Mặc dù giới phân tích đánh giá thị trường khá tích cực và VN-Index sẽ nhanh chóng công phá bức tường thành 1.000 điểm, nhưng phiên giao dịch sáng đầu tuần 23/11 đã diễn ra khá rung lắc trước áp lực bán chốt lời gia tăng.
Thị trường liên tục đổi sắc trong gần suốt cả phiên, thậm chí có lúc bị đẩy về mốc 985 điểm, nhưng sự hỗ trợ khá tích cực từ một số tay to đã giúp VN-Index bảo toàn ngưỡng 990 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 1 giờ lình xình trên mốc tham chiếu, thị trường đã dần nới rộng đà tăng nhờ lực cầu sôi động. Dòng tiền ồ ạt chảy vào nhóm VN30 giúp một số mã tăng vọt, nhưng sự thiếu đồng thuận từ các cổ phiếu bluechip cùng giao dịch phân hóa của thị trường đã khiến VN-Index không thể bật cao.
Chốt phiên, sàn HOSE có 243 mã tăng và 188 mã giảm, VN-Index tăng 4,19 điểm (+0,42%), lên 994,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 489,69 triệu đơn vị, giá trị 10.534 tỷ đồng, giảm 2,26% về khối lượng và tăng 10,34% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 20/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,58 triệu đơn vị, giá trị 1.343,52 tỷ đồng.
Dòng bank hầu hết đều giao dịch không mấy khởi sắc khi VCB, BID, CTG, MBB, HDB đều điều chỉnh nhẹ, chỉ còn TCB và STB giữ được sắc xanh. Trong đó, STB sau chút rung lắc điều chỉnh nhẹ đầu phiên sáng, đã hồi phục và duy trì mức tăng khá tốt, kết phiên tăng 3,2% lên mức 14.600 đồng/CP và là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 27,27 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác như SAB, VNM vẫn giao dịch trong sắc đỏ, hay VIC, VJC, BVH đứng giá tham chiếu, đã ảnh hưởng tới đà tăng của chỉ số chung.
Trái lại, cổ phiếu lớn VHM vẫn tăng tốt nhờ lực cầu nội và ngoại sôi động. Kết phiên, VHM tăng % lên 80.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 5,1 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng hơn 1,5 triệu đơn vị.
Một điểm sáng khác của nhóm VN30 là cổ phiếu HPG khi nới rộng biên độ tăng lên hơn 5% và kết phiên đứng tại mức giá 37.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 23,68 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã bluechip khác như GAS, FPT, MSN, MWG, PNJ cũng có được mức tăng khá tốt.
Ở bộ đôi mới trong nhóm VN30, trong khi KDH rung lắc và may mắn giữ được sắc xanh nhạt thì TCH vẫn tăng khá tốt sau phiên tăng trần cuối tuần trước. Kết phiên, cổ phiếu TCH tăng 2,7% lên mức giá 20.850 đồng/CP và đứng trong top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE, với khối lượng khớp lệnh đạt 16,58 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi HAG, ITA, LDG, DXG, ROS, HQC… điều chỉnh giảm, thì TTF vẫn giữ mức giá trần 5.970 đồng/CP và khớp gần 6,3 triệu đơn vị, dư mua trần 1,31 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng về cuối phiên đã giúp HNX-Index lên mức cao nhất ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 73 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,66%), lên 148,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,23 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.009 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,89 triệu đơn vị, giá trị 179,65 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu lớn, chỉ còn SHB, VCS, điều chỉnh nhẹ, PHP giảm 3,1% xuống 12.600 đồng/CP, trong khi các mã ACB, VIF, PVS, NTP đã tìm lại mốc tham chiếu.
Đặc biệt, các mã ghi nhận mức tăng mạnh, là động lực chính giúp chỉ số thị trường khởi sắc là VCG tăng 3,9% lên 42.800 đồng/CP và THD tăng hết biên độ 9,9% lên mức 104.100 đồng/CP, IDC tăng 4,4% lên 28.700 đồng/CP, PVI tăng 1,4% lên 29.700 đồng/CP.
Trong đó, cổ phiếu ACB vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 10,89 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là cổ phiếu chứng khoán VIX đã có phiên bùng nổ. Dù trong phiên hôm nay cổ phiếu VIX giao dịch khá rung lắc nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã đẩy cổ phiếu tăng kịch trần. Kết phiên, VIX đứng tại mức giá trần 17.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh chỉ thua ACB, đạt 6,43 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch vẫn diễn ra khá tích cực trong phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,4%), lên 66,69 điểm với 120 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28 triệu đơn vị, giá trị 491,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,65 triệu đơn vị, giá trị 37,55 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như BSR tăng % lên 7.700 đồng/CP, ACV tăng % lên 74.500 đồng/CP, VEA… Trong đó BSR duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với 8,13 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Đặc biệt, nhóm Viettel trở thành điểm sáng trên UPCoM khi cả 4 cổ phiếu CTR, VTK, VGI, VTP đều tăng mạnh, trong đó VTK đóng cửa tăng hết biên độ 15% lên mức giá trần 32.700 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều tăng, trong đó VN30F2012 kết phiên tăng 0,76% lên 959,4 điểm dẫn đầu thanh khoản với hơn 106.812 đơn vị được khớp lệnh, khối lượng mở hơn 17.900 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch sôi động nhất tại CHPG2017 và CTCH2002 với 161.099 đơn vị và 149.213 đơn vị khớp lệnh. Cả 2 mã này đều tăng, với CHPG2017 tăng kịch trần lên 2.600 đồng/cq, còn CTCH2002 +1,89% lên 1.080 đồng/cq.