Giao dịch chứng khoán chiều 2/10: Thị trường có biến lớn

Giao dịch chứng khoán chiều 2/10: Thị trường có biến lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau cú lao dốc mạnh đầu phiên, tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng ổn định và với sự hỗ trợ từ dòng tiền mạnh, các chỉ số dần thu hẹp biên độ, thậm chí HNX-Index lấy lại đà bật cao.

Thị trường đã có những dấu hiệu không mấy tích cực khi về gần cuối phiên sáng, áp lực bán xuất hiện khiến thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, với dòng tiền tham gia sôi động cùng sự khởi sắc của một số mã bluechip đã giúp thị trường may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán tháo bất ngờ xuất hiện ngay khi mở cửa khiến thị trường lao dốc. Đà giảm càng nới rộng hơn khi lực bán diễn ra khá mạnh và dứt khoát. Chỉ trong chưa đầy 10 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã để mất tới hơn 15 điểm và thủng mốc 900 điểm.

Tuy nhiên, ngay khi để mất ngưỡng kháng cự mạnh này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường bật ngược đi lên.

Vào thời điểm này, trên trang diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư lâu năm đã liên tục phản ánh rằng, thị trường không đặt được lệnh mua. Theo nhà đầu tư hungdaocao: “Lệnh vẫn khớp ầm ầm mà mua không được, bán không xong”.

Diễn biến trên thị trường, chỉ số VN-Index đã duy trì đà đi ngang dưới mốc 910 điểm cho đến hết phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 106 mã tăng và 294 mã giảm, VN-Index giảm 4,18 điểm (-0,46%), xuống 909,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 527,16 triệu đơn vị, giá trị 8.592,17 tỷ đồng, tăng 49,59% về khối lượng và hơn 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,86 triệu đơn vị, giá trị 464,57 tỷ đồng.

Trong khi các mã lớn như VHM, VNM, VCB, GAS, BID, TCB đều giảm sâu hơn, thì VIC lại đi ngược xu thế khi nới rộng biên độ tăng, lên mức giá cao nhất ngày 94.000 đồng/CP, tăng 1,62%.

Đáng chú ý, TCH cũng bất ngờ đảo chiều hồi phục với thanh khoản tăng vọt, dù phần lớn thời gian đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Kết phiên, TCH +0,7% lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua, tại 21.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh lên tới 21,92 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù giao dịch diễn ra vẫn khá sôi động, nhưng ngoại trừ CTG duy trì sắc xanh nhạt, còn lại đều mất điểm, trong đó STB -2,2% xuống mức 13.450 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất nhóm VN30, đạt hơn 23,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, bên cạnh OGC leo trần thành công, cổ phiếu FLC cũng đảo chiều hồi phục và có lúc khoác áo tím. Kết phiên, FLC +6,49% lên sát trần 3.610 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 30,65 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, HNX-Index cũng cắm đầu đi xuống ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều và hồi phục tích cực.

Đóng cửa, sàn HNX có 77 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,42%), lên 133,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.278 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,44 triệu đơn vị, giá trị 15,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB vẫn là điểm sáng khi giữ vững đà tăng tốt, kết phiên +2% lên 23.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất sàn HNX, đạt hơn 23,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng đảo chiều hồi phục như VCG, VCS, hay tăng tốt tại NTP và NVB với mức tăng hơn 2% cũng góp phần giúp thị trường giao dịch khởi sắc.

Trái lại, PVS -2,16% xuống mức 13.600 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 2 trên sàn HNX, chỉ sau ACB, đạt 10,94 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, sau màn lao mạnh đầu phiên, thị trường đã dần tiến về mốc tham chiếu.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,11%), xuống 62,35 điểm với 112 mã tăng và 116 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,36 triệu đơn vị, giá trị 593,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 11,7 triệu đơn vị, giá trị 119,33 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB đã hồi phục thành công và tăng nhẹ 0,8%, kết phiên tại mức giá 11.900 đồng/CP, đồng thời lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM, với 14,97 triệu đơn vị giao dịch.

Trong khi đó, PVX vẫn giữ mức giá 1.800 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản với 8,23 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lại đều kết phiên giảm điểm, trong đó, VN30F2010 giảm 0,63% xuống 861,5 điểm, khớp được hơn 132.040 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, 2 mã giao dịch tốt nhất là CHPG2017 và CVRE2007, lần lượt đạt 117.791 đơn vị và 115.920 đơn vị. Kết phiên, cả 2 mã cùng giảm, trong đó CHPG2017 giảm 2,7% lên 1.420 đồng/cq, còn CVRE2007 giảm 10,71% xuống 500 đồng/cq.

Tin bài liên quan