Giao dịch chứng khoán chiều 22/8: Sắc đỏ ngập tràn, mốc 1.260 điểm vẫn không thủng

Giao dịch chứng khoán chiều 22/8: Sắc đỏ ngập tràn, mốc 1.260 điểm vẫn không thủng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, nhưng mốc 1.260 điểm vẫn được bảo toàn. Một số nhóm đi ngược xu hướng chung, là điểm nhấn của thị trường như bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ và bảo hiểm.

Tâm lý giao dịch mua bán thăm dò khiến phần lớn thời gian của phiên sáng thị trường lình xình quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng đã khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm.

Đà giảm tiếp tục được nới rộng hơn khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều do áp lực bán lan rộng. Số mã giảm điểm chiếm áp đảo với nhiều cổ phiếu lùi sâu hơn đã đẩy VN-Index về dưới mốc 1.260 điểm sau khoảng 30 phút mở cửa.

Thị trường bước vào xu hướng giảm đã được dự đoán từ tuần trước, khi chỉ số VN-Index tiệm cận ngưỡng cản mạnh 1.280 điểm và mốc 1.255 điểm đang đóng vai trò là vùng hỗ trợ khá tốt của thị trường. Ngay khi VN-Index bị đẩy về tiệm cận vùng giá này, lực cầu đã cải thiện với sự bật ngược đi lên của một số bluechip, hỗ trợ tốt giúp chỉ số chung hồi phục hơn 8 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Mặc dù về cuối phiên, áp lực bán lại dâng cao khiến VN-Index giật lùi nhưng chỉ số này đã bảo toàn thành công ngưỡng 1.260 điểm. Điều này cho thấy, thị trường vẫn trong pha điều chỉnh thông thường, tích lũy để có thể tiếp tục đi lên.

Điểm tích cực là lực bán có tăng nhưng lực cầu giá thấp luôn có sẵn khiến "cơ chế bán tháo" không bị kích hoạt. Tuy nhiên điểm trừ hiện tại cũng là dòng tiền khi thanh khoản đang có dấu hiệu giảm sút thời gian gần đây, khi thị trường ở vùng trũng thông tin khi mùa báo cáo bán niên đã đi qua thì dòng tiền sẽ đóng vai trò quyết định xu hướng tăng hay giảm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 8,75 điểm (-0,69%), xuống 1.260,43 điểm với 130 mã tăng và 326 mã giảm. Thanh khoản đi ngang so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 19/8, với tổng khối lượng giao dịch đạt 619,45 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.839 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 52,66 triệu đơn vị, giá trị 1.699 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế khi có tới 26 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, với HDB giảm mạnh nhất 3% xuống mức giá thấp nhất ngày 25.450 đồng/CP. Tuy nhiên, cổ phiếu tác động mạnh nhất tới thị trường là VIC giảm 2,8% và đóng cửa tại mức 66.000 đồng/CP.

Trái lại, cổ phiếu MWG vẫn đóng vai trò hỗ trợ tốt nhất cho thị trường khi kết phiên tăng 3,7% lên mức 66.500 đồng/CP, đáng chú ý là thanh khoản đột biến với gần 5,86 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ngoài MWG, các mã khác trong ngành bán lẻ cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực, như PET tăng 4,5% lên mức 39.700 đồng/CP, FRT tăng 2,8% lên 88.500 đồng/CP, DGW tăng 2,6% lên 72.200 đồng/CP, HAX tăng 1,3% lên 22.650 đồng/CP…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng lội ngược dòng thành công, với sự dẫn dắt của cổ phiếu đầu ngành BVH tăng 2,2%, còn lại MIG tăng 1,5%, PVI tăng 3%, VNR tăng 1,3%, cùng BMI, PGI, PTI xanh nhạt.

Trái lại, nhóm cổ phiếu còn lại trong ngành tài chính là ngân hàng và chứng khoán lại kém khả quan.

