Mặc dù giao dịch có chút cải thiện sau phiên buồn tẻ hôm qua (ngày 20/4) khi thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất của 2 tháng, nhưng diễn biến chung của thị trường vẫn duy trì kịch bản lình xình. Chỉ số VN-Index đã rung lắc nhẹ và tạm dừng phiên giao dịch sáng điều chỉnh nhẹ dưới mốc 1.050 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng 30 phút mở cửa thăm dò, áp lực bán dần gia tăng trên diện rộng đã khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm.
Thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với sắc đỏ chiếm áp đảo, gần gấp đôi số mã tăng, trong đó nhóm bluechip là gánh nặng chính. Tuy nhiên, thị trường chưa xuất hiện áp lực bán tháo, trong khi lực cầu tham gia khá tích cực, cùng chỉ số VN-Index vẫn giữ được mốc 1.040 điểm, điều này giúp nhà đầu tư không quá bi quan vào xu hướng thị trường.
Đóng cửa, sàn HOSE có 128 mã tăng và 247 mã giảm, VN-Index giảm 6,34 điểm (-0,6%) xuống 1.042,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 553 triệu đơn vị, giá trị 9.674,79 tỷ đồng, tăng 47,98% về khối lượng và gần 46% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 40m6 triệu đơn vị, giá trị 836,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh, với điểm nhấn là cổ phiếu SSI tăng 2,6%, còn lại các mã PLX, TPB, VPB, VIC chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, có tới 23 mã mất điểm, với sự dẫn đầu của cặp đôi bất động sản là NVL và PDR lần lượt giảm 5,6% và 4%; ngoài ra một số mã lớn như MWG, MSN, VNM, VRE đều giảm hơn 1%. Trong đó, NVL có giao dịch sôi động nhất thị trường với 30,85 triệu đơn vị khớp lệnh.
Xét về nhóm ngành, hầu hết các nhóm ngành đều trong xu hướng chung mất điểm, chỉ còn 4 nhóm giữ được sắc xanh là dược phẩm, chứng khoán, bán buôn và sản xuất hàng gia dụng.
Trong đó, điểm sáng ngược dòng thị trường là nhóm cổ phiếu dược với cặp DHG và IMP đóng cửa tăng kịch trần, DCL tăng 3,34%, TNH tăng 5,7%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau tăng tốc trong phiên chiều. Cụ thể, ORS, AGR, VDS đều khoe sắc tím, CTS tăng 3,56%, HCM và VCI tăng 1%, SSI sau báo cáo tài chính quý I khả quan cũng ghi nhận mức tăng tốt, dẫn đầu nhóm VN30; VIX, VND và FTS đều tăng hơn 1%.
Nhóm mía đường tiếp đà tăng mạnh ở phiên sáng với sự góp mặt của SBT, LSS tăng kịch trần. Trong đó, SBT bất ngờ giao dịch sôi động với thanh khoản đạt xấp xỉ 10,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trái lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ, ngoại trừ VPB và TPB tăng nhẹ hơn 0,5%. Trong đó, các mã giảm cũng không quá lớn với VCB và BID giảm 0,9%; CTG, TCB, STB, MBB, SSB… giảm trên dưới 0,5%; các mã giảm sâu trong ngành là HDB, SHB giảm hơn 2%.
Trên sàn HNX, dù có chút rung lắc giữa phiên nhưng thị trường đã đảo chiều hồi phục sắc xanh.
Chốt phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,15%), lên 206,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 93 triệu đơn vị, giá trị 1.220,97 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,96 triệu đơn vị, giá trị 52,34 tỷ đồng.
Cũng trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu MBS và APS cũng có phiên tăng mạnh. Trong đó, MBS tăng 5,4% lên mức 17.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 7,98 triệu đơn vị; trong khi APS có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng 4,8% lên 13.100 đồng/CP với thanh khoản đạt 5,64 triệu đơn vị.
Thành viên khác của ngành là SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 26,89 triệu đơn vị, dù có chút rung lắc nhưng đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 10.200 đồng/CP. Ngoài ra, VIG tăng 5,2%, PSI tăng 4,8%, BVS tăng 3,2%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu mía đường với diễn biến khởi sắc của LAS khi có thời điểm kéo trần và đóng cửa tăng 8,1% lên sát trần, khối lượng khớp lệnh sôi động với 1,36 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi phần lớn mất điểm thì cổ phiếu NDN tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp cùng thanh khoản đột biến. Đóng cửa, NDN tăng 10% lên mức 8.800 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị, gấp 9 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây.
Trên UPCoM, thị trường cũng may mắn thoát hiểm cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,18%) lên 77,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,4 triệu đơn vị, giá trị 386,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 30,27 triệu đơn vị, giá trị 775,15 tỷ đồng, trong đó PGB thỏa thuận tới gần 26,75 triệu đơn vị, giá trị đạt 718,86 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SBS tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Cụ thể, kết phiên SBS tăng 1,7% lên 6.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 5,64 triệu đơn vị.
Điểm nhấn là cổ phiếu MSR, dù không giữ được sắc tím sau 2 phiên tăng trần nhưng kết phiên mã này vẫn tăng khá tốt với biên độ tăng 3,8% lên 13.800 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 2,08 triệu đơn vị, thuộc top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường.
Bên cạnh đó, thành viên nhóm cổ phiếu đường, QNS đóng cửa tăng 3,2% lên mức 42.500 đồng/CP, thanh khoản cũng cải thiện với gần nửa triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2304 đáo hạn hôm nay giảm 7 điểm, tương đương -0,7% xuống 1.040 điểm, khớp lệnh hơn 153.530 đơn vị, khối lượng mở gần 38.550 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CVHM2216 -4,8% xuống 200 đồng/cq và là mã thanh khoản cao nhất khi khớp 0,76 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó, CMWG2302 khớp hơn 0,66 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,1% xuống 310 đồng/cq.