Giao dịch chứng khoán chiều 18/6: VN-Index phá đỉnh, sóng mới bắt đầu

Giao dịch chứng khoán chiều 18/6: VN-Index phá đỉnh, sóng mới bắt đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền chảy mạnh với sự trở lại của dòng bank và nhóm cổ phiếu ngành thép đã dẫn dắt thị trường tăng mạnh, chỉ số VN-Index tăng vọt gần 18 điểm và xác lập đỉnh đóng cửa lịch sử mới.

Mặc dù sự thận trọng sau những phiên liên tiếp giảm điểm khiến dòng bank chưa thể bứt phá mạnh, nhưng với sắc xanh ngập tràn của nhóm cổ phiếu vua cùng các nhóm ngành khác như thép, mía đường, phân bón…, đã giúp thị trường khép lại phiên giao dịch sáng cuối tuần với niềm tin hy vọng VN-Index sẽ sớm vượt đỉnh cũ tại mốc 1.374 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường đã không phụ lòng nhà đầu tư khi đà tăng tiếp tục được nới rộng giúp VN-Index nhanh chóng chạm mốc 1.375 điểm chỉ sau vài phút mở cửa.

Dù có chút rung lắc nhẹ tại vùng đỉnh nhưng với trụ đỡ chính là cặp song mã VHM và VCB, đã giúp VN-Index nới rộng biên độ với mức tăng gần 18 điểm và xác lập vùng đỉnh mới ở ngưỡng 1.377 điểm, đây cũng là mức giá cao nhất trong phiên của chỉ số này.

Mặc dù đã vượt đỉnh cũ, tuy nhiên mức vượt chưa cao, đặc biệt là nhóm dẫn dắt thị trường VN30 vẫn có chỉ số VN30-Index chưa bứt phá, cộng với khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, là những chỉ báo chưa thực sự lạc quan hoàn toàn cho tuần tới.

Như đã đề cập trong bản tin sáng, phiên hôm nay khá trùng khớp với nhịp hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng, giúp cộng hưởng chung cho thị trường vượt đỉnh. Tuy nhiên, nếu nhóm này, vốn ảnh hưởng lớn tới chỉ số, sang tuần quay trở lại xu hướng giảm điểm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chung của thị trường.

Ngoài ra, các nhà đầu tư trong tuần tới cũng cần lưu tâm thêm về diễn biến thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ khi Dow Jones liên tiếp có những phiên giảm điểm khá mạnh. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng điều thú vị, thậm chí kỳ lạ là điều này đôi khi lại quyết định tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư trong nước!

Chốt phiên, sàn HOSE có 249 mã tăng và 138 mã giảm, VN-Index tăng 17,85 điểm (+1,31%), lên 1.377,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 809 triệu đơn vị, giá trị gần 23.735 tỷ đồng, cùng tăng hơn 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 58,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.820 tỷ đồng.

Trong khi các cổ phiếu ngân hàng đều rục rịch tăng nhẹ sau những phiên mất điểm gần đây, thì cổ phiếu lớn của ngành là VCB lại bất ngờ có phiên giao dịch bùng nổ. Kết phiên, VCB tăng 4,1% lên mức 108.500 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 3,23 triệu đơn vị.

Bên cạnh VCB, cổ phiếu lớn VHM cũng góp công lớn trong việc kéo thị trường lên cao khi đóng cửa tăng 3,2% lên mức 112.500 đồng/CP và đã có thời điểm mã này được kéo sát trần.

Không chỉ dừng lại ở dòng bank, phiên hôm nay nhà đầu tư đã chứng kiến nhóm cổ phiếu ngành thép cũng nhen nhóm tạo sóng. Sau nhịp hồi tích cực trong phiên sáng, các cổ phiếu thép đã đua nhau nới rộng biên độ tăng, trong đó TLH và SMC cùng kết phiên trong sắc tím, NKG tăng 5,2% lên 33.250 đồng/CP, POM tăng 4,4% lên 16.600 đồng/CP, HSG tăng 2,9% lên 43.000 đồng/CP, HPG tăng 1,4% lên 52.100 đồng/CP.

