Vẫn diễn biến như trong phiên sáng, bước sang phiên chiều nay (17/1), nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí phải “gồng gánh” cả thị trường và nỗ lực đó đã thành vô vọng.
Đà bán tháo vốn có từ nhóm bất động sản tuần trước đã lan rộng sang các nhóm ngành khác. Cơ chế lan truyền tác động có tên gọi là margin, khi mà nhiều mã ngành bất động sản giảm giá kéo dài vi phạm tỷ lệ ký quỹ đã buộc nhà đầu tư phải bán cổ phiếu các mã ngành khác để bù đắp tỷ lệ cho vay, khi đó đốm lửa nhỏ đã bùng lên thành đám cháy lớn lan rộng toàn bộ thị trường.
Trong phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán là một trong 4 nhóm trụ chính của thị trường gồm ngân hàng, thép, chứng khoán và bất động sản đã không bám trụ được và giảm giá từ rất sớm. Bước sang phiên chiều, hầu hết cổ phiếu của nhóm này đã về giá sàn với lượng bán cực lớn.
Nhóm cổ phiếu thép diễn biến đỡ tiêu cực hơn nhưng chỉ có sắc xanh ở đầu phiên sáng rồi sau đó trở lại đà giảm bất tận của mình vốn xảy ra từ tháng 10/2021 khi giá thép đạt đỉnh.
Khi mà 4 nhóm ngành chính có tới 3 nhóm lao dốc thì nhóm còn lại là ngân hàng cộng thêm sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, dù nỗ lực đến đâu cũng chỉ giúp cho thị trường không mất đi số điểm quá nhiều chứ không chặn được đà rơi quá mạnh.
Phiên chiều nay, thời điểm VN-Index xuống mức 1.454 điểm (mất đi 42 điểm) có tới tổng cộng hơn 860 mã giảm điểm trên toàn thị trường (HOSE, HNX và UpCom), trong đó có trên 100 mã giảm giá sàn.
Cũng trong phiên chiều nay, khi thị trường rơi sâu thì lực cầu bắt đáy đã xuất hiện trở lại, tuy nhiên không đủ lớn để thị trường có thể phục hồi. Diễn biến này cho thấy không chỉ sức ép bán đang rất lớn mà niềm tin của nhà đầu tư vào nhịp phục hồi sớm chưa đến.
Khi chưa có niềm tin thì tiền sẽ chưa nhập cuộc!
Đây mới là phiên đầu tiên đà bán tháo diễn ra trên diện rộng, điều này có nghĩa là lực căng của margin với các nhóm cổ phiếu khác ngoài bất động sản vẫn còn. Đây là mối lo cho diễn biến giao dịch các phiên tiếp theo, thời điểm hiện tại có lẽ cần phải có những thông tin cực kỳ tích cực mới hút được dòng tiền quay trở lại thị trường bởi thời điểm nghỉ Tết kéo dài chỉ còn 9 phiên nữa.
Về mặt kỹ thuật, phiên giảm điểm hôm nay của thị trường đã khiến ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index ở vùng 1.480 điểm bị phá vỡ, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sẽ ở vùng 1.400-1.425 điểm. Kết thúc phiên hôm nay, VN-Index đã chạm băng dưới của dải Bollinger Bands, đồng thời cũng là đỉnh trên của mây Ichimoku, trong trường hợp tích cực phiên ngày mai có thể sẽ có nhịp hồi ở khu vực này, và nếu xảy ra, đây sẽ là một cơ hội nữa để nhà đầu tư tái cấu trúc danh mục của mình.
Chốt phiên, VN-Index giảm 43,18 điểm (-2,89%) xuống 1.452,84 điểm với 446 mã giảm (128 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 49 mã tăng (3 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 987,1 triệu đơn vị, giá trị 31.244,55 tỷ đồng, tăng 25,81% về khối lượng và 36,93% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,61 triệu đơn vị, giá trị 2.045,68 tỷ đồng.
Thị trường cắm đầu lao dốc với sự "đóng góp" lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip. Trong nhóm VN30 có tới 29 mã giảm và chỉ còn duy nhất 1 mã tăng, trong đó có tới 5 mã nằm sàn với sự góp mặt của các nhóm ngành khác nhau là SSI, VRE, GVR, KDH, POW.
Bên cạnh đó, các mã khác như STB cũng ngấp nghé nằm sàn khi giảm hơn 6%; các mã khác như PDR, HDB, VPB giảm hơn 5%...
Cặp đôi lớn nhà Vingroup là VHM và VIC đều gia tăng sức ép, trong đó VHM giảm 3,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 79.100 đồng/CP, còn VIC giảm 1,9% xuống 97.000 đồng/CP. Hay bộ đôi dầu khí là GAS và PLX cũng nới rộng biên độ giảm.
