Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khá lớn từ những yếu tố bên ngoài. Sau phiên đảo chiều hồi phục hôm qua ngày 16/6, chứng khoán Việt Nam đã đồng loạt lao dốc mạnh hòa cùng bối cảnh giới đầu tư trên toàn thế giới đang tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 17/6, áp lực bán mạnh cũng diễn ra trên diện rộng khiến thị trường trong nước chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index đã có những nhịp giảm sâu về dưới mốc 1.200 điểm nhưng may mắn thoát hiểm nhờ lực cầu tích cực.
Bước sang phiên giao dịch chiều, ngưỡng 1.200 điểm tiếp tục bị đe dọa ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Tuy nhiên, ngay khi thủng vùng giá này, lực cầu gia tăng đã giúp VN-Index bật ngược đi lên và đã hồi hơn 20 điểm trước khi lùi nhẹ khi bước vào đợt khớp lệnh ATC. Điều này có thể tạm yên tâm về ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm của thị trường.
Chốt phiên, sàn HOSE có 87 mã tăng và 391 mã giảm (89 mã giảm sàn), VN-Index giảm 19,33 điểm (-1,56%) xuống 1.217,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 738,58 triệu đơn vị, giá trị 17.333,71 tỷ đồng, tăng 31,49% về khối lượng và 17,52% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 54,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.696 tỷ đồng.
Thị trường bật hồi khá tốt về cuối phiên chính là nhờ công lớn của cặp đôi bluechip là MSN và GAS. Với lực cầu tăng mạnh, cặp đôi MSN và GAS đều kết phiên tại mức giá cao nhất trong ngày, lần lượt tăng 5,7% lên 117.000 đồng/CP và tăng 4,7% lên 134.000 đồng/CP.
Ngoài cặp đôi lớn trên, một số mã khởi sắc khác như POW, VRE, PNJ, cùng 3 mã lớn FPT, VHM, VIC lấy lại mốc tham chiếu.
Trái lại, các cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ VN30 vẫn là những tên tuổi thuộc dòng bank và chứng khoán với cặp đôi SSI và MBB giảm sâu nhất, trong đó SSI kết phiên tại mức giá sàn, còn MBB giảm 6,4%. Cả 2 mã SSI và MBB đều khớp lệnh hơn 20,93 triệu đơn vị, đứng trong top 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường, trong đó SSI dư bán sàn hơn 1,83 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán vẫn diễn biến tiêu cực với phân nửa số mã nằm sàn như SSI, VND, FTS, CTS, BSI, AGR, APG, VIX…
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, EIB vẫn đi ngược xu hướng thành công khi kết phiên tăng 2,45%, còn lại đều giảm khá mạnh, trong đó VIB và MSB nằm sàn, MBB giảm hơn 6,4%, các mã khác VCB, TCB, CTG, BID… đều giảm trên 2%.
Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG bớt tiêu cực hơn so với phiên sáng khi kết phiên chỉ còn giảm 1,1%, đứng tại mức giá 23.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường, đạt 30,24 triệu đơn vị.
Trái với đà giảm của các nhóm cổ phiếu trụ cột, nhóm cổ phiếu tiện ích vẫn đi ngược xu hướng và là nhóm ngành tăng tốt nhất thị trường. Bên cạnh GEG tăng kịch trần, GAS tăng 4,69%, POW tăng 4,55%, VSH tăng 4,75%, NT2 tăng 2,5%... Trong đó, POW là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 37,95 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà giảm mạnh.
Chốt phiên, sàn HNX có 34 mã tăng và 201 mã giảm (50 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 7,71 điểm (-2,68%) xuống 280,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 80,54 triệu đơn vị, giá trị 1.621,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,64 triệu đơn vị, giá trị 204,83 tỷ đồng.
Cổ phiếu THD không còn giữ được phong độ như phiên sáng và đóng cửa tại mức giá 54.000 đồng/CP, tăng 6,7%.
Trong khi đó, điểm sáng là cổ phiếu TNG có màn đảo chiều khá ngoạn mục. Đóng cửa, TNG tăng 6,6% lên mức 32.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt hơn 6,18 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, nhóm HNX30 vẫn đóng vai trò là lực cản chính của thị trường khi kết phiên giảm tới gần 16 điểm với sự ghi nhận 24 mã giảm điểm. Trong đó, L14, MBS, CEO, L18, NDN kết phiên giảm sàn; SHS giảm 8,3% xuống mức giá thấp nhất ngày 13.300 đồng/CP, HUT giảm 6,6% xuống 24.100 đồng/CP…
Cổ phiếu PVS mặc dù có thời điểm le lói sắc xanh nhưng áp lực bán vẫn chiếm ưu thế khiến cổ phiếu này dừng chân dưới mốc tham chiếu. Kết phiên, PVS giảm nhẹ 0,7% xuống 30.400 đồng/CP và vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất, đạt 11,52 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý là VKC lội ngược dòng thành công và kết phiên tại mức giá trần 3.600 đồng/CP.
Trên UPCoM, số mã giảm điểm chiếm chủ đạo, gấp gần 3 lần số mã tăng và chỉ số UPCoM-Index cũng không thoát khỏi phiên giảm sâu.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,15 điểm (-2,41%) xuống 87,1 điểm với 105 mã tăng và 309 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 71,58 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.169 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,82 triệu đơn vị, giá trị 95,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR mặc dù chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ nhưng lực cầu tăng mạnh trong phiên chiều đã giúp mã này lấy lại đà khởi sắc và ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Đóng cửa, BSR tăng 1,2% lên 32.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt xấp xỉ 20 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là bộ 3 cổ phiếu nhỏ VHG, PVX và HVG cùng khớp hơn 3 triệu đơn vị và đều đóng cửa trong trạng thái dư bán sàn.
Cổ phiếu C4G dù thoát sắc xanh mắt mèo nhưng kết phiên vẫn giảm tới 14% xuống sát giá sàn 11.100 đồng/CP và khớp hơn 3,17 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giảm, trong đó, VN30F2206 đáo hạn hôm nay đã giảm 14,3 điểm (-1,1%) xuống 1.245,2 điểm, khớp lệnh hơn 455.230 đơn vị, khối lượng mở gần 25.900 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng mã CTCB2112 giao dịch sôi động nhất với hơn 2,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 100% lên 20 đồng/cq.