Giao dịch chứng khoán chiều 19/2: Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index đứng vững

Giao dịch chứng khoán chiều 19/2: Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index đứng vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch chiều diễn ra khá chậm và thiếu kịch tính. Chỉ số VN-Index đi ngang dưới mốc tham chiếu trong gần suốt cả phiên và đóng cửa gần như không đổi nhờ có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng

Thị trường đã chứng kiến màn đảo chiều lội ngược dòng khá kịch tính trong nửa đầu phiên sáng nay khi chỉ số VN-Index biến động hơn 20 điểm chỉ trong chưa đầy 1 giờ giao dịch, từ lúc bảng điện tử chìm trong biển đỏ đã chuyển sang trạng thái cân bằng và sắc xanh dần chiếm ưu thế hơn.

Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá lớn, cùng diễn biến điều chỉnh của phần lớn các cổ phiếu bluechip khiến đà tăng kém bền vững và VN-Index đã đảo chiều điều chỉnh nhẹ khi tạm dừng phiên sáng.

Với diễn biến dòng tiền chảy mạnh trong phiên sáng giúp thị trường không giảm sâu lại khiến nhà đầu tư lo ngại về “căn bệnh cũ” của hệ thống giao dịch nhiều khả năng sẽ tái phát. Và hiện thực đã xẩy ra.

Chỉ số VN-Index lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt phiên chiều và đóng cửa gần như không đổi "nhờ" tắc đường, cùng với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trên các diễn đàn chứng khoán, hàng loạt nhà đầu tư tiếp tục bức xúc về tình trạng tắc đường. Thậm chí, tại thời điểm 14h, một nhà đầu tư lâu năm đã cho rằng, thị trường lại chuẩn bị trạng thái full tiền.

Chốt phiên, với 203 mã tăng và 230 mã giảm, VN-Index giảm 0,88 điểm (-0,07%), xuống 1.173,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 578,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.745 tỷ đồng, giảm 5,94% về khối lượng và 2,55% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.217 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò là trụ đỡ chính giúp thị trường không giảm sâu. Bên cạnh các mã trong nhóm VN30 giữ sắc xanh đều thuộc dòng bank như BID, CTG, MBB, STB, HDB, nhiều thành viên khác trong nhóm cũng đã kết phiên tăng điểm như LPB, VIC, đáng kể là ACB tăng 6,7% lên sát mức giá trần 31.100 đồng/CP.

Đây cũng là nhóm có sức hút mạnh trên thị trường, với ACB không chỉ đột biến về giá mà thanh khoản cũng xác lập con số cao nhất kể từ ngày chào sàn HOSE với hơn 31,18 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi MBB và STB có khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 30 triệu đơn vị và 22,59 triệu đơn vị. Các mã khác như TCB, LPB, CTG cũng có khối lượng khớp trên 10 triệu đơn vị.

Ngoại trừ điểm sáng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong nhóm VN30 hầu hết các mã lớn khác vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ nhưng với biên độ giảm khá hẹp như VHM, VIC, VNM, VRE, HPG, BVH… cũng phần nào giúp thị trường không rơi mạnh.

Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí chịu áp lực chốt lời và quay đầu điều chỉnh sau đợt sóng tăng vừa qua. Điển hình là PVD giảm 3,2% xuống 22.650 đồng/CP và khớp gần 19,5 triệu đơn vị; hay GAS giảm 1,3% xuống 88.900 đồng/CP, PVT giảm 2,8% xuống 17.400 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý như LGC có phiên biến động mạnh nhất. Sau khi mở cửa tại mức giá sàn, cổ phiếu LGC đã nhanh chóng tăng phi mã lên thẳng mức giá trần và tiếp tục xác lập đỉnh cao mới tại mức giá 79.900 đồng/CP. Tuy nhiên, thanh khoản trong phiên vẫn nhỏ giọt với chỉ 400 cổ phiếu được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, cổ phiếu TDP cũng có phiên ngược sóng khi xác lập mức giá trần với mức tăng 6,7% lên mức giá 27.200 đồng/CP cùng thanh khoản tăng so với nhiều phiên trước đó, đạt 161.200 đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù trong gần suốt cả phiên chiều HNX-Index đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, nhưng dòng tiền chảy mạnh cùng lực đỡ từ một số bluechip đã giúp chỉ số này đảo chiều thành công.

Đóng cửa, sàn HNX có 99 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,1%), lên 231,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 101,84 triệu đơn vị, giá trị 1.772 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,36 triệu đơn vị, giá trị 48,48 tỷ đồng.

Một số mã hỗ trợ giúp thị trường đảo chiều hồi phục thành công như NTP tăng 1,4% lên 36.500 đồng/CP, CEO tăng 4,7% lên 11.200 đồng/CP, CDN tăng 3,1% lên 33.000 đồng/CP, SHB tăng nhẹ…

Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí vẫn khá tiêu cực khi phần lớn đều nới rộng biên độ giảm như PVS giảm 3,2% xuống 21.100 đồng/CP, PVB giảm 4,1% xuống 18.700 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp 21,63 triệu đơn vị, PVS khớp 14,95 triệu đơn vị, IDC khớp 6,88 triệu đơn vị, NVB khớp hơn 6 triệu đơn vị và CEO khớp 5,26 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà tăng được duy trì ổn định trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,78 điểm (+1,03%), xuống 76,13 điểm với 183 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77 triệu đơn vị, giá trị 879 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,72 triệu đơn vị, giá trị 44,92 tỷ đồng.

Các mã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như VGT tăng 5,6% lên 18.900 đồng/CP, MWB tăng 3,9% lên 21.300 đồng/CP, VGI tăng 1,2% lên 41.100 đồng/CP, SIP tăng 4,1% lên 214.000 đồng/CP, ACV và MML cùng tăng nhẹ…

Trong khi đó, BSR vẫn duy trì mức giảm 3,2% xuống 12.100 đồng/CP và là mã có thanh khoản tốt nhất, đạt hơn 17,6 triệu đơn vị. Đứng ở vị trí thứ 2 là PVX khớp 10,25 triệu đơn vị, còn lại các mã chỉ khớp đến hơn 2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tăng và 1 hợp đồng giảm, trong đó hợp đồng VN30F2103 có ngày đáo hạn gần nhất vào ngày 18/3/2021 kết phiên giảm 0,4% xuống 1.178 điểm, khối lượng khớp lệnh cao nhất đạt 168.285 đơn vị, khối lượng mở hơn 28.680 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVRE2102 hôm nay khớp lệnh cao nhất với hơn 1,8 triệu đơn vị, kết phiên giảm 10,7% xuống 2.580 đồng/cq. Tiếp theo là CPNJ2101 khớp 1,19 triệu đơn vị và kết phiên giảm 2,9% xuống 2.000 đồng/CQ.

Tin bài liên quan