Giao dịch chứng khoán chiều 19/11: Lực cầu tốt cứu vãn thị trường

Giao dịch chứng khoán chiều 19/11: Lực cầu tốt cứu vãn thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng dù có lực mua tốt nhưng trong phiên chiều nay cũng chao đảo bởi lực bán mạnh lan toàn thị trường, một loạt mã tăng nóng trước đó đã chuyển trạng thái giá về mức sàn.

Trong phiên sáng nay, cổ phiếu nhỏ và vừa đã nhận thêm tín hiệu cảnh báo khi VN-Index tăng nhưng số mã giảm điểm vẫn chiếm chi phối. Nói là tiếp tục bởi trong nhịp tăng vượt đỉnh 1.420 điểm hơn 3 tuần qua, có tới 8/16 phiên lực bán chiếm ưu thế, thanh khoản tăng điểm số không tăng luôn là tín hiệu cảnh báo mạnh. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, mỗi phiên có cả trăm mã tăng trần trên HOSE, HNX, UpCom vẫn thu hút dòng tiền rất lớn vào nhóm này.

Câu chuyện gấp thếp tài khoản tạm dừng vào chiều nay, chiều 19/11.

Một cây nến giảm điểm rất dài, với tổng mức cao nhất và thấp nhất của VN-Index đã vượt trên 40 điểm. Nếu như trong phiên sáng, dòng ngân hàng chứng tỏ mình là trụ đỡ khá tốt với hầu hết các mã trong nhóm này có mức tăng tốt thì sang phiên chiều, nhóm ngân hàng dù tiếp tục hút dòng tiền đảo danh mục vẫn không đỡ nổi VN-Index rơi sâu.

Nếu nói ngược lại, thị trường chiều nay nếu không có nhóm ngân hàng thì mức giảm điểm của VN-Index còn có thể lớn hơn nữa bởi trên HOSE, có thời điểm số mã giảm chiếm tuyệt đối với hơn 415 mã, trong đó có gần 30 mã về mức giá sàn. Với nhiều mã thu hút đông nhà đầu tư trước đó như NLG, HAI, HAG, PVD, IJC,..

Đặc biệt một số mã có tác động lớn tới chỉ số cũng tham gia giảm điểm khá sâu như GAS có thời điểm về mức giá sàn, ngoài ra, HPG, VHM, GVR,... cũng giảm khá mạnh.

Thị trường không chịu tác động bởi các thông tin bên ngoài, biến động thuần túy do các nguyên nhân nội tại của thị trường mà chủ yếu là nhiều mã tăng nóng, đến lúc cần hạ nhiệt.

Lực bán mạnh khiến sàn HOSE hôm nay lập tiếp một kỷ lục mọi thời đại cả về giá trị khớp lệnh và khối lượng khớp lệnh, vượt trên phiên kỷ lục 3/11. Đồng thời khiến VN-Index xuyên thẳng ngưỡng hỗ trợ mạnh là đường trung bình giá 20 ngày (MA20) ở vùng 1.450 điểm.

Điều may mắn rằng, khi giảm qua ngưỡng trên lực cầu xuất hiện trở lại giúp VN-Index không có phiên phân phối kinh điển với 2 thuộc tính điểm số giảm sâu và thanh khoản tăng đột biến.

Mặc dù vậy, phiên chiều nay đã phát thêm một lời cảnh báo "có sức nặng" hơn các phiên trước dành cho các nhà đầu tư ưa thích các mã đầu cơ tăng nóng. Đó là, tăng nhanh cũng có thể giảm rất nhanh, thậm chí trong phiên, việc mua đuổi các mã nóng với mong muốn làm dầy tài khoản trong thời gian ngắn cũng tương ứng với mức rủi ro phải chấp nhận.