Ở nhóm chứng khoán, cặp đôi VND và SSI đều tìm về vùng giá thấp trong ngày khi giảm khoảng 2%, nhưng thanh khoản vẫn sôi động, lần lượt đạt 19,93 triệu đơn vị và 16,75 triệu đơn vị, thuộc top 5 trên thị trường. Các mã lớn khác như HCM giảm 1,6%, VCI giảm 2,4%...

Ngoại trừ một số mã ở top sau như HBS, PSI, ORS, VIX vẫn giữ được sắc xanh. Trong đó, VIX tăng 1,4% lên mức 14.850 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 11,43 triệu đơn vị, đứng thứ 8 về thanh khoản trên thị trường.

Ở nhóm ngân hàng, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với HDB giảm sâu nhất ngành. Ngoài ra, BID giảm 2,3%, VIB giảm 2,72%, OCB giảm 2,8%, các mã VCB, STB, TPB, MSB giảm hơn 1%...

Trong nhóm bất động sản, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, nhưng điểm sáng thuộc về các mã bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh BCM tăng kịch trần từ phiên sáng, các mã khác trong nhóm cũng đều kết phiên trong sắc xanh như KBC tăng 1,53%, LHG tăng 2,37%, PHR tăng 2,59%.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn thuộc về HAG. Dù không giữ được sắc tím nhưng HAG kết phiên vẫn tăng mạnh 6,4%, lên sát trần 12.400 đồng/CP, với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt xấp xỉ 31,27 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thanh khoản thứ 2 trên thị trường là HPG khớp 23,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đà giảm cũng thu hẹp về cuối phiên giúp HNX-Index gần như đi ngang so với thời điểm mở cửa phiên chiều.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,2 điểm (-1,08%), xuống 294,73 điểm với 60 mã tăng, trong khi có 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 102,8 triệu đơn vị, giá trị 2.074,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS nới rộng biên độ giảm so với thời điểm chốt phiên sáng. Đóng cửa, SHS giảm 7,5% xuống mức 13.600 đồng/CP, với thanh khoản đột biến lên tới hơn 35 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý như CEO cũng giật lùi khi giảm 6,7% xuống mức 32.000 đồng/CP và khớp 9,44 triệu đơn vị; PVS rung lắc và kết phiên giảm nhẹ 0,7% xuống 26.700 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 8,64 triệu đơn vị.

Trong khi đó, IDC cũng trong xu hướng chung của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp khi kết phiên tăng 1,9% lên mức 63.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,38 triệu đơn vị.

Cổ phiếu HUT đã lấy lại vùng giá 29.x. Đóng cửa, HUT tăng 2,83% lên mức 29.100 đồng/CP và khớp lệnh xấp xỉ 3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,6%), xuống 92,22 điểm với 103 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,16 triệu đơn vị, giá trị 579,41 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 5,98 triệu đơn vị được giao dịch thành công, nhưng lực bán gia tăng ở phiên chiều khiến mã này lùi sâu hơn. Kết phiên, BSR giảm 2,4% xuống mức giá 24.200 đồng/CP.

Cổ phiếu cùng ngành OIL vẫn giữ mức giá 13.000 đồng/CP, giảm 1,5% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,2 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý như C4G, VGT, VGI đều giảm trên 1-3%, với khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PXL vẫn giữ mức giá trần 11.300 đồng/CP, tăng 14,1% với khối lượng khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.

Một mã đáng chú ý khác là QNS tiếp tục nối dài chuỗi ngày tăng điểm. Kết phiên, QNS tăng 2,8% lên mức 47.500 đồng/CP và khớp 0,78 triệu đơn vị.

Chứng khoán phái sinh hôm nay đồng loạt giảm theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 9 giảm 10 điểm (-0,8%), xuống 1.271 điểm với 174.803 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 40.861 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, tuy nhiên, CHPG2201 dẫn đầu thanh khoản khi khớp hơn 2,94 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá tham chiếu 40 đồng/CQ. Tiếp theo đó là CMBB2201 khớp gần 1,63 triệu đơn vị và kết phiên cũng đứng giá tham chiếu 510 đồng/CQ.

Tin bài liên quan