Trong phiên sáng, lực cung tiết chế, trong khi dòng tiền hoạt động có phần tích cực hơn sau phiên thoát hiểm chiều 19/7, giúp sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. VN-Index theo đó được kéo mạnh lên trên 1.196 điểm.
Đáng chú ý, các nhóm dẫn dắt là bank - chứng - thép sau các phiên điều chỉnh trước đó đã đồng loạt trở lại, nhóm bất động sản, dầu khí cũng trở lại mạnh mẽ, trong đó nhóm bất động sản xuất hiện những sắc tím, đặc biệt là tại HQC với phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 5.130 đồng/cổ phiếu sau thông tin phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, các mã tăng mạnh như cặp đôi HAG - HNG bị chốt lời quay đầu giảm, nhưng mức giảm không quá mạnh.
Bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền dù không quá mạnh, nhưng hoạt động tích cực hơn phiên trước giúp VN-Index nới đà tăng, vượt qua mức đỉnh của phiên sáng để lên thử thách ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm.
Tuy nhiên, dù cải thiện hơn, nhưng dòng tiền lớn chưa thật sự trở lại khiến VN-Index vừa mới chạm 1 chân tới ngưỡng 1.200 điểm đã bị đẩy lùi trở lại, xuống sát mốc 1.190 điểm trước khi kịp lấy lại được thăng bằng để duy trì đà tăng khá tốt.
Dù đóng cửa thấp hơn phiên sáng, nhưng VN-Index vẫn có lần đầu tiên sau gần 1 tháng rưỡi đóng cửa trên đường MA20 - vốn đang đi ngang và bắt đầu hướng lên sau thời gian dài giảm. Điểm tích cực nữa là dòng tiền đã hoạt động tích cực trở lại, giúp thị trường có phiên giao dịch sôi động nhất trong vòng 1 tháng.
Chốt phiên, VN-Index tăng 15,81 điểm (+1,34%), lên 1.194,14 điểm với 374 mã tăng, nhiều hơn 4 mã so với phiên sáng, trong đó số mã tăng trần nhiều hơn 10 mã, lên 25 mã trần, trong khi số mã giảm ít hơn phiên sáng 2 mã còn 87 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 648 triệu đơn vị, giá trị 14.167,7 tỷ đồng, tăng gần 22% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua và là phiên có thanh khoản tốt nhất kể từ 21/6/2022. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,9 triệu đơn vị, giá trị 1.226 tỷ đồng.
Trong các nhóm chủ chốt, ngoại trừ nhóm dầu khí hạ nhiệt, còn lại bank - chứng - thép vẫn duy trì được phong độ như phiên sáng, đặc biệt nhóm bất động sản, xây dựng có phiên giao dịch nổi bật chiều nay khi sắc tím nhiều thêm. Ngoài HQC, SCR, LDG, TDC, phiên chiều có thêm HBC, HDC cũng tăng kịch trần. Trong đó, HBC nổi lên mạnh mẽ trong phiên chiều, không chỉ lên mức giá kịch trần, mà còn là mã có giao dịch sôi động nhất nhóm với thanh khoản 12,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần. Tuy nhiên, HQC và SCR không có giao dịch sôi động như đầu phiên sáng chủ yếu do lực cung không còn nhiều, trong khi tiền vào chen lệnh mua trần lớn.
Tuy nhiên, mã lớn nhất là VIC lại vẫn duy trì đà giảm, với mức giảm 0,9% xuống 68.200 đồng, một trong những tác nhân chính khiến VN-Index thất bại khi test lại ngưỡng 1.200 điểm.
Ngoài ra, NVT sáng nay có mức tăng rất tốt đã đột ngột đảo chiều, đóng cửa ngày trong sắc đỏ, dù mức giảm không mạnh.
Nhóm ngân hàng vẫn giữ được sắc xanh trọn vẹn, nhưng TPB đã thay thế BID trở thành mã tăng mạnh nhất nhóm 4,8% lên 28.450 đồng. BID cùng với VIB, MSB tăng hơn 2%; HDB, CTG, LPB, SHB, VCB, ACB tăng từ hơn 1,5% đến gần 2%. SSB, cùng STB, VPB, EIB, TCB có mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ dưới 1%. Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 17,3 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán vẫn chỉ có 2 sắc tím được duy trì tại FTS và BSI. Các mã lớn như VCI, HCM, SSI, VND cũng có mức tăng khá tốt, trong đó VCI tăng 4,2% lên 39.600 đồng, HCM tăng 4% lên 26.000 đồng, SSI tăng 3,2% lên 21.300 đồng, VND tăng 2,4% lên 19.200 đồng. Về thanh khoản, VND và SSI vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và trong top 3 của thị trường với 23,7 triệu đơn vị và 22,3 triệu đơn vị.
Nhóm thép cũng duy trì sắc xanh, nhưng đà tăng không mạnh, mã đầu ngày HPG chỉ tăng nhẹ 0,9% lên 22.350 đồng, thanh khoản tốt nhất nhóm với 16,9 triệu đơn vị. Tăng mạnh nhất là HSG với 3,2% lên 18.000 đồng, tiếp đến là NKG 2,9% lên 19.250 đồng.
