Giao dịch chứng khoán chiều 21/6: Sóng lớn cổ phiếu vừa và nhỏ

Giao dịch chứng khoán chiều 21/6: Sóng lớn cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, hay sóng ngành mới như thép, mía đường... hầu hết đều hạ nhiệt, thì dòng tiền chảy mạnh đã tiếp sức cho nhiều mã vừa và nhỏ bật cao.

Không nằm ngoài dự đoán chung của thị trường khi nhóm VN30 vẫn đang trong nhịp điều chỉnh và thanh khoản chưa phục hồi lại mức cao khiến thị trường khó bật tăng mạnh. Chỉ số VN-Index đã biến động rung lắc và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 21/6.

Bước sang phiên giao dịch, áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường nới rộng biên độ giảm, chỉ số VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.370 điểm ngay khi mở cửa.

Mặc dù ngay sau đó thị trường đã bật ngược đi lên nhưng với diễn biến thiếu động lực từ nhóm cổ phiếu trụ cột khiến VN-Index chưa thể hồi phục. Chỉ số VN-Index đi ngang trên ngưỡng 1.370 điểm trong suốt hơn 1 giờ cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 173 mã tăng và 232 mã giảm, VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,37%) xuống 1.372,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 768 triệu đơn vị, giá trị 22.660 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 4,53% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,9triệu đơn vị, giá trị hơn 2.217 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đóng vai trò má phanh, giúp thị trường không giảm sâu là FPT tăng 2,1% lên mức 85.600 đồng/CP, PLX tăng 3,7% lên 58.600 đồng/CP, MSN tăng 2,1% lên 108.700 đồng/CP, MWG tăng 3,4% lên 145.800 đồng/CP, NVL có thời điểm được kéo sát trần và kết phiên tăng 5,8% lên 109.000 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vua chỉ có MBB và STB nhích nhẹ trên dưới 0,5%, còn lại hầu hết đều đỏ điểm, đáng kể như VCB giảm 1,8% xuống 106.600 đồng/CP, BID giảm 2,5% xuống 45.000 đồng/CP, CTG giảm 1,8% xuống 50.300 đồng/CP, HDB giảm 1,8% xuống 33.650 đồng/CP, TCB giảm 1,2% xuống 50.400 đồng/CP, LPB giảm 2,7% xuống 28.800 đồng/CP…

Ở nhóm chứng khoán, chỉ còn APG, VCI, VIX giữ được đà tăng, còn lại đều điều chỉnh như SSI giảm 3% xuống mức 49.000 đồng/CP, HCM giảm 1,8% xuống 43.800 đồng/CP, FTS giảm 2,6% xuống 37.500 đồng/CP…

Các nhóm khác như thép, mía đường cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau những phiên khởi sắc cuối tuần trước. Trong đó, ở nhóm mía đường, LSS để mất sắc tím sau 3 phiên tăng trần liên tiếp khi kết phiên giảm 4% xuống mức 12.150 đồng/CP, SLS và SBT giảm trên dưới 2,5%, BHS giảm 1,4% xuống 21.600 đồng/CP; còn ở nhóm thép có HPG, HSG, NKG, VGS đều quay đầu điều chỉnh.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác gia tăng gánh nặng cho thị trường như VNM giảm 1,6% xuống 90.600 đồng/CP, VRE giảm 2,2% xuống 31.800 đồng/CP, BVH giảm 2,1% xuống 59.700 đồng/CP…

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh cổ phiếu FLC dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 44,85 triệu đơn vị và may mắn thoát được sắc xanh mắt mèo nhờ lực cầu gia tăng mạnh khi kết phiên giảm 5% xuống mức 14.400 đồng/CP, nhiều mã khác đã bật tăng mạnh.

Điển hình là HNG đã nhanh chóng xác lập mức giá trần ngay khi mở cửa phiên chiều nhờ dòng tiền chảy mạnh. Kết phiên, HNG tăng 6,8% lên mức 11.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 44,66 triệu đơn vị.

Cổ phiếu DLG sau diễn biến rung lắc ở phiên sáng cũng tăng được kéo trần khi tăng 6,9% lên mức 3.860 đồng/CP và đứng ở vị trí thứ 4 về thanh khoản trên sàn HOSE, đạt 23,34 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Các mã khác như HQC, AAA, POW, HAG, TTF, ASM cũng nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều.

Cổ phiếu BCG sau nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần trước cũng đã lấy lại sắc xanh khi kết phiên đứng tại mức giá 14.200 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt hơn 3,4 triệu đơn vị. Được biết, ngày 24/6 tới đây Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10%, bao gồm 8% bằng tiền mặt và 2% bằng cổ phiếu.

Trên sàn HNX, gánh nặng từ nhóm cổ phiếu lớn khiến thị trường duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 74 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 2,49 điểm (-0,78%) xuống 316,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 136,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.980 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,54 triệu đơn vị, giá trị 220,7 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, cặp đôi LAS và NBC vẫn giữ được phong độ khi xác lập phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, các mã họ P cũng là những điểm sáng của nhóm dù mức tăng còn khá hạn chế với PVS, PVB và PVC tăng trên dưới 1,5%.

Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn là gánh nặng chính của thị trường, cụ thể như SHB giảm 2,2% xuống 26.900 đồng/CP, SHS giảm 3,5% xuống 40.800 đồng/CP, MBS giảm 3,1% xuống 28.600 đồng/CP, VND giảm 3,9% xuống 42.000 đồng/CP, BSI giảm 4,5% xuống 21.000 đồng/CP…

Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng giảm khá sâu như IDC giảm 2,1% xuống 38.100 đồng/CP, PAN giảm 2% xuống 28.800 đồng/CP, PVI giảm 3,8% xuống 40.200 đồng/CP, BAB giảm 1,9% xuống 26.200 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HUT tiếp tục tiến bước khi kết phiên tăng 4,7% lên 8.900 đồng/CP và là 1 trong 5 mã dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 6,96 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm có phần nới rộng hơn trong phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,56%) xuống 89,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 75,72 triệu đơn vị, giá trị 1.509 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,17 triệu đơn vị, giá trị 39,16 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí BSR và OIL vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường, trong đó BSR tăng 1,9% lên mức 21.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 17,88 triệu đơn vị và OIL tăng 5,4% lên 15.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã lớn giao dịch không mấy tích cực như VGI giảm 2,2% xuống 34.900 đồng/CP, QNS giảm 3,2% xuống 42.300 đồng/CP, VTP giảm 2,6% xuống 81.800 đồng/CP…

Các cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt mất điểm như BVB giảm 3,5% xuống 22.000 đồng/CP, SGB giảm 1,6% xuống 18.300 đồng/CP, ABB giảm 0,9% xuống 21.600 đồng/CP, NAB giảm 0,5% xuống 21.100 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, trong đó VN30F2107 đáo hạn sớm nhất vào ngày 15/7 đã giảm 10,9 điểm, tương ứng giảm 0,7% xuống mức 1.474,1 đơn vị và là mã giao dịch sôi động nhất, đạt 198.646 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CNVL2102 và CVNM2102 có khối lượng khớp lệnh cao nhất, trong đó CNVL2102 tăng 7,7% lên 3.200 đồng/CQ và khớp 51.700 đơn vị, còn CVNM2102 kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 410 đồng/CQ và khớp 48.570 đơn vị.

Tin bài liên quan