Sau chuỗi ngày tăng mạnh bởi những câu chuyện mới về tăng vốn, chuyển sàn, lên sàn, các cổ phiếu ngân hàng đang bị giảm điểm và đang có xu hướng chốt lời khi phần lớn đã quay đầu điều chỉnh trong phiên sáng cuối tuần ngày 23/10.
Mặc dù dòng bank quay đầu điều chỉnh nhưng thị trường vẫn tiếp tục tiến bước nhờ giao dịch tích cực của các bluechip khác, đặc biệt là cặp đôi lớn nhà Vingroup gồm VIC và VHM cùng cổ phiếu HPG.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau hơn 1 giờ lình xình trên mức 955 điểm, dòng tiền sôi động đã kích hoạt thị trường bật cao.
Bên cạnh VIC, VHM và HPG tiếp tục nới rộng biên độ tăng, một ông lớn khác cũng đã nhập vai trụ cột tiếp sức cho thị trường đó là VNM. Bộ tứ này giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 960 điểm, đây là mức đóng cửa cao nhất trong gần 9 tháng qua (từ phiên 30/1/2020 đến nay).
Kết phiên, sàn HOSE có 249 mã tăng và 161 mã giảm, VN-Index tăng 11,36 điểm (+1,2%), lên 961,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 452,49 triệu đơn vị, giá trị hơn 9.460 tỷ đồng, tăng 23,94% về khối lượng và 29,45% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 1.646,75 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, bộ tứ đóng vai trò trụ cột cho thị trường có mức tăng khá tốt gồm VIC +3,9% lên 104.000 đồng/CP, VHM+2,6% lên 79.500 đồng/CP, VNM +3,1% lên mức cao nhất ngày 110.000 đồng/CP và HPG +4,4% lên mức cao nhất ngày 30.900 đồng/CP.
Một trong những nguyên nhân khiến HPG tăng vọt cả về giá và thanh khoản chính là kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2020 đạt 3.785 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước và lũy kế 9 tháng đạt 8.845 tỷ đồng, tăng trưởng 56% so với 9 tháng năm 2029, hoàn thành 98% mục tiêu cả năm.
Vì vậy, bên cạnh việc xác lập mức tăng ấn tượng nhất trong nhóm VN30, cổ phiếu HPG còn giao dịch vượt trội so với những phiên trong tuần, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,53 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Thêm vào đó, các mã bluechip khác như VCB, MSN, MWG có mức tăng hơn 1% và các mã PLX, VRE, SAB nhích nhẹ cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.
Trái lại, trong nhóm VN30 chỉ còn 10 mã giao dịch dưới mệnh giá nhưng biên độ giảm khá hẹp với các mã BID, CTG, GAS, FPT, NVL, STB, POW… đều giảm trên dưới 0,5%.
Một số điểm đáng chú ý như ở nhóm cổ phiếu thị trường, các cổ phiếu họ FLC tiếp tục củng cố sắc tím với giao dịch sôi động.
Cụ thể, FLC +6,9% lên mức 4.360 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 18,64 triệu đơn vị và dư mua trần 1,41 triệu đơn vị; AMD +6,7% lên 30020 đồng/CP và khớp gần 10 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần hơn 0,8 triệu đơn vị; HAI +6,9% lên 2.930 đồng/CP và khớp gần 5,2 triệu đơn vị, dư mua trần 2,38 triệu đơn vị.
Cổ phiếu mới TDP cũng đã hồi phục trở lại sau nhịp điều chỉnh nhẹ hôm qua khi kết phiên +1% lên mức cao nhất ngày 30.200 đồng/CP. Thông tin mới nhất tại Thuận Đức chính là việc HĐQT Công ty vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Ở chiều ngược lại, sau 8 phiên tăng mạnh liên tiếp và ngày gần tiến tới mệnh giá, cổ phiếu TTF đã bị xả mạnh trong phiên hôm nay khi kết phiên -7% xuống mức giá sàn 7.990 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 9,33 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực cầu khá sôi động giúp HNX-Index tiếp tục nhích từng bước trong phiên chiều.
Đóng cửa, sàn HNX có 87 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,6%), lên 141,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 60,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 670 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,27 triệu đơn vị, giá trị 61,11 tỷ đồng.
Ở bộ 3 cổ phiếu ngân hàng, trong khi ACB vẫn đứng giá tham chiếu thì NVB và SHB đều giao dịch khởi sắc, trong đó SHB +2,5% lên 16.100 đồng/CP, còn NVB +2,2% lên 9.200 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã bluechip khác như VCS, PVI, PVB, BVS tiếp tục duy trì đà tăng điểm.
Đáng chú ý trong nhóm HNX30 là NBC bất ngờ tăng trần với biên độ 9,1% lên mức giá 6.000 đồng/CP. Nguyên nhân chính giúp NBC tăng vọt chính là kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh khi lợi nhuận quý III công bố số lãi khá khủng, đạt 153 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, 2 thành viên của họ FLC là KLF và ART tiếp tục tăng trần với giao dịch sôi động. Kết phiên, KLF đứng tại mức giá 1.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 12,67 triệu đơn vị; còn ART đứng tại mức giá trần 2.600 đồng/CP và khớp 7,53 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau khoảng 1 giờ giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, lực cầu tăng mạnh đã giúp thị trường giao dịch khởi sắc.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,42%), lên 63,91 điểm với 143 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,68 triệu đơn vị, giá trị 397,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 686.330 đơn vị, giá trị hơn 11 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB vẫn có giao dịch vượt trội với hơn 11 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và kết phiên +1,63% lên 12.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, đà hồi phục của thị trường phải kể đến một số mã lớn giao dịch tích cực như VGI +3,9% lên 29.200 đồng/CP, VIB +1,2% lên 33.500 đồng/CP, MSR +1,7% lên 17.500 đồng/CP, ACV +2,6% lên 63.500 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lại đều tăng điểm, với VNF2011 tăng 1,19% lên 935 điểm, khối lượng khớp lệnh gần 125.670 đơn vị, khối lượng mở gần 32.500 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, các mã CHPG2010, CVHM2005, CVNM2009, CVRE2007 và CVPB2008 có giao dịch cao nhất, từ hơn 80.000 đơn vị đến hơn 88.000 đơn vị và đều tăng.