Sắc xanh chỉ kịp chớm nở khi mở cửa và nhanh chóng bị dập tắt do áp lực bán trên diện rộng quay trở lại khiến thị trường chìm trong biển đỏ. Mặc dù lực cầu tham gia khá tích cực giúp thanh khoản thị trường cải thiện, nhưng áp lực bán ngày càng gia tăng hơn về cuối phiên, đã khiến VN-Index không thoát khỏi đà giảm mạnh, về vùng giá 1.030 điểm khi tạm dừng phiên sáng nay.
Nếu trong phiên giao dịch sáng nay, điểm tích cực là dòng tiền tham gia cải thiện đã giúp thị trường thoát khỏi trạng nằm sàn ồ ạt, thì sang phiên giao dịch chiều, kịch bản này đã hoàn toàn bị dập tắt.
Áp lực bán tháo đột ngột diễn ra ồ ạt chỉ sau thời gian ngắn mở cửa phiên chiều đã khiến thị trường cắm đầu lao dốc. Hàng trăm mã lớn bé đua nhau nằm sàn, đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc 1.020 điểm khi bốc hơi hơn 40 điểm. Mặc dù thị trường bật hồi đôi chút về cuối phiên, nhưng VN-Index vẫn ghi nhận phiên giảm mạnh. Phiên lao dốc cuối tuần này gây ra nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư, càng khiến tâm lý thị trường xấu thêm.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 31 mã tăng và 453 mã giảm (145 mã giảm sàn), VN-Index giảm 38,63 điểm (-3,65%), xuống 1.019,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 742,1 triệu đơn vị, giá trị 14.616 tỷ đồng, tăng mạnh 86,32% về khối lượng và 74,16% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 99,89 triệu đơn vị, giá trị 3.019,22 tỷ đồng, trong đó riêng EIB thỏa thuận 44,42 triệu đơn vị, giá trị đạt hơn 1.722 tỷ đồng
Nhóm VN30 chỉ còn SAB ngược dòng thành công với mức tăng chưa tới 1%, cùng VJC có được mốc tham chiếu, còn lại đều mất điểm.
Trong đó, nhiều mã cũng không thoát khỏi nằm sàn như STB, CTG, SSI, TCB, GVR, MWG; hay giảm trên 5-6% như MSN, HPG, MBB, PLX, BVH, POW, FPT.
Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến tiêu cực của thị trường chung, tất cả các nhóm ngành đều mất điểm.
Trong nhóm chứng khoán, không chỉ những mã lớn như SSI, HCM, VCI, VND nằm sàn, nhiều mã khác như VIX, ORS, BSI, APG, CTS cũng đều đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo. Cặp đôi SSI và VND thuộc top 3 về thanh khoản với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 28 triệu đơn vị và 25,28 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần bớt tiêu cực hơn chứng khoán, với cặp VCB và BID chỉ giảm hơn 1,5%, nhiều mã khác như VPB, EIB, HDB, SSB, TPB, OCB chỉ giảm trên dưới 1-2%. Tuy nhiên, nhiều mã trong ngành cũng không tránh khỏi “cơn bão” của thị trường như CTG, TCB, STB nằm sàn, MBB giảm 6,12%, SHB và MSB đều giảm hơn 5,5%.
Ở nhóm cổ phiếu thép, cổ phiếu HPG tiếp tục gây ấn tượng với thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt 45,16 triệu đơn vị và cùng với áp lực bán của khối ngoại khi khối lượng bán ròng lên tới hơn 13,5 triệu đơn vị, cổ phiếu này cũng đóng cửa giảm mạnh -6,6% xuống mức giá thấp nhất ngày 16.900 đồng/CP.
Trong khi đó, các mã khác trong ngành như HSG, NKG, TLH đều đóng cửa giảm sàn.
Ở nhóm bất động sản, hàng loạt mã vừa và nhỏ cũng không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo như VCG, KBC, DXG, DPG, DIG, CII, DXS, FCN, LCG, BCG… Trong khi các mã vốn hóa lớn như VHM giảm 4,1%, VIC giảm 3,07%, NVL giảm nhẹ 0,13%.
Trên sàn HNX, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên chiều khi thị trường hứng chịu áp lực bán tháo trên diện rộng.
Đóng cửa, sàn HNX cũng có tới 167 mã giảm (43 mã giảm sàn), gấp tới gần 6 lần số mã tăng (chỉ 30 mã), HNX-Index giảm 8,47 điểm (-3,75%), xuống 217,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 88,61 triệu đơn vị, giá trị 1.343,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,83 triệu đơn vị, giá trị 19,73 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, trong nhóm HNX30 cũng chỉ có duy nhất 1 mã là DDG giữ đà tăng nhẹ 0,5%, còn lại hầu hết đều giảm mạnh hơn 6%. Kết phiên, chỉ số HNX30-Index giảm tới hơn 21 điểm về mốc 360 điểm.
Trong đó, nhiều mã đáng chú ý như HUT, CEO, SHS đều trong trạng thái dư bán sàn; các mã khác như PVS, IDC, TNG, PVC giảm trên 7%, với SHS dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt hơn 16,4 triệu đơn vị; tiếp theo là PVS khớp 15,25 triệu đơn vị.
Không chỉ SHS, nhiều mã chứng khoán khác cũng đóng cửa ở mức giá sàn như MBS, BVS, APS, ART, VIG.
Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu KLF vẫn đứng ở mức giá sàn 900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lớn thứ 3 trên thị trường, sau SHS và PVS, đạt 6,79 triệu đơn vị. Nhiều mã khác như IDJ, AMV, BII, MBG, MST, VGS, KVC, PVL… cũng nằm sàn.
Trên UPCoM, cũng trong xu hướng chung của thị trường, UPCoM-Index tiếp tục lùi sâu hơn.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,21 điểm (-2,74%) xuống 78,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,55 triệu đơn vị, giá trị 581,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,7 triệu đơn vị, giá trị 80,62 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn là mã giao dịch vượt trội trên thị trường khi có tới 12,78 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 7,8% xuống 19.000 đồng/CP.
Trong khi đó, PVX vẫn ngược dòng thành công và đóng cửa giữ mức giá 3.400 đồng/CP, tăng 3% với thanh khoản chỉ thua BSR, đạt xấp xỉ 4,8 triệu đơn vị.
Một mã nhỏ đáng chú ý khác là DPS cũng ngược dòng thành công khi đóng cửa kéo trần thành công với thanh khoản thuộc top 5, đạt 1,67 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,4 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, các mã giao dịch sôi động khác trên thị trường với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị như SBS, HVG, DCS, VHG, OIL, KSH, C4G, ABB, VGI đều giảm mạnh hơn 5%, thậm chí trên 10% như SBS và KSH.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm mạnh, trong đó, CV30F2211 đáo hạn gần nhất ngày 17/11/2022 giảm 52,2 điểm, tương đương -5% xuống 985 điểm, khớp lệnh hơn 417.810 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập, với CSTB2218 vẫn có khối lượng khớp lệnh cao nhất đạt 3,88 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống 90 đồng/cq.
Tiếp theo là CMBB2209 khớp gần 3,7 triệu đơn vị, đóng cửa cũng giảm 50% xuống 40 đồng/CQ.