Sự thận trọng sau phiên biến động mạnh vào cuối tuần trước ngày 16/4 khiến thị trường giao dịch khá giằng co ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới ngày 19/4. Chỉ số VN-Index xoay vần quanh mốc 1.240 điểm trong hơn nửa đầu phiên và đã phá vỡ xu thế này trong khoảng 1 giờ trước khi tạm dừng phiên sáng nhờ tâm lý tích cực hơn.
Sự hưng phấn trong nửa cuối phiên sáng tiếp tục giữ nhiệt khi thị trường bước sang phiên giao dịch chiều. Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip đã lan tỏa thị trường giúp sắc xanh mở rộng và chỉ số VN-Index dễ dàng vượt mốc 1.250 điểm sau khoảng 45 phút giao dịch.
Đà tăng vẫn tiếp tục được nới rộng khi các nhóm cổ phiếu đua nhau tăng mạnh, đặc biệt là nhóm ngân hàng, bất động sản và cổ phiếu thép, giúp VN-Index tăng vọt hơn 20 điểm và lập đỉnh lịch sử mới tại ngưỡng 1.260 điểm.
Kết phiên, sàn HOSE có 297 mã tăng, hơn gấp đôi số mã giảm (126 mã), VN-Index tăng 21,87 (+1,77%), lên 1.260,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 817,13 triệu đơn vị, giá trị 19.804,62 tỷ đồng, giảm 17,1% về khối lượng và giảm 8,33% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.454 tỷ đồng.
Nhóm VN30 đồng loạt khởi sắc ngoại trừ một số mã vẫn chưa thể bứt qua được mốc tham chiếu như PLX, POW, SBT và VNM.
Trong đó, đáng chú ý là cặp đôi MSN và PDR đều kết phiên trong trạng thái dư mua trần cùng thanh khoản tích cực. Cụ thể, MSN tăng 7% lên mức 107.100 đồng/CP và khớp hơn 6,46 triệu đơn vị, còn PDR tăng 6,9% lên 75.900 đồng/CP và khớp hơn 5,36 triệu đơn vị.
Bên cạnh PDR, các mã bất động sản khác cũng có phiên khởi sắc như KDH tăng 5,4% lên 33.100 đồng/CP, VHM tăng 3,5% lên mức giá cao nhất ngày 104.500 đồng/CP, VIC cũng đã đảo chiều thành công và tăng nhẹ dưới 1%.
Dòng bank cũng đua nhau hồi phục và phần lớn đều kết phiên ở mức giá cao nhất ngày như VCB tăng 2,3% lên 98.500 đồng/CP, TCB tăng 2,8% lên 41.600 đồng/CP, BID tăng 2,4% lên 43.000 đồng/CP, ACB tăng 1,8% lên 33.700 đồng/CP, EIB tăng 3,4% lên 27.100 đồng/CP, HDB tăng 2,4% lên 27.300 đồng/CP, STB tăng 3,6% lên 22.900 đồng/CP, MBB, CTG đều tăng hơn 1%…
Nhóm cổ phiếu ngành thép tiếp tục nới rộng biên độ sau phiên sáng khởi sắc, trong đó HPG tiếp tục lập đỉnh mới khi tăng vọt 5,9% lên mức 57.800 đồng/CP cùng thanh khoản lên tới hơn 34,8 triệu đơn vị, HSG tăng 3,5% lên 32.600 đồng/CP, POM và VIS vẫn giữ nguyên mức giá trần, NKG tăng 5,9% lên mức 27.000 đồng/CP, TLH tăng 1,6% lên 16.400 đồng/CP.
Mặt khác, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trạng thái bán chốt lời diễn ra khá mạnh khiến nhiều mã quay đầu, đặc biệt là cặp đôi nhà FLC gồm ROS giảm 4,7% xuống mức 7.350 đồng/CP và khớp hơn 75 triệu đơn vị, còn FLC giảm 5,4% xuống 13.100 đồng/CP và khớp hơn 43 triệu đơn vị.
Nhiều mã khác như ITA giảm 6% về sát giá sàn 8.080 đồng/CP, HQC giảm hết biên độ xuống mức 4.640 đồng/CP và khớp 29,65 triệu đơn vị, dư bán sàn 8,73 triệu đơn vị, HAI, SJF cũng nằm sàn…
Tuy nhiên vẫn có một số mã lội ngược dòng thành công như TGG mặc dù trong suốt phiên sáng giảm sàn nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này lấy lại sắc tím khi tăng 6,9% lên mức 4.950 đồng/CP, TTF cũng đảo chiều tăng 4,9% lên mức 7.650 đồng/CP sau nhịp giảm sâu về mức giá sàn trong phiên sáng…
Trên sàn HNX, thị trường cũng bay cao trong phiên chiều giúp HNX-Index kết phiên ở mức cao nhất ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 101 mã tăng và 117 mã giảm, HNX-Index tăng 2,64 điểm (+0,9%), lên 295,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 151,33 triệu đơn vị, giá trị 2.626,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,41 triệu đơn vị, giá trị 170,44 tỷ đồng.
Dòng bank trên sàn HNX cũng giao dịch khởi sắc hơn với SHB tăng 3,9% lên mức cao nhất ngày 26.800 đồng/CP, NVB hồi phục sắc xanh khi tăng 0,6% lên 17.700 đồng/CP, BAB tăng 1,4% lên 28.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác tăng khá tốt như SLS vẫn giữ vững đà tăng trần và kết phiên tại mức giá 140.800 đồng/CP, SHS tăng 2% lên 30.600 đồng/CP, IDC tăng 1,4% lên 36.100 đồng/CP…
Trong đó, SHB vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với hơn 29,84 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Mặt khác, thành viên khác nhà FLC là KLF vẫn không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo khi để mất 8,7% xuống mức 6.300 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHB, đạt 19,4 triệu đơn vị. Còn ART giảm 8% xuống mức 10.300 đồng/CP và khớp 7,15 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, mặc dù bước vào phiên chiều vẫn giao dịch trong sắc đỏ nhưng sự khởi sắc ở sàn niêm yết đã lan tỏa giúp UPCoM-Index đảo chiều hồi phục.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,91 điểm (-1,1%), xuống 81,79 điểm với 146 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 127,18 triệu đơn vị, giá trị gần 1.174 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,17 triệu đơn vị, giá trị 279,71 tỷ đồng.
Cũng thuộc nhóm cổ phiếu ngành thép, TVN đã giao dịch tích cực khi tăng 9,5% lên mức 16.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 4,46 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã lớn nhóm dầu khí như BSR và OIL vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm tương ứng 1,2% xuống 16.300 đồng/CP và giảm 2,1% xuống 13.900 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, các mã VHG, KSH, PVV vẫn nằm sàn với khối lượng giao dịch thuộc top 5 mã dẫn đầu UPCoM, lần lượt đạt 6,29 triệu đơn vị, 2,88 triệu đơn vị và 2,64 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, phiên hôm nay cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó mã đáo hạn gần nhất là VN30F2105, đáo hạn ngày 20/5/2021 ghi nhận tăng 38,5 điểm (+3%), lên 1.312 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 185.665 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.150 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, 2 mã giao dịch sôi động nhất là CNVL2003 tăng 0,6% lên 4.650 đồng/CP với khối lượng khớp 286.800 đơn vị vàCSTB2007 tăng 7% lên 5.990 đồng/CP với khối lượng khớp 116.590 đơn vị