Trái lại, sau những phiên tăng khá mạnh, nhóm cổ phiếu dầu khí đã đồng loạt quay đầu, trong đó GAS giảm 1,3% xuống 92.700 đồng/CP, PLX giảm 0,4% xuống 56.500 đồng/CP, PVD giảm 1,9% xuống 23.150 đồng/CP.

Ngoài cặp đôi lớn cổ phiếu dầu khí, trong nhóm VN30 còn có vài mã cũng đi ngược xu hướng chung của thị trường, đáng kể là BVH giảm 1,6% xuống 61.000 đồng/CP.

Không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu lớn, dòng tiền cũng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp nhiều mã giao dịch khởi sắc. Đáng chú ý là FLC đảo chiều hồi phục tích cực khi tăng 3,1% lên 15.150 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt xấp xỉ 53 triệu đơn vị; FIT tăng 2% lên 15.300 đồng/CP và khớp hơn 30 triệu đơn vị…

Một số mã đáng chú ý như TCH đã tăng mạnh 5,9% lên mức 23.500 đồng/CP và có thời điểm tăng kịch trần cùng thanh khoản tăng vọt so với khoảng 2-3 tháng gần đây, đạt gần 16,9 triệu đơn vị.

Người anh em HHS cũng bất ngờ tăng 6,9% lên mức giá trần 7.440 đồng/CP với khối lượng khớp 11,12 triệu đơn vị và dư mua trần gần 2 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BCG có chút hạ nhiệt sau 2 phiên tăng khá mạnh và đóng cửa tại mức giá 14.100 đồng/CP nhưng thanh khoản vẫn lớn với hơn 1,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường thiếu động lực bứt phá, chỉ số HNX-Index đi ngang dưới vùng giá 320 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 109 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,52%), lên 318,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 134,89 triệu đơn vị, giá trị 2.865,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,62 triệu đơn vị, giá trị 167,93 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng trên HNX cũng đã hồi phục nhưng chưa thể bứt phá với SHB và BAB tăng nhẹ trên dưới 1%, NVB đứng giá tham chiếu. Trong đó, SHB vẫn dẫn đầu về thanh khoản với gần 16,67 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như THD, SHS, MBS… vẫn giữ được sắc xanh.

Ở nhóm cổ phiếu thép có VGS duy trì đà tăng mạnh 6,9% lên 20.200 đồng/CP, hay các nhóm ngành khác như phân bón với điểm sáng là LAS và PSW tăng kịch trần, PCE, PMB, DPM đều tăng hơn 5%...

Trong khi đó, nhóm chứng khoán nhiều mã như VND, ART, BSI, TVB… hay dầu khí như PVS, PVB, PLC đều đảo chiều giảm.

Trên UPCoM, đà tăng được nới rộng hơn trong phiên chiều giúp UPCoM-Index tiếp cận lại vùng giá 90.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,74%), lên 90,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 129,57 triệu đơn vị, giá trị 1.754,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 36,36 triệu đơn vị, giá trị 580,76 tỷ đồng, trong đó SGB thỏa thuận hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 468,78 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn VGT đã nhanh chóng được kéo trần sau phiên khởi sắc sáng nay. Kết phiên, VGT tăng 14,9% lên mức giá 20.100 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, dẫn đầu thị trường với 20,75 triệu đơn vị được giao dịch thành công và dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã lớn khác giao dịch tích cực như VGI tăng 4,4% lên 35.700 đồng/CP, MSR tăng 1,4% lên 21.600 đồng/CP, VTP tăng 2,7% lên 83.000 đồng/CP…

Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí BSR vẫn giữ mức giá 21.000 đồng/CP, giảm 0,5% với khối lượng giao dịch đạt 17,24 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2107 đáo hạn sớm nhất vào ngày 15/7 đã tăng 18 điểm, tương ứng tăng 1,2% lên mức 1.485 đơn vị và là mã giao dịch sôi động nhất, đạt 211.415 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVHM2102 và CREE2101 có khối lượng khớp lệnh cao nhất, đều hơn 40.000 đơn vị/mỗi mã, với CVHM2102 tăng 2,4% lên 2.560 đồng/CQ, còn CREE2101 kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 2.800 đồng/CQ.

Tin bài liên quan