Giao dịch chứng khoán chiều 16/7: Cuối tuần bình yên

Giao dịch chứng khoán chiều 16/7: Cuối tuần bình yên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tiếp tục có nhịp hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng thanh khoản tiếp tục sụt giảm và VN-Index không thể qua được ngưỡng 1.300 điểm. Đồ thị ngày tạo nên 1 cây nến Doji, báo hiệu tuần mới sẽ có diễn biến kịch tính.

Diễn biến phiên chiều nay là một bản sao của phiên sáng, lực cung yếu và thị trường được kéo lên vượt mốc 1.300 điểm với VN-Index, nhưng sau đó sức mua không được duy trì và thị trường lại giảm điểm trước khi tăng nhẹ trở lại vào cuối phiên.

Thanh khoản tiếp tục là điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại, 2 phiên liên tiếp HOSE chỉ giao dịch ở quanh mức 15.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều các phiên trước. Thanh khoản thấp trong điều kiện điểm số tăng phản ánh lượng bán ra yếu, nhưng thanh khoản thấp trong xu hướng chung là giảm điểm ngắn hạn của VN-Index cũng phản ánh một lượng tiền lớn đã thoát ra và chưa quay lại thị trường.

Điểm tích cực phiên hôm nay là số mã tăng điểm tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với số mã giảm, dù không lớn, cho thấy phiên tăng điểm này khá "thật", nhiều mã cổ phiếu đã có lực mua vào sau chuỗi giảm điểm mạnh đầu tháng 7 này.

Tăng điểm với thanh khoản thấp, VN-Index phản ánh xu hướng tích lũy tiếp tục diễn ra trong vùng 1.270-1.300 điểm, xu hướng trung hạn tạm chưa được xác định. Về kỹ thuật, phiên hôm nay tạo cây nến Doji, cho thấy khả năng đầu tuần tới sẽ có phiên giảm điểm nhẹ, nhưng khả năng cao sẽ vẫn trong vùng tích lũy như đề cập phía trên.

Trong nhiều room chứng khoán, vẫn còn có những khuyến nghị về khả năng thị trường giảm điểm sâu hơn nữa trong tuần tới, mốc hỗ trợ cứng là vùng 1.200 điểm với VN-Index hoặc thấp nhất là 1.150 điểm. Tuy nhiên, với sự cân bằng đang diễn ra 3 phiên trở lại đây, một số môi giới thay vì khuyên khách hàng của mình đứng ngoài thị trường hay cơ cấu gọn lại danh mục, đã bắt đầu đưa ra các mã "khỏe, chiến thắng thị trường" để khuyến nghị khách hàng mua vào.

Chốt phiên, sàn HOSE có 287 mã tăng và 82 mã giảm, VN-Index tăng 5,39 điểm (+0,41%), lên 1.299,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 465,4 triệu đơn vị, giá trị 15.458,49 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,8% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,29 triệu đơn vị, giá trị 2.007,75 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, cổ phiếu MSN vẫn tăng tốt nhất với biên độ tăng 4,8% và kết phiên tại mức giá 120.500 đồng/CP; tiếp theo là VIC tăng 3,7% lên mức 105.800 đồng/CP. Ngoài ra, các mã khác như PDR tăng 3,4%; BVH, FPT, KDH, REE, SBT có mức tăng hơn 1%.

Mặt khác, dòng bank nhanh chóng suy yếu sau nhịp hồi tích cực hôm qua khi chỉ còn một vài mã như MSB, VPB, ACB, TPB, OCB xanh nhạt, còn lại như STB, CTG, VCB TCB, MBB, CTG, LPB, SSB… đều giảm điểm.

Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động của thị trường với STB và MSB cùng khớp hơn 19,4 triệu đơn vị, VPB khớp 15,5 triệu đơn vị, TCB khớp gần 14 triệu đơn vị, MBB khớp 11,3 triệu đơn vị…

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ, với SSI nới rộng biên độ, giảm 1,7% xuống vùng giá thấp trong ngày 52.800 đồng/CP; các mã khác như HCM, CTS, APG, VIX, VCI cũng có mức giảm trên dưới 1%, AGR giảm 2,7% xuống 12.750 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, bộ đôi FLC và ROS tiếp tục nới rộng biên độ giảm về mức giá thấp nhất ngày. Trong đó FLC giảm 3,9% xuống 11.050 đồng/CP và khớp 21,88 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau HPG khớp 22,25 triệu đơn vị; còn ROS giảm 4,4% xuống 5.030 đồng/CP và khớp 10,66 triệu đơn vị.

Cổ phiếu PSH vẫn duy trì trạng thái giằng co trong biên độ mạnh trong phiên chiều nhưng kết phiên vẫn giữ sắc tím và dư mua trần hơn 0,55 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã khác như HDC, SZC, PLP, HAH cũng đóng tại mức giá trần.

Trên sàn HNX, sau nhịp hồi tích cực vào giữ phiên, thị trường cũng hạ độ cao do lực cung có phần gia tăng.

Đóng cửa, sàn HNX có 80 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 1,47 điểm (+0,48%), lên 307,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 94,96 triệu đơn vị, giá trị 2.241,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,68 triệu đơn vị, giá trị 84,32 tỷ đồng.

Các mã chứng khoán như VND, SHS, BVS, MBS, ART, APS, BSI… đều giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm chủ yếu trên dưới 1%.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng chưa thoát khỏi xu hướng giảm như PVS -2%, NVB -1,6%, CEO -2,4%, BAB và IDC giảm nhẹ…

Trái lại, SHB vẫn duy trì mức giá tại thời điểm chốt phiên sáng khi tăng 2,9% và đóng cửa tại 28.100 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt hơn 30 triệu đơn vị.

Một điểm đáng chú ý khác chính là DXS. Những tưởng đà giảm của DXS tiếp tục kéo dài thì lực cầu gia tăng mạnh trong phiên chiều đã giúp cổ phiếu này hồi phục. Kết phiên, DXS tăng 3,4% lên mức giá 30.000 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,41%), lên 85,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65 triệu đơn vị, giá trị 899,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,19 triệu đơn vị, giá trị 127 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục nhích bước khi kết phiên tăng 2,3% lên mức 17.900 đồng/CP và là mã dẫn đầu thanh khoản UPCoM, đạt 10,72 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã lớn khác tăng tốt như VTP và VGI cùng tăng 5%, ACV nhích nhẹ…

Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trên UPCoM vẫn giữ được sắc xanh nhạt với các mã BVB, NAB, KLB, SBS, AAS, ORS tăng trên dưới 1%.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai tăng và 1 hợp đồng tương lai giảm khi đóng cửa, trong đó, phiên đáo hạn của VN30F2107 đã tăng 3 điểm (+0,2%), lên 1.440 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 251.670 đơn vị, khối lượng mở hơn 15.180 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn, tuy nhiên mã CPDR2101 dẫn đầu thanh khoản hôm nay, đạt 35.400 đơn vị đã đóng cửa tăng 18,2% lên 3.240 đồng/CQ.

Trong khi đó, CHPG2108 đứng thứ 2 về thanh khoản khi khớp 34.540 đơn vị và kết phiên giảm 1,3% xuống 3.040 đồng/CQ.

Tin bài liên quan