Trong nhóm này, đóng vai trò đỡ giá cho thị trường chỉ còn duy nhất VCB. Dù đà tăng có thu hẹp chút ít nhưng nếu không có sự đóng góp của VCB, chỉ số VN-Index đã thủng mốc 1.450 điểm. Kết phiên, VCB tăng 3,4% lên 86.200 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi la liệt các mã nằm sàn thì cổ phiếu HAG vẫn giữ đi ngược xu hướng thành công khi kết phiên tăng 4,7% lên mức 15.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 44,23 triệu đơn vị, chỉ thua chút ít so với STB khớp 44,35 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản và xây dựng tiếp tục bị bán mạnh và có thêm phiên giao dịch tiêu cực khi các mã lớn bé đua nhau giảm sâu với hàng loạt mã nằm sàn như BCM, DIG, KDH, KBC, VCG… đến các mã thị giá thấp hơn như HQC, ITA, LCG, SCR, LDG, QCG, FLC, ROS… cũng trong trạng thái trắng bên mua.
Bên cạnh đó, trong phiên hôm nay thị trường còn chứng kiến thêm “màn thảm sát” của nhóm cổ phiếu chứng khoán khi có tới 2/3 số mã nằm sàn, đáng kể như HCM, SSI, VCI, VND, SHS, VIX, FTS, PSI, CTS, MBS…
Ở nhóm cổ phiếu thép, bên cạnh HSG và TLH góp mặt trong danh sách các mã nằm sàn, các mã còn lại giảm khá sâu và hầu hết ở mức thấp nhất trong ngày như HPG giảm 3,4% xuống 44.700 đồng/CP, NKG giảm 5,4% xuống 35.300 đồng/CP, POM giảm 3,6% xuống 13.400 đồng/CP, SMC giảm 5,1% xuống 39.000 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu vua cũng không còn hỗ trợ thị trường, ngoại trừ duy nhất VCB. Sắc đỏ cũng tràn ngập trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, đáng kể STB giảm 6,56%, HDB giảm 5,23%, VPB giảm 5,16%, OCB, VIB, TPB giảm hơn 4%...
Trên sàn HNX, thị trường cũng lao dốc mạnh trước áp lực bán trên diện rộng, đặc biệt là gánh nặng đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 21,52 điểm (-4,61%) xuống 445,34 điểm với 50 mã tăng (10 mã trần) và 204 mã giảm (49 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 130,5 triệu đơn vị, giá trị 3.826,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,62 triệu đơn vị, giá trị 179,83 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có tới 23 mã giảm, trong đó có tới 6 mã nằm sàn và CEO, MBS, NRC, SHS, TVC, LAS, cùng 7 mã tăng, kết phiên chỉ số HNX30-Index giảm tới hơn 39 điểm, tương ứng giảm tới gần 5%.
Bên cạnh các mã giảm sàn, một số mã khác như L14, DTD, TAR, TNG cũng giảm gần hết biên độ. Đáng kể, gây sức ép lớn cho thị trường là IDC giảm 8,2% xuống mức 65.000 đồng/CP, THD giảm 8,2% xuống 231.900 đồng/CP, VCS giảm 3,5% xuống 106.200 đồng/CP…
Cũng như sàn HOSE, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau đua nhau nằm sàn như ART, SHS, MBS, VIG, APS, BSI, IVS… Trong đó, ART có mức thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt gần 20,2 triệu đơn vị; tiếp theo là SHS khớp 15,13 triệu đơn vị.
Trái lại, thành viên duy nhất họ bank trên HNX là NVB vẫn giữ phong độ và đóng góp tích cực cho thị trường khi kết phiên giữ mức tăng 7,3% lên 33.900 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã tăng khác trong rổ HNX30 như LHC tăng 8,2% lên 167.000 đồng/CP, SHN tăng 1,3%, còn NTP, SLS, PVS, VC3 tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh được “bão”.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 2,86 điểm (-2,55%), xuống 109,36 điểm với 114 mã tăng (12 mã trần) và 245 mã giảm (9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.867,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,26 triệu đơn vị, giá trị 123,25 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn quay đầu điều chỉnh hoặc nới rộng đà giảm như BSR, ACV, MCH đều giảm nhẹ, VGT giảm 10%, MSR giảm 7,7%, VGI giảm 3,2%...
Bên cạnh đó, các mã ngân hàng và chứng khoán cũng đua nhau đỏ điểm như SBS giảm 13,3%, TCI giảm 13,3%, AAS giảm 14,6%...; BVB giảm 6,4%, ABB giảm 3,2%, VAB giảm 2,8%, SGB giảm 4,3%, NAB giảm 3,5%...
Trong khi đó, VHG vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 13,64 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên tăng 6,8% lên mức 11.000 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó VN30F2201 giảm 40,1 điểm (-2,6%), xuống 1.480 điểm với gần 174.440 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở gần 22.880 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hầu hết cũng giảm sâu, trong đó CTCB2106 dẫn đầu thanh khoản với 335.290 đơn vị được khớp lệnh và kết phiên giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.
Tiếp theo là CVPB2106 khớp 282.380 đơn vị và kết phiên giảm 80% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.