Phiên hôm nay chỉ là phiên rũ bỏ dành cho một số cổ phiếu tăng nhanh trước đó, còn về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng điểm khi đường MA20 chưa bị vi phạm, nhưng một số chỉ báo đang chuyển biến xấu như RSI, MACD đang cắt xuống. Điều này dự báo trong tuần tới, thị trường có thể sẽ có thêm những nhịp rung lắc mạnh.

Điểm tích cực là thanh khoản còn tốt và dòng tiền vẫn ở lại thị trường, ngoài ra nhóm mã trụ là ngân hàng hôm nay đã được tiếp thêm động lực cần thiết để có thể quay trở lại dẫn dắt chỉ số. Điểm tiêu cực vẫn là nhóm mã nhỏ và vừa, ngày hôm nay nhóm này với khoảng hơn 300 mã giảm điểm, rất có thể nhóm này sẽ có thêm một nhịp điều chỉnh nữa trong tuần tới.

Đóng cửa, sàn HOSE có 124 mã tăng (16 mã tăng trần) và 346 mã giảm (25 mã giảm sàn, VN-Index giảm 17,48 điểm (-1,19%), xuống 1.452,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.521,18 triệu đơn vị, giá trị 44.717,85 tỷ đồng, tăng 39,48% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên hôm qua.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là trợ lực chính cho thị trường. Trong đó, cổ phiếu HDB vẫn là điểm sáng của ngành khi ghi nhận mức tăng 6,9% và kết phiên tại mức giá trần 30.200 đồng/CP, cùng thanh khoản vượt trội, lên đến gần 20,85 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã tăng tốt khác như ACB tăng 2,92%, VPB tăng 2,26%, CTG tăng 2,02%, TCB tăng 1,55%, VIB tăng 3,1%, MSB tăng 3,3%... Ngoại trừ duy nhất BID điều chỉnh nhẹ khi để mất 0,22% xuống mức 44.400 đồng/CP.

Trái lại, mặc dù đã thoát được sắc xanh mắt mèo nhưng nhiều mã lớn vẫn giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Điển hình là các mã GAS giảm 6,9% xuống sát mức giá sàn 106.000 đồng/CP, GVR giảm 5,4% xuống 37.700 đồng/CP, BVH giảm 4,8% xuống 61.100 đồng/CP.

Ngoài GAS, các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí đều giảm khá mạnh như PLX giảm 2,6% xuống 59.400 đồng/CP, PVD giảm 6,9% xuống mức giá sàn 28.500 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục giật lùi, đáng kể HSG có thời điểm nằm sàn và kết phiên giảm 6,% xuống mức 37.500 đồng/CP, các mã khác như TKH, NKG, POM, SMC đều giảm trên dưới 5%, cổ phiếu lớn HPG giảm 3,9% về sát vùng giá thấp nhất ngày 48.000 đồng/CP với thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt hơn 48,47 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi sắc đỏ có phần áp đảo hơn, thậm chí nhiều mã lớn như VCI và VND có lúc lao dốc về mức giá sàn. Kết phiên, HCM, VND, VCI đều giảm hơn 3%, SSI giảm 1,1%, APG giảm sàn, VDS giảm về sát mức giá sàn.

Ở nhóm bất động sản – xây dựng, sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng. Đáng kể nhiều mã vừa và nhỏ tăng nóng như DXG, HBC, CII, IJC, DRH, KBC… đều giảm mạnh về sát mức giá sàn hoặc nằm sàn.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng rung lắc mạnh sau thời gian dài làm mưa làm gió trên thị trường. Cụ thể, khi lực bán ồ ạt dâng cao, hàng loạt mã vừa và nhỏ đua nhau giảm sàn nhưng nhờ dòng tiền tham gia tích cực đã giúp nhiều mã thu hẹp đà giảm dù biên độ vẫn lớn như TTF, HNG, FIT, HAI… Một số mã mã khác như HAG, LDG vẫn kết phiên nằm sàn.

