Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu, nhưng thị trường đã sôi động hơn so với 3 phiên vừa qua khi dòng tiền đầu cơ hoạt động tốt. Trong đó, đáng chú ý, trong khi một số mã có dấu hiệu hạ nhiệt, thì FLC lại nổi sóng sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu.
Thực tế, VN-Index đã gặp thử thách tại mức 870 điểm từ phiên hôm qua 22/6 khi liên tục gặp sức ép mỗi khi leo qua ngưỡng cản mạnh này. VN-Index chỉ không giảm điểm nhờ vào sự tích cực của dòng tiền.
Trong phiên hôm nay 23/6, VN-Index tiếp tục mắc kẹt tại ngưỡng cản này khi nhóm cổ phiếu lớn loay hoay tìm xu hướng, cho dù dòng tiền vẫn đều đặn chảy vào thị trường. Theo đó, diễn biến giằng co nhẹ được duy trì trong suốt phiên sáng.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, nhà đầu tư đã có những giây phút thót tim. Theo đó, ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán bất ngờ gia tăng mạnh, đẩy VN-Index giảm theo chiều thẳng đứng, xuống dưới ngưỡng 865 điểm..
Tuy nhiên, cũng như những phiên gần đây, dòng tiền luôn chực chờ cơ hội săn cổ phiếu giá thấp, nên ngay khi VN-Index lùi sâu, tiền bắt đáy nhanh chóng vào cuộc, giúp thị trường trở lạ trạng thái cân bằng. Dù vậy, lực cầu không đủ sức kéo VN-Index trở lại tham chiếu.
Đóng cửa, với 190 mã tăng và 198 mã giảm, VN-Index giảm 3,08điểm (-0,35%) về 868,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 455,39 triệu đơn vị, giá trị 6.831,06 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên 22/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,72 triệu đơn vị, giá trị 1.614 tỷ đồng.
Việc dòng tiền không còn tập trung quá mạnh khiến nhóm cổ phiếu bluechips phân hóa rõ nét trong phiên hôm nay. Trong khi VIC, VHM, VRE, TCB, BID, CTG… giảm điểm, thì VCB, VPB, VNM, MSN, VJC, GAS… điểm, song mức tăng - giảm không mạnh, chủ yếu dưới 2%.
Tuy nhiên, CTD ghi nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 72.500 đồng sau thông tin bầu thành viên HĐQT mới, thanh khoản mạnh với 2,26 triệu đơn vị và còn dư mua trần khá lớn.
Đáng chú ý, dòng tiền đã hướng mạnh đến nhóm chứng khoán, giúp nhóm này đồng loạt tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, trong đó SSI +5,9% lên 16.100 đồng và khớp tới hơn 14 triệu đơn vị, HCM +5,2% lên 20.400 đồng và khớp 5,2 triệu đơn vị, VND +4,5% lên 13.800 đồng và khớp 1,65 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC duy trì sắc tím ở mức giá 4.090 đồng sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu. Các mã HAI, FIT cũng tăng trần, trong khi AMD +6,4%, ROS +2,8%. FLC và ROS cùng khớp gần 24 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản là HQC với hơn 32 triệu đơn vị được sang tên, song giảm 6,4% về 1.910 đồng. Nhiều mã nóng khác cũng giảm mạnh như ITA, KBC, DLG, LDG, SCR…, riêng TNI, DBC, QBS… giảm sàn.
Với DBC, phiên giảm sàn này (về 49.500 đồng) đã ngắt chuỗi tăng liên tục ở con số 5, trong đó 3 phiên tăng trần. Còn TNI là phiên sàn thứ 8 (7 phiên liên tục) trong 9 phiên gần nhất.
Trên sàn HNX, đã có những nỗ lực hồi phục sau nhịp giảm mạnh đầu phiên chiều, nhưng sự phân hóa của nhóm cổ phiếu trụ khiến chỉ số sàn này chưa thể về được tham chiếu.
Đóng cửa, với 90 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm 0,1 điểm (-0,09%) về 114,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 70,48 triệu đơn vị, giá trị 656,11 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên 22/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,67 triệu đơn vị, giá trị gần 70 tỷ đồng.
Nhiều mã vốn hóa lớn nhất vẫn còn giảm, dù không mạnh những vẫn tạo sức ép lên chỉ số: ACB -0,4% về 24.00 đồng, SHB -2,1% về 14.200 đồng, các mã CEO, TVC, TNG, PVC giảm từ 1-2%.
Tương tự HOSE, nhóm chứng khoán trên HNX cũng tăng mạnh, trong đó SHS, BVS, MBS… cùng tăng khoảng 6%.
HUT dẫn đầu thanh khoản với 6,5 triệu đơn vị, nhưng đứng giá 2.700 đồng. Các mã MBG, KLF, SHS khớp 5-6 triệu đơn vị; ART, PVS, ACB, SHB, NVB khoảng 3 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng tương đồng với 2 sàn niêm yết khi không đủ sức leo về tham chiếu, cho dù thanh khoản tốt.
Đóng cửa, với 90 mã tăng và 74 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) về 56,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,1 triệu đơn vị, giá trị 280,86 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 17% về giá trị so với phiên 22/6. Giao dịch thỏa thuận có gần 4 triệu đơn vị, giá trị gần72 tỷ đồng.
Trong 4 mã có thanh khoản cao nhất sàn, chỉ C4G +5,8% lên 7.300 đồng, còn LPB và PPI đứng giá 9.000 đồng và 700 đồng, BSR -1,4% về 7.300 đồng.
LPB khớp cao nhất với 3,6 triệu đơn vị, BSR khớp 2,9 triệu đơn vị, C4G và PPP khớp trên 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm điểm, trong đó VN30F2007 đáo hạn gần nhất ngày 16/7/2020 giảm 0,2% về 796 điểm, khớp 175.272 đơn vị, khối lượng mở 20.336 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, diễn biến khá cân bằng với 23 mã tăng và 20 mã giảm. Mã CSTB2003 được giao dịch nhiều nhất với 62.768 đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 33,3% về chiếu 174 đồng/CQ.