Trong khi nhóm bất động sản vừa và nhỏ nổi sóng, ngoại trừ các mã tăng trần, có thêm HAR, KHG, LGL, TIP, DXS, DXG tăng mạnh trên dưới 4%, nhiều mã khác tăng trên dưới 3%, thì cặp đôi HAG và HNG lại bị chốt lời ồ ạt và đồng loạt giảm sàn xuống 10.850 đồng và 6.520 đồng, trong đó HAG còn dư bán sàn.
Cổ phiếu HAG có chuỗi tăng bắt đầu từ ngày 1/7 từ vùng giá 8.300 đồng lên mức cao nhất 12.150 đồng phiên hôm qua (tương đương mức tăng 46%) trước khi bị chốt lời quay đầu giảm về 11.650 đồng. Trong phiên hôm nay, ngay từ đầu phiên sáng, HAG đã chịu áp lực chốt lời lớn, nhưng lực cầu vẫn tốt giúp mã này giảm không quá mạnh. Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, lực cung ồ ạt tung ra hấp thụ hết lượng dư mua, kéo HAG về mức sàn với thanh khoản tốt nhất thị trường 47 triệu đơn vị.
Tương tự, HNG cũng phát tín hiệu tăng từ 1/7, nhưng sau đó có nhịp điều chỉnh do áp lực chốt lời sớm T+3 của nhà đầu tư, nên nhỡ nhịp so với HAG và mức tăng trong cùng thời gian cũng khiêm tốn hơn chút ít là 40%. Tuy nhiên, cùng với HAG, HNG hôm nay cũng bị chốt lời mạnh, nhất là trong phiên chiều, kéo mã này cũng về mức kịch sàn, dù không còn dư bán sàn, thanh khoản 22,2 triệu đơn vị, đứng thứ 4 sau 2 mã chứng khoán.
Trong khi đó, sàn HNX chỉ giằng co nhẹ quanh mức đóng cửa phiên sáng và không có nhiều điểm nhấn trong phiên chiều.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 4,44 điểm (+1,56%), lên 288,87 điểm với 165 mã tăng, trong khi chỉ có 48 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,2 triệu đơn vị, giá trị 1.690,6 tỷ đồng, tăng 37,8% về khối lượng và 30,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị chỉ hơn 24 tỷ đồng.
SHS thay thể CEO trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 12,9 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn mức tăng 3,3% như phiên sáng, lên 15.500 đồng. CEO cũng tương tự khi duy trì mức tăng 8,3% lên 32.500 đồng, thanh khoản 10,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, AMV lại vươn lên có giao dịch sôi động trong phiên chiều, vượt qua HUT về thanh khoản với 6,93 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 8.500 đồng. Trong khi HUT thu hẹp đà tăng từ 6,4% khi đóng cửa chỉ còn tăng 5,3% lên 29.700 đồng, khớp 6,89 triệu đơn vị. PVS cũng thu hẹp đà tăng đáng kể theo nhóm dầu khí khi đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,8% lên 23.900 đồng, so với mức tăng 3,8% của phiên sáng, thanh khoản 6,8 triệu đơn vị.
UPCoM lại có chiều hướng tích cực hơn 2 sàn niêm yết trong phiên chiều khi giao dịch giằng co theo hướng đi lên và đóng cửa cao hơn phiên sáng với con số đóng cửa rất đẹp.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,99 điểm (+1,13%), lên 88,88 điểm với 219 mã tăng (21 mã trần), trong khi chỉ có 71 mã giảm (4 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,5 triệu đơn vị, giá trị 893,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,1 triệu đơn vị, giá trị 104,9 tỷ đồng.
BSR chỉ còn tăng 2,1% lên 24.700 đồng, thanh khoản tốt nhất sàn với 12,72 triệu đơn vị. Trong khi đó, mã có thanh khoản đứng thứ 2 là VHG nới đà tăng lên 5,1%, đóng cửa 4.100 đồng, khớp 3,53 triệu đơn vị. C4G vượt qua SBS trở thành mã có thanh khoản thứ 3 với 2,87 triệu đơn vị, so với 2,56 triệu đơn vị của SBS. Cả 2 đều đóng cửa giữ được đà tăng, trong đó C4G nới đà tăng thành tăng 4,4%, lên 11.900 đồng, còn SBS vẫn tăng 2,1% lên 9.600 đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, trong đó tăng mạnh nhất và mạnh hơn VN30-Index là hợp đồng giao tháng 9, còn lại đều có mức tăng thấp hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 13,92 điểm (+1,15%), lên 1.225,62 điểm với 28 mã tăng, 1 mã giảm và 1 mã đứng giá, còn hợp đồng giao tháng 7 là VN30F2207 tăng 13,1 điểm (+1,08%), lên 1.226,1 điểm với 189.503 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 33.018 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo với 2 mã tăng mạnh nhất đều do KIS phát hành là CHPG2206 tăng gấp đôi (100%) lên 40 đồng, thanh khoản 132.600 đơn vị và CMSN2201 tăng 55,6% lên 140 đồng, thanh khoản 115.600 đơn vị. Trong khi đó, CNVL2203 do VCSC phát hành giảm mạnh nhất khi mất 41,2% giá trị, xuống 200 đồng, thanh khoản 217.200 đơn vị.
Về thanh khoản, hôm nay có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã do KIS phát hành, 2 mã còn lại do VND và MBS phát hành. Hai mã thanh khoản tốt nhất đều là chứng quyền của HPG.