Trên sàn HNX, áp lực bán ồ ạt cũng diễn ra trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số HNX-Index bốc hơi gần 15 điểm và về vùng giá thấp nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 38 mã tăng (8 mã tăng trần) và 131 mã giảm (5 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 14,75 điểm (-3,15%) xuống 453,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 250,86 triệu đơn vị, giá trị 6.379,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,99 triệu đơn vị, giá trị 71,17 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 có tới 15 mã giảm và chỉ còn 4 mã giao dịch trên mốc tham chiếu, trong đó CEO đã để mất sắc tím sau 9 phiên tăng trần liên tiếp và kết phiên đứng tại mức giá 31.500 đồng/CP, tăng 9,4%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn IDC cũng đóng vai trò là một má phanh cho thị trường khi vẫn duy trì đà tăng tốt với mức tăng 6,2% và kết phiên đứng tại mức giá 88.000 đồng/CP.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là NVB và BAB cũng là điểm sáng, góp phần tô điểm cho nhóm cổ phiếu ngân hàng khi kết phiên lần lượt tăng 1% và 4,5%, lên mức giá 29.400 đồng/CP và 23.400 đồng/CP.

Trái lại, là một trong những mã thuộc nhóm bất động sản và cũng thuộc top dẫn đầu vốn hóa thị trường trên HNX là THD đã cắm đầu đi xuống khi để mất tới 9,4%, xuống sát mức giá sàn 238.000 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm bất động sản, xây dựng giảm sâu như LHC giảm 9%, NDN giảm 7,8%, VC3 giảm 5,3%...

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán và dầu khí trên HNX cũng giảm sâu với các mã như BVS, MBS cùng giảm 5,6%, SHS có thời điểm giảm sàn và kết phiên để mất 3,9%, hay PVC giảm 7,7%, PVS giảm 5,4%, PVB giảm 3,4%...

Về thanh khoản, top 3 mã dẫn đầu gồm SHS khớp 18,5 triệu đơn vị, PVS khớp 18,32 triệu đơn vị và KLF khớp hơn 16 triệu đơn vị, đều kết phiên trong sắc đỏ.

Trên UPCoM, sau nhịp giảm mạnh vào giữa phiên, thị trường đã bật ngược đi lên, thu hẹp biên độ giảm.

Đóng cửa, với 73 mã tăng (55 mã tăng trần) và 109 mã giảm, UpCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,24%) xuống 113,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 317,21 triệu đơn vị, giá trị 4.800 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,72 triệu đơn vị, giá trị 141,89 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 32,11 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên giảm 7,7% xuống 21.700 đồng/CP. Thành viên khác trong nhóm dầu khí là OIL cũng giảm sâu khi để mất 5,2% xuống mức 16.500 đồng/CP và khớp 4,32 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM vẫn là điểm tựa chính của thị trường với sắc xanh phủ kín như PGB tăng 5,3%, SGB tăng 5,9%, KLB tăng 3%, VAB tăng 2,3%, BAB tăng 4,5%...

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, nhiều mã vẫn duy trì sức nóng như PVX, HVG, AVF, DPS, PVV, GTT, DIC… đều kết phiên tăng kịch trần. Trong đó, PVX khớp lệnh sôi động, chỉ thua BSR khi đạt xấp xỉ 20 triệu đơn vị; ngoài ra HVG khớp 13,42 triệu đơn vị, nhiều mã khác cũng giao dịch khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng phái sinh đều giảm nhẹ. Trong đó, VN30F2112 đáo hạn gần nhất vào ngày 16/12/2021, đã giảm 6,5 điểm (-0,4%) xuống mức 1.502,5 điểm, khớp lệnh gần 158.130 đơn vị, khối lượng mở gần 15.260 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áo đảo, trong đó CHPG2111 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 308.210 đơn vị và kết phiên giảm 15% xuống mức 1.190 đồng/CQ.

Tiếp theo đó là CSTB2110 khớp 175.980 đơn vị và kết phiên giảm 3,2% xuống 600 đồng/CQ.

Tin bài liên quan