Mặc dù thị trường đã hồi nhẹ trong 2 phiên giao dịch vừa qua nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng trước diễn biến rung lắc của thị trường. Trong phiên giao dịch sáng cuối tuần 24/4, sau khi mở cửa với sắc xanh nhạt, thị trường đã nhanh chóng quay đầu trước áp lực bán dâng cao.
Tuy nhiên, lực cầu cũng tỏ ra khá tích cực đã giúp thị trường không giảm quá sâu. Trong đó, trụ cột VNM đón nhận thông tin tích cực đã thu hút dòng tiền mạnh và tăng vọt, hỗ trợ tốt giúp thị trường cân bằng hơn, chỉ số VN-Index tiến gần hơn với mốc tham chiếu khi chốt phiên sáng.
Đang có những dự báo về khả năng thị trường khó phục hồi hình chữ V, mà có thể là L, U, hình logo của Nike, và thậm chí là W.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng gần 1 giờ giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, sự bứt phá của ông lớn VNM đã tiếp sức giúp thị trường hồi phục thành công.
Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 177 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index tăng 2,75 điểm (+0,36%), lên 776,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gàn 262,27 triệu đơn vị, giá trị 3.932,91 tỷ đồng, tăng 27,44% về khối lượng và 19,45% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,2 triệu đơn vị, giá trị 732,52 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn VNM đang hồi phục khá mạnh sau chuỗi ngày giảm sâu và trong phiên hôm nay, sau khi ra thông tin chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, VNM đã tăng 7% lên mức giá trần 102.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 3,62 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, trong nhóm VN30 còn có CTD cũng bất ngờ tăng hết biên độ sau rung lắc, thậm chí mất điểm trong phiên sáng. Hiện CTD đứng tại mức giá 60.600 đồng/CP và khớp gần 0,38 triệu đơn vị.
Ngoài trụ đỡ lớn VNM, thị trường còn nhận được sự hậu thuẫn từ một số bluechip khác như HPG +2,3% lên 22.100 đồng/CP, MSN +2,2% lên 59.500 đồng/CP, PLX +1,6% lên 41.350 đồng/CP, VPB +3% lên 20.500 đồng/CP, REE +3,73% lên 30.600 đồng/CP.
Trái lại, một số mã lớn khác vẫn tiếp tục cản trở đà đi lên của thị trường như SAB, BID, VCB, đáng kể nhất là VHM -2,4% xuống 65.000 đồng/CP.
Tâm điểm đáng chú ý là dòng tiền dầu cơ chảy mạnh đã tiếp sức cho nhiều mã thị giá vừa và nhỏ nổi sóng. Trong đó, HSG vẫn dẫn đầu ngọn sóng khi bảo toàn sắc tím, kết phiên tại mức giá 7.260 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 21 triệu đơn vị và dư mua trần 0,83 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, HAG và AMD cùng kết phiên tăng trần với khối lượng khớp hơn 11 triệu đơn vị và dư mua trần vượt nửa triệu đơn vị; các mã khác như HAI, QCG, TSC, HID cũng lần lượt khoác áo tím.
Trên sàn HNX, mặc dù trong phần lớn phiên chiều đều giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng HNX-Index đã vượt cản thành công trong phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 70 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 106,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,45 triệu đơn vị, giá trị 303,51 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị 4,29 tỷ đồng.
Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng là ACB, SHB và NVB đều kết phiên tại mốc tham chiếu, trong khi nhóm dầu khí vẫn để mất giá.
Đáng chú ý, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, cổ phiếu DGC đã giao dịch khởi sắc khi +4,25% lên mức 27.000 đồng/CP. Ngoài ra, trong nhóm HNX30 còn có CEO, DTD, L14, NRC… cũng kết phiên trong sắc xanh.
Ở nhóm vừa và nhỏ, KLF, HKB, KVC, TTH, ITQ, DPS, BII… cũng đồng loạt tăng trần. Trong đó, KLF đã có lúc rung lắc và bị đẩy xuống mức giá sàn và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với 11,87 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 0,9 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù có thời điểm được kéo lên sát mốc tham chiếu nhưng lực bán thường trực khiến thị trường không thoát khỏi sắc đỏ.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,15%), xuống 51,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,11 triệu đơn vị, giá trị 156,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 04,72 tỷ đồng.
Trong đó, BSR nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều lên mức 6.100 đồng/CP, +3,39% và vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 4,1 triệu đơn vị.
Trái lại, LPB đứng thứ 2 về thanh khoản với 1,88 triệu đơn vị được giao dịch thành công nhưng do chịu thêm lực cung ngoại khiến cổ phiếu này kết phiên -1,43% xuống 6.900 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã lớn khác như ACV, VEA, VGT cũng kết phiên trong sắc đỏ.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lại đều đảo chiều hồi phục, trong đó, VN30F2005 đáo hạn gần nhất tăng 2,68% lên 697,1 điểm với gần 235.830 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở có 34.015 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, có 16 mã tăng, 10 mã đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, CHPG1909 có giao dịch sôi động nhất với 61.027 đơn vị khớp lệnh, và giảm 7,14% xuống 130 đồng/cq.