Thị trường đang phát đi những tín hiệu khá tích cực khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đua nhau tăng mạnh nhưng thanh khoản vẫn ở mức cao, không hề thua kém những phiên xanh điểm do nhóm bluechip tạo lập trước đó.
Tuy nhiên, việc dòng tiền chảy mạnh lại khiến giới đầu tư lo ngại về căn bệnh cũ đang hiện hữu và tiếp tục lại tái phát, được minh chứng trong phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 21/5 khi hệ thống HOSE lại xẩy ra hiện tượng nghẽn lệnh sau khoảng 1 giờ mở cửa phiên giao dịch chiều.
Trên các diễn đàn, nhà đầu tư lại bắt đầu kêu gào về vấn đề này. Một nhà đầu tư trên các diễn đàn chứng khoán cho rằng: “1 ngày làm việc 8h đồng hồ, mà chứng khoán lại chỉ chạy buổi sáng từ 9h00 - 11h30, còn buổi chiều 13h00 - 14h00 thật sự là quá khó khăn cho anh em chúng tôi”.
Quay lại diễn biến thị trường trong phiên giao dịch ngày 24/5. Diễn biến thuận lợi khi đồng loạt bluechip đều giữ được đà tăng nhẹ đã lan tỏa thị trường, giúp VN-Index giao dịch khởi sắc và đứng vững trên mốc 1.290 điểm.
Đà tăng tiếp tục nới rộng hơn trong phiên chiều đã nhanh chóng kéo VN-Index áp sát ngưỡng kháng cực 1.300 điểm chỉ sau khoảng 15 phút mở cửa. Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường sẽ trải qua diễn biến rung lắc khi thử thách vùng kháng cự tâm lý này. Thị trường đã nhanh chóng hạ nhiệt.
Mặc dù về gần cuối phiên, dòng tiền chảy mạnh đã giúp chỉ số VN-Index một lần nữa thử tiếp cận ngưỡng kháng cự này nhưng lại gặp thất bại và một trong những nhân tố tạo nên sự cản trở có thể là do lỗi hệ thống. Cụ thể, sàn HOSE đã nghẽn lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch của phiên chiều. Các giao dịch mua bán sau 14h15 khá nhỏ giọt bởi những lệnh lọt khe.
Tuy vậy, với sắc xanh chiếm áp đảo thị trường cùng đà tăng mạnh của một số mã lớn, đặc biệt là CTG, đã giúp VN-Index tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử mới khi tăng hơn 14 điểm và đóng cửa sát mốc 1.298 điểm.
Kết phiên, sàn HOSE có 259 mã tăng và 158 mã giảm, VN-Index tăng 14,05 điểm (+1,09%), lên 1.297,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 715,5 triệu đơn vị, giá trị 23.635,83 tỷ đồng, tăng 2,36% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 21/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 44,8 triệu đơn vị, giá trị 1.877,68 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30 chỉ còn 7 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu là FPT, HDB, HPG, NVL, PLX, VIC và VPB với mức giảm trên dưới 1%, trong đó PLX giảm sâu nhất với biên độ -1,9% xuống 56.300 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại có tới 23 mã giữ được sắc xanh, trong đó CTG đã thế chân BID trở thành điểm nóng khi có thời điểm đầu phiên chiều tăng kịch trần và sau đó hạ nhiệt khi kết phiên tăng 6,1% lên mức 51.200 đồng/CP cùng thanh khoản tăng đột biến so với những phiên giao dịch trước đó, đạt hơn 30,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng tăng khá tốt như BID tăng 2,8% lên 46.000 đồng/CP, BVH tăng 1,9% lên 54.300 đồng/CP, VHM tăng 2% lên 106.000 đồng/CP, VNM tăng 2,2% lên 91.200 đồng/CP.
Mặc dù vẫn là nhóm giao dịch sôi động nhất thị trường nhưng diễn biến giá các cổ phiếu ngân hàng không còn khởi sắc như trước đây, ngoại trừ CTG. Các mã còn lại như STB, MBB, TCB, LPB, MSB, ACB, TPB… biến động tăng giảm nhẹ 0,5%.
Cụ thể, ngoài CTG khớp lệnh hơn 30 triệu cổ phiếu còn có 2 mã ngân hàng khác là VPB khớp 39,71 triệu đơn vị và STB khớp xấp xỉ 31,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, MBB khớp gần 20,5 triệu đơn vị và các mã như TCB, LPB khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Trong khi dòng bank có dấu hiệu hạ nhiệt thì điểm sáng thị trường chính là nhóm cổ phiếu bất động sản khi hàng loạt mã khoe sắc tím và trong trạng thái dư mua trần khá lớn như DXG, DIG, IJC, SCR, ASM.
