẫn giữ đà tăng tốt dù biên độ đã thu hẹp về cuối phiên. Đóng cửa, BVH tăng 4% lên mức 54.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã SAB, PNJ, VNM cùng tăng hơn 1%; còn lại là KDH, SSI, VIC, PDR, PLX, GVR… chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn có nhiều mã duy trì sức nóng, điển hình là họ FLC. Bộ tứ FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD đều trong trạng thái dư mua trần, trong đó FLC khớp 4,12 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 8,42 triệu đơn vị; ROS khớp hơn 7,1 triệu đơn vị và dư mua trần 3,51 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã khác như CIG, EVG, SAM, YEG, LCM đều kết phiên trong sắc tím. Cổ phiếu OGC có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và vẫn trong trạng thái vắng cung khi khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 67.600 đơn vị và dư mua trần gần 5,67 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhân tố gia tăng gánh nặng cho thị trường. Như đã nói ở trên, bên cạnh nhiều mã rơi về vùng giá thấp nhất trong ngày, nhiều mã khác trong nhóm cũng thu hẹp đà tăng điểm, điển hình là BID chỉ còn tăng 0,65%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hạ nhiệt khi nhiều mã đảo chiều giảm điểm trong phiên chiều như DIG giảm 2,8%, ITA giảm 2,8%, BCG giảm 2,1%, HBC, TCH, LDG…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến phân hóa nhẹ với điểm sáng là FTS giữ vững đà tăng trần. Đáng kể là cặp VND và SSI tiếp tục giao dịch sôi động, kết phiên VND tăng 1,5% lên 17.200 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 26,59 triệu đơn vị; còn SSI tăng nhẹ 0,5% lên 18.600 đồng/CP và khớp 11,93 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thép, cặp HSG và NKG là điểm sáng ngành. Kết phiên, HSG tăng 5% lên 15.900 đồng/CP và khớp 10,29 triệu đơn vị, trong khi NKG tăng 3,3% lên 17.300 đồng/CP và khớp 7,84 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng liên tục đảo chiều trong phiên chiều và kết phiên tại vùng giá đỏ.

Chốt phiên, sàn HNX có 115 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index giảm 1,25 điểm (-0,45%) xuống 275,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,94 triệu đơn vị, giá trị 1.054,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,78 triệu đơn vị, giá trị 117,66 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, một số mã lớn trên HNX cũng đảo chiều giảm điểm trong phiên chiều như PVS giảm 2,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 24.000 đồng/CP, HUT giảm 2,3% xuống 25.100 đồng/CP, IDC giảm 1,4% xuống 51.000 đồng/CP, TNG giảm 1,3% xuống 29.800 đồng/CP…

Cặp bất động sản và xây dựng là L14 và CEO có mức giảm mạnh nhất trong rổ HNX30. Trong đó, L14 giảm 6% xuống 110.000 đồng/CP, CEO giảm 4,3% xuống 26.700 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, các mã tăng tốt trong rổ này như NDN tăng 3,9%, TVC tăng 3,8%, DXP tăng 2,4%, DTD và L18 tăng 1,9%...

Cổ phiếu chứng khoán SHS lùi về mốc tham chiếu 14.200 đồng/CP, nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 6,55 triệu đơn vị. Các mã khác trong ngành cũng diễn biến thiếu tích cực hơn trong phiên chiều như ART và APS đứng giá tham chiếu, MBS giảm 1,2%.

Điểm nhấn trên HNX cũng là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như BII, HDA, VKC, HHG, AAV đều đóng cửa ở mức giá trần; KLF tăng 3,2% lên mức 3.200 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5, khớp 3,53 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, dù hạ nhiệt về cuối phiên nhưng thị trường vẫn kết phiên trong sắc xanh.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,47%), lên 87,1 điểm với 230 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,35 triệu đơn vị, giá trị 609,85 tỷ đồng.

Trái với diễn biến chung của các cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu BSR đã có phiên khởi sắc khi đóng cửa tăng 2,2% lên mức 28.000 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 8,62 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, cổ phiếu có thanh khoản đứng thứ 2 là PVX khớp 5,87 triệu đơn vị, kết phiên giảm 11,9% xuống sát giá sàn 3.700 đồng/CP.

Một số cổ phiếu đáng chú ý là PAS tăng 13,9% lên mức giá trần và khớp 2,26 triệu đơn vị; C4G tăng 3,1% lên 10.000 đồng/CP và khớp 1,43 triệu đơn vị, LMH tăng 5,6% lên 9.400 đồng/CP và khớp 1,19 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai VN30 tăng và 2 hợp đồng giảm, trong đó VN30F2207 đáo hạn gần nhất giảm 0,8 điểm (-0,1%) xuống 1.227 điểm, khớp lệnh gần 243.820 đơn vị, khối lượng mở gần 44.640 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, 2 mã với thanh khoản vượt trội là CTCB2112 và CHPG2117 đều đóng cửa tại mức giá tham chiếu là 10 đồng/CQ, với khối lượng khớp lệnh lần lượt hơn 7,96 triệu đơn vị và 6,85 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan