Tiếp nối phiên đảo chiều ngoạn mục hôm qua, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng khi bước vào phiên sáng nay nhờ dòng tiền cả nội và ngoại chảy mạnh. Tuy nhiên, khi VN-Index đang ở vùng 1.010 điểm, lực bán đột ngột gia tăng cuối phiên khiến VN-Index cắm đầu đi xuống dưới mốc tham chiếu và bước vào giờ nghỉ trưa với sắc đỏ nhạt.
Dấu ấn trong phiên sáng là giao dịch bùng nổ tại DIG cả trong phiên khớp lệnh và thỏa thuận, đặc biệt là thỏa thuận với hơn 134 triệu đơn vị, giá trị 2.891 tỷ đồng, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 67,7 triệu đơn vị.
Sau “cú đánh” bất ngờ cuối phiên sáng khiến bên nắm giữ tiền không kịp trở tay, bước vào phiên chiều, lượng dư bán giá thấp còn lại ở phiên sáng đã nhanh chóng được hấp thụ hết khi dòng tiền tham lam nhanh chóng nhập cuộc để chớp cơ hội mua hàng giá thấp, giúp VN-Index bật thẳng đứng, xác lập mức đỉnh của ngày trên ngưỡng 1.015 điểm sau gần 1 tiếng giao dịch.
Dù VN-Index không giữ được mốc điểm này do lực chốt lời gia tăng nhẹ cuối phiên, nhưng thị trường vẫn ghi nhận phiên giao dịch tích cực cả điểm số và thanh khoản.
Chốt phiên, VN-Index tăng 5,45 điểm (+0,54%), lên 1.014,32 điểm với 234 mã tăng và 199 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 684,5 triệu đơn vị, giá trị 14.316,8 tỷ đồng, tăng 17,4% về khối lượng và 22,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, thanh khoản hôm nay đóng góp lớn với gần 200 triệu đơn vị, giá trị 4.643 tỷ đồng, trong đó riêng DIG đóng góp 160 triệu đơn vị, giá trị 3.441 tỷ đồng, tức có thêm khoảng 28 triệu đơn vị được thỏa thuận trong phiên chiều (tương đương giá trung bình khoảng 21.500 đồng/cổ phiếu, giảm 4,44% so với giá tham chiếu). Trong đó, khối ngoại bán ròng 69,3 triệu cổ phiếu DIG.
Cũng như phiên sáng, do khối ngoại bán ròng chủ yếu trong phiên thỏa thuận, nên không ảnh hưởng tiêu cực tới giá của DIG. Theo đó, trong phiên khớp lệnh, DIG vẫn neo ở mức giá trần 24.050 đồng với hơn 5,6 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị. Thanh khoản trong phiên chiều khiêm tốn do không có nhiều lệnh bán ra
Trong khi đó, nhiều mã bluechip cũng đã hồi phục trở lại nhờ lực dòng tiền giải ngân mạnh. Trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất, chỉ còn 4 mã giảm nhẹ là VNM, BID, CTG và HPG, còn VIC về tham chiếu. Trong khi đó, VHM nới rộng đà tăng 2,28% lên 85.200 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị; SAB tăng 1,71% lên 196.800 đồng; VCB cũng nới đà tăng 1,63% lên mức cao nhất ngày 93.500 đồng, khớp 0,75 triệu đơn vị. Ngoài ra, GAS và MSN có sắc xanh nhạt khi chốt phiên.
Không chỉ trong top 10, nhiều mã trong top 30 vốn hóa cũng đảo chiều tăng hoặc nới rộng đà tăng trở lại. Trong đó, ngoài VIB giữ sắc tím do không còn lệnh bán, ấn tượng nhất trong phiên chiều phải kể đến POW khi nhận dòng tiền lớn, kéo mã này lên mức trần 10.800 đồng, khớp 24,8 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau TCB.
TCB nới rộng đà tăng 2,45% lên 25.100 đồng, khớp 27,5 triệu đơn vị. MBB cũng tăng 2,4% lên 21.350 đồng, khớp 18 triệu đơn vị. VJC tăng 1,27% lên mức cao nhất ngày 119.500 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. Sắc xanh nhạt xuất hiện tại một số mã như GVR, VRE, PLX, FPT, BVH, EIB.
