Bất chấp các chỉ số chứng khoán quốc tế có phiên tăng điểm ấn tượng, chứng khoán Việt Nam ngược xu hướng chung tiếp đà lao dốc rất mạnh có từ phiên cuối tuần trước. Mốc hỗ trợ 1.000 điểm của VN-Index nhẹ nhàng bị loại bỏ, chỉ số này đã đánh mất toàn bộ thành quả tạo dựng trong 2 năm vừa qua.
Trên sàn HOSE có 430 mã giảm điểm, trong đó có 162 mã chốt phiên ở giá sàn, và chỉ có 45 mã tăng giá chưa nói lên tất cả, mà cần nhìn thêm trên bảng điện tử, rất nhiều mã vẫn còn dư bán giá sàn cả triệu cổ phiếu khi kết phiên, cho thấy áp lực bán vẫn còn rất lớn.
VN-Index về mức giá thấp nhất 2 năm, có thể khẳng định việc bán ngày hôm nay gần như toàn bộ là cắt lỗ. Câu hỏi đặt ra rằng, hầu hết nhà đầu tư cá nhân đã thua lỗ và nhiều nhà đầu tư rời khỏi thị trường, hoặc đóng bảng giữ cổ phiếu lâu dài thì việc cắt lỗ này đến từ đâu? Câu trả lời có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức, hay nói khác đi là các doanh nghiệp vì cần dòng tiền mặt đã phải thoái nốt danh mục của mình.
Bên cạnh lý do này thì cũng có những lời giải thích theo xu hướng “thuyết âm mưu” đó là “đạp xuống” của những tay to, ép chỉ số cơ sở, short bên phái sinh… Tất nhiên, đây cũng chỉ là một cách giải thích, bởi nếu theo cách này khi sự kỳ vọng không còn được nuôi dưỡng, nhà đầu tư rời đi thì ắt hẳn “tay to” cũng chỉ còn chơi với “tay to”!
Về mặt vĩ mô thì nhiều dự báo đã được đưa ra như “lợi nhuận doanh nghiệp đã đạt đỉnh” với hàm í là quý IV tiếp theo sẽ không còn được tích cực, hay như lãi suất sẽ có một đợt tăng mới,… bên cạnh rất nhiều thông tin tích cực như xuất siêu, tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong bối cảnh tâm lý đầu tư dao động thì yếu tố không tích cực có giá trị chi phối nhiều hơn.
Sự giảm giá luôn có những cơ hội, dù rằng chỉ dành cho nhà đầu tư còn “sức mua”, một số nhóm khuyến nghị đầu tư đã xuất hiện khuyến nghị “thị trường hoảng loạn là có thể giải ngân một phần”. Trường phái bắt đáy hoặc trung bình giá xuống đang có cơ hội, tất nhiên, phải chấp nhận rủi ro ở mức cao.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 45 mã tăng và 430 mã giảm (160 mã giảm sàn), VN-Index giảm 33,67 điểm (-3,3%), xuống 986,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 654,94 triệu đơn vị, giá trị 12.072,32 tỷ đồng, giảm 11,75% về khối lượng và 17,4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 21/10.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 107,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.091,88 tỷ đồng, trong đó MSN đóng góp gần 11,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 888,5 tỷ đồng và TCB đóng góp 26,9 triệu đơn vị, giá trị gần 618,75 tỷ đồng.
Bên cạnh chỉ số chung tìm về đáy lịch sử trong gần 2 năm qua (được xác lập tại mức đóng cửa phiên 19/11/2020 là 983,26 điểm), nhiều cổ phiếu lớn bé cùng tìm về mức giá thấp lịch sử trong khoảng thời gian này.
Điển hình là cổ phiếu HPG, dù trong phiên hôm nay áp lực bán của khối ngoại đã hãm lại nhưng cổ phiếu này vẫn chưa ngừng rơi và tiếp tục nới rộng đà giảm trong phiên chiều. Đóng cửa, HPG giảm 3% xuống mức 16.400 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 27,97 triệu đơn vị khớp lệnh.
Không chỉ HPG, nhóm cổ phiếu bluechip cũng lao dốc mạnh. Chỉ số VN30 giảm tới hơn 36 điểm về mốc 970 điểm, với sự ghi nhận 27 mã giảm, 2 mã đứng giá là GAS và VCB, cùng 1 mã tăng là TPB.
Trong số 27 mã giảm, có tới 10 mã nằm sàn với sự góp mặt của một số mã lớn như VHM, SSI, TCB, PLX, MWG; ngoài ra, SAB giảm 6,2%; VNM, FPT, MSN, HPG… cũng giảm trên dưới 3%.
