Đà hồi phục khá mong manh khi tâm lý chung của thị trường là thận trọng đã khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu và tạm dừng phiên giao dịch sáng trong xu hướng giảm nhẹ.
Trong đó, trạng thái chung của thị trường là phân hóa ở nhóm cổ phiếu bluechip và hầu hết các nhóm ngành trong biên độ khá hẹp. Đồng thời, thanh khoản thị trường tiếp tục giật lùi với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, giao dịch trở nên sôi động hơn, nhưng lại có sự phân hóa giữa các mã lớn khiến VN-Index chỉ diễn biến lình xình biên độ hẹp. Dù có những thời điểm chỉ số này đảo chiều thành công nhưng chốt phiên VN-Index giữ được sắc xanh.
Thị trường đã kết phiên cuối tuần giảm nhẹ với số mã tăng giảm khá cân bằng và điểm tích cực nhất chính là thanh khoản cải thiện khá tốt khi lấy lại mức 10.000 tỷ đồng, phần nào nhờ sự đóng góp sôi động của khối ngoại bởi đây là ngày các quỹ ETF cơ cấu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 187 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index giảm 2,26 điểm (-0,22%), xuống 1.045,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 564,93 triệu đơn vị, giá trị 10.289,42 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và 9,46% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 73,1 triệu đơn vị, giá trị 1.245 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng trong xu hướng chung của thị trường với diễn biến giằng co liên tục đổi sắc và kết phiên tăng nhẹ nhờ sự đóng góp lớn của cổ phiếu hàng không VJC. Cổ phiếu này đã cất cánh, tăng tốc mạnh cả về giá và giao dịch trong phiên chiều, xác nhận tuần giao dịch bùng nổ sau tin vui từ Trung Quốc.
Kết phiên, VJC tăng 6,8% lên sát trần và cũng là mức giá cao nhất ngày 108.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 0,83 triệu đơn vị, gấp hơn 3 lần so với mức trung bình 10 phiên giao dịch gần đây. Tính chung trong cả tuần qua, cổ phiếu VJC đã tăng hơn 8,25%.
Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng ngược dòng thị trường và kết phiên tại vùng giá cao nhất trong ngày như HDB tăng 3,6%, NVL tăng 3,1%, BVH tăng 2,9%, TPB tăng 2,6%, VRE tăng 1,9%...
Trái lại, sự níu chân của một số mã lớn đã góp phần khiến thị trường hồi phục bất thành như PLX giảm 2,6%, các mã VHM, VNM, HPG, VCB đều tìm về mức giá thấp nhất ngày với mức giảm trên dưới 2,5%.
Xét về nhóm ngành, đà giảm sâu của cổ phiếu VCB khi để mất 2,2% khiến dòng bank không có được sắc xanh dù nhiều mã ở top sau tăng tốt hơn như HDB tăng 3,64%, TPB tăng 2,64%, VPB, STB và SHB đều tăng hơn 1%. Trong đó, cặp đôi SHB và STB sôi động nhất ngành và đều thuộc top 3 thanh khoản cao nhất, lần lượt đạt 30,92 triệu đơn vị và 21,24 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng nhẹ, với SSI tăng 0,7%, VND tăng 1,4%, VCI tăng 1,2%, đáng kể là VIX tăng vọt lên mức cao nhất ngày với biên độ tăng 4%; trong khi đó HCM quay đầu giảm 0,8%, FTS giảm 1%, CTS giảm nhẹ…
Ở nhóm cổ phiếu thép, bên cạnh HPG giật lùi khi giảm 2,2% xuống mức thấp nhất ngày, cổ phiếu NKG cũng đảo chiều điều chỉnh với mức giảm nhẹ 0,3%, trong khi đó, HSG vẫn xanh nhạt với mức tăng 0,6%. Trong đó, HPG dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với hơn 33,92 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, thị trường cũng rung lắc và liên tục đổi sắc, nhưng HNX-Index may mắn đóng cửa giữ được đà tăng nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,14%) lên 204,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,74 triệu đơn vị, giá trị 674,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 6 triệu đơn vị, giá trị 92,49 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 4,77 triệu cổ phiếu HUT, giá trị 71,55 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30, tâm điểm đáng chú ý là L18 khi đã lấy lại đà tăng mạnh sau nhịp nghỉ ngày hôm qua. Kết phiên, L18 tăng 9,8% lên mức giá trần 23.600 đồng/CP.
Một số mã tăng tốt hỗ trợ thị trường như HUT tăng 2,6% lên mức cao nhất ngày 15.700 đồng/CP và khớp 2,43 triệu đơn vị, SHS tăng 1,1% lên 8.800 đồng/CP với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu sàn HNX, đạt 11,24 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã khác như IDC và PVS đều xanh nhạt.
Trái lại, cổ phiếu giảm sâu nhất trong rổ HNX30 là LHC giảm 3%; tiếp theo là DL1 giảm 2,9%, DTD giảm 2,1%, còn lại VCS, TNG, BVS, NTP, THD… giảm nhẹ trên dưới 1%.
Cổ phiếu CEO cũng đóng cửa quay đầu điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,5% xuống mức 20.500 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua SHS với khối lượng khớp lệnh hơn 4,74 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nhịp đảo chiều thành công ở phiên sáng, thị trường đã duy trì đà tăng điểm trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,54%) lên 76,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,22 triệu đơn vị, giá trị 220,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,05 triệu đơn vị, giá trị 61,45 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản với 3,64 triệu đơn vị giao dịch thành công và kết phiên hồi phục sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,6% lên mức 15.800 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ VHG vẫn giữ mức giá 2.300 đồng/CP, tăng 4,5% và thanh khoản chỉ thua BSR, với hơn 3,44 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Các mã vừa và nhỏ khác như DCS, LMH, PVX, SBS có thanh khoản một đến vài triệu đơn vị đều đóng cửa tại mốc tham chiếu, trong khi PIV vẫn trụ vững tại mức giá trần với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồngtương lai đều giảm, trong đó VN30F2304 đáo hạn gần nhất vào ngày 20/4, kết phiên giảm 2,4 điểm, tương đương giảm 0,2% xuống 1.045,1 điểm, khớp lệnh gần 289.440 đơn vị, khối lượng mở hơn 44.980 đơn vị.
Thị trường chứng quyền giao dịch cũng phân hóa, trong đó CSTB2218 dẫn đầu thanh khoản với hơn 22,6 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 37,5% xuống 50 đồng/CQ.
Tiếp theo là CSTB2215 khớp hơn 1,06 triệu đơn vị, đóng cửa tại mức giá tham chiếu 510 đồng/CQ.