Giao dịch chứng khoán chiều 22/9: VN-Index lại gục ngã tại vùng 910 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 22/9: VN-Index lại gục ngã tại vùng 910 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức ép gia tăng tại vùng giá 910 điểm khiến VN-Index bị đẩy trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ sau 2 phiên tăng điểm liên tiếp. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vào thị trường vẫn mạnh mẽ.

Cho dù vẫn tăng điểm tích cực, nhưng áp lực tại vùng giá cao 910 điểm đã đẩy lùi VN-Index trong cuối phiên hôm qua 21/9. Sức ép này tiếp tục xuất hiện ngay khi thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng nay 22/9. VN-Index chỉ không giảm điểm nhờ sức cầu tốt được duy trì trên thị trường.

Tuy nhiên, “sự may mắn” này đã mất đi trong phiên chiều khi áp lực chốt lời gia tăng, nhất là tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là nhóm đã tăng tốt những phiên gần đây, trong khi lực đỡ từ nhóm bluechips cũng không còn nhiều do phân hóa mạnh nên VN-Index đã đảo chiều giảm điểm.

Đóng cửa, với 150 mã tăng và 246 mã giảm, VN-Index giảm 1,75 điểm (-0,07%) về 908,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 401,41 triệu đơn vị, giá trị gần 6.745,9 tỷ đồng, giảm gần 1% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên 21/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,65 triệu đơn vị, giá trị 594 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa rõ nét với 13 mã tăng và 15 mã giảm nên không hỗ trợ tốt cho VN-Index. Tuy nhiên, mức tăng - giảm ở nhóm này cũng không quá mạnh, đều dưới 2%. Các mã KDH, VCB, MWG tăng từ 1,2-17%, còn POW, VIC, GAS giảm từ 1-1,5%.

Đáng chú ý, STB tiếp tục hút tiền mạnh giúp mã này giữ vững mức giá trần 12.550 đồng, thanh khoản tiếp tục gia tăng, đạt 45,87 triệu đơn vị khi kết phiên, dẫn đầu sàn HOSE và còn dư mua trần gần 2,9 triệu đơn vị.

HPG cũng được giao dịch mạnh với 15,28 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm 0,6% về 25.550 đồng do chịu sức ép từ cả khối nội và ngoại.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng phân hóa mạnh với sắc xanh tại HSG, ASM, GEX, HQC, TTF, PVD, HBC, LDG, DPM, DPM, DCM, khớp từ 1,78 triệu đến 9,98 triệu đơn vị.

Trong khi đó, MBB và TCH giữ vững sắc xanh mới mức điểm 19.200 đồng (+0,8%) và 21.050 đồng (+1%), khớp lệnh nằm trong nhóm cao nhất thị trường, đạt tương ứng 9,9 triệu và 0,04 triệu đơn vị.

Tân binh TTA tiếp tục hạ nhiệt và kết phiên chỉ còn tăng 2,6% lên 23.700 đồng, khớp 1,73 triệu đơn vị. Đầu phiên tăng trần lên 24.700 đồng.

Sắc đỏ cũng đã lan rộng tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như ITA, HAG, HAI, FLC, ROS, NKG, AMD, HHS, DXG, GTN,KSB, TCM, CII…, khớp lệnh từ 1,4-12 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến tích cực hơn khi sắc xanh không chỉ được duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch, mà còn kết phiên ở mức cao nhất ngày nhờ sức cầu mạnh mẽ.

Đóng cửa, với 84 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 1,61 điểm (+1,23%) lên 132,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 75,58 triệu đơn vị, giá trị 1032,17 tỷ đồng, tăng 10% về lượng và 33% về giá trị so với phiên 21/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 180 tỷ đồng.

Phiên tăng mạnh của HNX-Index hôm nay chủ yếu đến từ nhóm HNX30, trong đó nhiều mã tăng mạnh như PVS +4,7% lên 13.500 đồng, SHB +2,7% lên 15.400 đồng, ACB +1,4% lên 22.300 đồng… Các mã VCG, TVC, PVB, PVC cũng tăng từ 1,1-3%.

PVS khớp lệnh 15,63 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp theo là ACB với 8,8 triệu đơn vị và SHB với 6,05 triệu đơn vị.

NVB phiên này cũng tăng 2,3% lên 8.800 đồng, thanh khoản chỉ sau 3 mã trên với mức khớp 4,10 triệu đơn vị.

MST tăng trần lên 3.500 đồng (+9,4%), khớp lệnh 2,76 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UpCoM-Index giao dịch trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch. Mức giảm tuy nhẹ, nhưng sức bật của chỉ số này cũng hạn chế nên chủ yếu giao dịch lình xình.

Đóng cửa, với 106 mã tăng và 100 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,13%) xuống 60,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,76 triệu đơn vị, giá trị 456,13 tỷ đồng, tăng 17% về lượng và 11% về giá trị so với phiên 21/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,29 triệu đơn vị, giá trị hơn 90 tỷ đồng.

LPB tiếp tục thu hút dòng tiền, khớp lệnh tới 15,15 triệu đơn vị, chiếm hơn 1/3 tổng lượng khớp trên sàn này, nhưng kết phiên lùi về tham chiếu 10.700 đồng.

Hai mã có thanh khoản cao tiếp theo là BSR với 1,87 triệu và TLP với 1,02 triệu đơn vị. BSR giảm 1,4% về 6.800 đồng, còn TLP tăng 12,4% lên 10.000 đồng.

Tân binh PAS tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 17.300 đồng (+14,6%), khớp hơn 245.000 đơn vị.

Một số mã lớn khác như ACV, VGI, OIL, VIB… cũng giao dịch khởi sắc, hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều điểm, trong đó VN30F2010 đáo hạn ngày 15/10 tăng 0,24% lên 850 điểm, khớp lệnh nhiều nhất với hơn 134.879 đơn vị, khối lượng mở 25.012 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CSTB2004 có thanh khoản cao nhất với 1.575.560 đơn vị khớp lệnh và tăng tới 55,7% lên 2.180 đồng/CQ. Tiếp theo là CMBB2006 với 957.920 đơn vị khớp lệnh, tăng 2,87% lên 1.430 đồng/CQ.

Tin bài liên quan