Tuy nhiên, điểm sáng là cổ phiếu TPB đã ngược dòng bank nói riêng và nhóm VN30 nói chung khi là mã duy nhất có được sắc xanh, dù trước đó có thời điểm nằm sàn. Đóng cửa, TPB dù chỉ tăng nhẹ 0,2% nhưng cũng là mức giá cao nhất ngày 20.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt hơn 3,26 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HAG vẫn lội ngược dòng và nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều. Đóng cửa, HAG tăng 3,9% lên mức 8.830 đồng/CP với thanh khoản vẫn đứng trong top 5 lớn nhất thị trường, đạt 20,73 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán chỉ còn duy nhất IVS giữ được mốc tham chiếu, còn lại đều lao dốc khi có tới 2/3 số mã nằm sàn, như SSI, VCI, VND, VIX, VIG, HCM, FTS, AGR, APG, BSI…
Trong đó, cổ phiếu SSI vươn lên vị trí thứ 3 về thanh khoản trên thị trường với hơn 23,35 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi VND không có nhiều biến chuyển với thanh khoản gần 11,77 triệu đơn vị cùng lượng dư bán sàn chất đống tới hơn 16,35 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ TPB xanh nhạt và VCB tìm về mốc tham chiếu, còn lại phần lớn tiêu cực hơn với nhiều mã như BID, TCB, STB, LPB đóng cửa nằm sàn.
Nhóm cổ phiếu rộng nhất thị trường là bất động sản cũng có sự góp mặt nhiều mã giảm sàn nhất. Bên cạnh “ông lớn” VHM, các mã khác như KDH, KBC, VCG, LCG, TDC, HDC, DPG, HBC… trong trạng thái dư bán sàn khá lớn.
Các nhóm cổ phiếu khác cũng la liệt nằm sàn như ở bán lẻ có MWG, DGW, PET; thủy sản có CMX, ASM, IDI, ANV, VHC…; thép có TLH, NKG, SMC, HSG.
Trên sàn HNX, thị trường cũng nới rộng đà giảm trong phiên chiều khi có hàng loạt mã lớn bé đua nhau nằm sàn.
Đóng cửa, sàn HNX cũng có tới 177 mã giảm (69 mã giảm sàn), gấp tới gần 6 lần số mã tăng (chỉ 31 mã), HNX-Index giảm 7,91 điểm (-3,64%), xuống 209,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,9 triệu đơn vị, giá trị 940,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,73 triệu đơn vị, giá trị 169,51 tỷ đồng.
Cũng như phiên sáng, trong nhóm HNX30 chỉ còn LHC và NTP giữ được sắc xanh với mức tăng tương ứng 7,2% và 0,6%. Tuy nhiên, trong số 28 mã giảm điểm, có tới gần 1/2 số mã nằm sàn. Trong đó, các mã như HUT, CEO, NRC, TIG, SHS đều trong trạng thái dư bán sàn.
Một số mã đáng chú ý khác như PVS đóng cửa giảm 5,9% xuống mức thấp nhất ngày 20.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 9,28 triệu đơn vị; cổ phiếu IDC thoát nằm sàn nhưng vẫn giảm khá mạnh -5,3% xuống 41.200 đồng/CP và khớp 4,77 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, không chỉ SHS, các cổ phiếu chứng khoán khác như BVS, MBS, TVC, VIG cũng đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo. Trong đó, SHS vẫn thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 11,26 triệu đơn vị; cổ phiếu MBS thuộc top 10 khi khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường bật hồi đôi chút về cuối phiên nhưng UPCoM-Index cũng trong trạng thái chung giảm khá mạnh.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 2,12 điểm (-2,7%) xuống 76,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,35 triệu đơn vị, giá trị 443,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 79,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với 9,83 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng áp lực bán tăng mạnh trong phiên chiều đã đẩy giá giảm sâu khi đóng cửa giảm tới 12,8% xuống mức 17.100 đồng/CP.
Các mã có thanh khoản tốt tiếp theo đó đạt hơn 1-2 triệu đơn vị là VHG, SBS, ABB, PAS, C4G, OIL đều đóng cửa giảm mạnh hơn 8% hoặc nằm sàn.
Một số mã đáng chú ý khác như VGI giảm 9,9%, DDV giảm 10,4%, VGT giảm 9,7%...
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó, CV30F2211 đáo hạn gần nhất ngày 17/11/2022 giảm 43 điểm, tương đương -4,4% xuống 942 điểm, khớp lệnh hơn 462.270 đơn vị, khối lượng mở 48.375 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập, với CHPG2221 có khối lượng khớp lệnh cao nhất đạt 3,88 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 14,3% xuống 120 đồng/CQ.
Tiếp theo là CMBB2209 khớp gần 3,86 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 25% xuống 30 đồng/CQ.