Trong khi đó, BCM lại nới rộng đà giảm 4,16% xuống 40.300 đồng; TPB giảm 2,01% xuống 17.200 đồng, khớp 4,2 triệu đơn vị; MWG giảm 1,72% xuống 114.000 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị. Các mã giảm nhẹ có NVL, HVN, HDB, VPB, STB, PNJ, trong đó STB giao dịch sôi động với hơn 21 triệu đơn vị.
Trong các mã nhỏ, ITA, HSG, TCH, HQC có giao dịch sôi động với trên dưới 10 triệu đơn vị, trong đó ITA, HQC tăng nhẹ, còn lại giảm.
Trên HNX, chỉ số chính của sàn này cũng được kéo tăng mạnh trở lại ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều và chỉ để rơi mất mức cao nhất của ngày trong ít phút cuối phiên do SHB chỉ còn giữ được mức tăng 1 bước giá.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,86 điểm (+1,25%), lên 150,8 điểm với 95 mã tăng và 63 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,8 triệu đơn vị, giá trị 1.008,6 tỷ đồng, giảm 19,3% về khối lượng và 27,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng 2,5 triệu đơn vị, giá trị 40,2 tỷ đồng.
SHB vẫn là mã thanh khoản nhất sàn với 9,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,58% lên 17.400 đồng. Các mã lớn khác cũng đồng loạt có sắc xanh như VCG tăng 0,48% lên 41.900 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị; VCS tăng 0,88% lên 80.300 đồng; đặc biệt là IDC trần lên 32.400 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị; THD và PHP cũng tăng tới hơn 9% lên 121.000 đồng và 15.700 đồng, nhưng thanh khoản thấp. Trong khi đó, PVS hãm đà giảm, chỉ còn giảm 1,34% xuống 14.700 đồng, khớp hơn 6,9 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, ấn tượng trong phiên chiều là TNG khi trở lại mức trần 15.000 đồng, khớp hơn 8 triệu đơn vị. SHS cũng duy trì đà tăng 2,07% lên 14.800 đồng, khớp 6,5 triệu đơn vị.
UPCoM cũng nới rộng đà tăng trong phiên chiều đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (+1,17%), lên 68,6 điểm với 150 mã tăng và 52 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,7 triệu đơn vị, giá trị 568 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,5 triệu đơn vị, giá trị 51,3 tỷ đồng.
Ngoài 4 mã phiên sáng là BSR, VGI, BVB và DVN, phiên chiều có thêm 4 mã gia nhập nhóm thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có duy nhất AAS đóng cửa trong sắc đỏ (giảm 1,59% xuống 6.200 đồng), còn lại đều đóng cửa tăng tốt.
Mã có thanh khoản nhất vẫn là BSR với hơn 2,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1 bước giá lên 7.200 đồng. Có 4 mã thanh khoản trên 1,5 triệu đơn vị và đều đóng cửa trong sắc xanh là BVB, VGI, DVN và G36. Trong đó, VGI tăng 5,82% lên 32.700 đồng, BVB tăng 2,56% lên 12.500 đồng, DVN tăng 4,08% lên 15.300 đồng, G36 tăng 4,07% lên 12.800 đồng. Trong khi đó, người anh em của VGI là CTR tăng 7,13% lên 58.500 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. C4G tăng 5,5% lên 9.600 đồng, khớp hơn 1,3 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác cũng tăng giá hôm nay là ACV, OIL, VEA, VGT, MCH, MML, VGG, VTP, LTG…
Trên thị trường phái sinh, trong khi VN30-Index tăng 0,37% lên 979,95 điểm, thì hợp đồng tương lai chỉ số này VN30F2012 đáo hạn ngày 17/12 lại giảm 0,13% xuống 979 điểm, với 99.864 hợp đồng được chuyển nhượng, mức khá thấp so với các phiên vừa qua. Khối lượng mở đạt 33.150 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng giảm khá cân bằng với 58 mã tăng và 55 mã giảm. Trong đó, CHPG2021 là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 1,08 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,63% xuống 5.560 đồng.