Trong đó, DXG khớp lệnh 21,62 triệu đơn vị, DIG khớp 13,36 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị, đặc biệt IJC khớp xấp xỉ 9,5 triệu đơn vị và dư mua trần gần 2,5 triệu đơn vị.
Ngoài ra, hàng loạt mã khá trong nhóm như DPG, HAR, NTL, HDG, KBC, TCH… tăng trên dưới 5%.
Trong khi nhà đầu tư gặp khó vì lỗi nghẽn lệnh trên sàn HOSE thì dòng tiền chuyển hướng chảy mạnh vào HNX đã giúp HNX-Index tăng tốc và chinh phục thành công đỉnh 300 điểm.
Đóng cửa, sàn HNX có 126 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 2,34 điểm (+0,79%) lên 300,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 106,8 triệu đơn vị, giá trị 2.452,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 87,64 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với bộ ba gồm BAB, SHB và NVB vẫn duy trì đà tăng nhẹ dưới 1%.
Trong khi đó, một số mã lớn vẫn tăng tốt như PVS tăng 3,8% lên 21.900 đồng/CP, VCS tăng 1.3% lên 96.000 đồng/CP, IDC tăng 1,7% lên 36.500 đồng/CP, VIF tăng 1,8% lên 16.700 đồng/CP, PAN tăng 2% lên 25.300 đồng/CP, THD, PVI, SHS…
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giữ nhiệt với điểm sáng là CEO tăng 6,5% lên mức 9.900 đồng/CP, HUT tăng 4,7% lên 6.700 đồng/CP, NDN tăng 4,4% lên 23.900 đồng/CP…
Về thanh khoản, top 5 cổ phiếu dẫn đầu đều giữ sắc xanh, trong đó SHB tăng 0,3% lên 29.200 đồng/CP và khớp 18,25 triệu đơn vị, SHS tăng 1,8% lên 33.500 đồng/CP và khớp 9,82 triệu đơn vị, PVS khớp 9,47 triệu đơn vị, NVB khớp 6,48 triệu đơn vị và HUT khớp 5,75 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, các cổ phiếu lớn vẫn đóng vai trò giữ nhịp tăng cho thị trường.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,01 điểm (+1,24%) lên 82,63 điểm với 196 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 48,48 triệu đơn vị, giá trị 806,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 75,12 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.365 tỷ đồng, trong đó đáng kể là TID thỏa thuận 54,53 triệu đơn vị, giá trị gần 818 tỷ đồng và KLB thỏa thuận 15,96 triệu đơn vị, giá trị 431,12 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR giữ mức tăng 4,1% và kết phiên đứng tại mức giá 15.400 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch mạnh nhất trên UPCoM, đạt 8,52 triệu đơn vị; còn OIL tăng 3,4% lên 12.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giao dịch khởi sắc hỗ trợ cho thị trường như MSR tăng 1,1% lên 18.700 đồng/CP, FOX tăng 1,2% lên 79.000 đồng/CP, VEA tăng 2,4% lên 43.000 đồng/CP, VGI tăng 1,3% lên 31.500 đồng/CP…
Dòng bank giao dịch phân hóa mạnh, trong khi ABB và KLB đảo chiều giảm, thì BVB tiếp tục tăng mạnh 13,2% lên mức 18.900 đồng/CP, SGB tăng 9,9% lên 15.600 đồng/CP, PGB tăng 6% lên 17.800 đồng/CP, VBB tăng 12,1% lên 15.800 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó hợp đồng tương lai đáo hạn gần nhất VN30F2106 đáo hạn ngày 17/6/2021 đã tăng 12 điểm, tương ứng tăng 0,8% lên mức 1.426 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, hầu hết đều quay đầu giảm, trong đó CVIC2103 dẫn đầu thanh khoản với 190.260 đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa ở mức giá tham chiếu 2.680 đồng/CP.
Bên cạnh đó, sắc xanh chỉ le lói ở một số mã nhưng điểm nhấn thuộc về CNVL2102 với giao dịch sôi động nhất, đạt khối lượng khớp lệnh đạt 170.080 đơn vị và kết phiên tăng 13,3% lên 4.350 đồng/CQ và CVNM2011 tăng mạnh nhất 52,9% lên 520 đồng/CQ với khối lượng giao dịch đạt 130.470 đơn vị.