Trong phiên sáng, 2 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam chớm xanh lúc đầu phiên khi lực cầu, nhất là tại các mã thị trường tỏ ra rất tốt, kéo nhiều mã duy trì sóng lớn, còn nhóm bluechip phân hóa.
Tuy nhiên, lực cung vẫn thắng thế tại đại đa số các mã trên sàn, nên VN-Index vẫn đóng cửa giảm nhẹ, thanh khoản cũng giảm mạnh so với các phiên trước đó.
Bước vào phiên giao dịch chiều, ngay đầu phiên, lực cung đã bất ngờ tăng mạnh, đẩy cả VN-Index và HNX-Index rơi theo chiều thẳng đứng xuống dưới mốc 840 điểm và 113,5 điểm với sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử.
Ngay tại các vùng điểm này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc, kéo cả 2 chỉ số hồi trở lại, nhưng lực cầu tỏ ra thận trọng, trong khi bên bán khá dứt khoát, khiến các chỉ số không thể bật mạnh trở lại, mà nhanh chóng giảm trở lại, thử thách đáy của ngày một lần nữa.
Dù một số mã thị trường vẫn giữ được sắc tím, nhưng nhiều mã cũng quay đầu giảm, thậm chí số mã giảm sàn đã nhiều hơn số mã tăng trần ở cả trên 2 sàn. Đặc biệt, toàn bộ top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE đều giảm giá với mức giảm mạnh, chủ yếu trên 4%. Còn tính rộng ra trong top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo, chỉ có một vài sắc xanh le lói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên sàn HNX khi 6 mã vốn hóa lớn nhất sàn đều giảm chủ yếu từ trên 2% đến hơn 3,5%. Sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo trong các mã bluechip khác, chỉ có một số ít mã tăng giá, nhưng thanh khoản thấp.
Càng về cuối phiên, lực bán càng mạnh và kịch bản của phiên thứ Năm tuần trước (11/6) lặp lại khi VN-Index phá vỡ đáy cũ trong ngày, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Chốt phiên, VN-Index giảm 31,05 điểm (-3,60%), xuống 832,47 điểm, mức thấp nhất ngày với 96 mã tăng (21 mã tăng trần), trong khi có tới 291 mã giảm (34 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 708 triệu đơn vị, giá trị 22.733,7 tỷ đồng, tăng 14,2% về khối lượng và tăng tới 193% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.
Tuy nhiên, thanh khoản đột biến phiên hôm nay chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận VHM khi trong những phút cuối phiên chiều, hơn 201 triệu cổ phiếu VHM, giá trị 15.099,5 tỷ đồng được sang tay, qua đó nâng tổng khối lượng và giá trị giao dịch thỏa thuận phiên hôm nay lên 237 triệu đơn vị, giá trị 16.346 tỷ đồng.
Theo thông tin trên bảng điện tử, thì bên bán lượng cổ phiếu VHM này là đầu tư trong nước nước, còn bên mua là nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu không tính thỏa thuận, phiên giao dịch hôm nay, thanh khoản sụt giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước.
Trong hàng trăm mã giảm giá hôm nay, đa số có sự góp mặt của các mã bluechip. Trong đó, riêng 15 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có NVL có sắc xanh nhạt, còn lại đều giảm mạnh từ hơn 3% đến hơn 6%.
Cụ thể, VCB giảm 4,21% xuống 82.000 đồng, VIC giảm 3,05% xuống 89.000 đồng, VHM giảm 6,67% xuống 70.000 đồng, VHM giảm 5,08% xuống 112.000 đồng, BID giảm 6,12% xuống 39.900 đồng, GAS giảm 3,35% xuống 72.100 đồng, SAB giảm 3,49% xuống 166.000 đồng, CTG giảm 4,29% xuống 22.300 đồng, TCB giảm 4,96% xuống 20.100 đồng, HPG giảm 4,15% xuống 25.400 đồng, MSN giảm 3,59% xuống 56.400 đồng, VJC giảm 3,88% xuống 109.000 đồng, VRE giảm 3,47% xuống 25.000 đồng.
Các mã khác cũng giảm mạnh như VPB giảm 6,49% xuống 21.600 đồng, hay MBB, MWG, TPB, PNJ giảm hơn 3% đến hơn 4%; PLX, HVN, FPT, BVH, BHN giảm hơn 2%. Trong khi đó, GVR, HDB, STB, EIB, POW lại có được sắc xanh.
Trong nhóm này, STB là mã có thanh khoản tốt nhất với 31,3 triệu đơn vị, tiếp đến là HPG khớp 11,3 triệu đơn vị.
Trong các mã thị trường, trong khi ROS tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và giảm 1% xuống 2.980 đồng, khớp 31,6 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, thị ITA, DLG, FLC lại giữ được đà tăng, trong đó DLG thậm chí còn đóng cửa với mức trần 1.900 đồng, khớp 27 triệu đơn vị.
ITA dù không giữ được sắc tím, nhưng cũng đóng cửa tăng 1,67% lên 6.090 đồng, khớp 27,3 triệu đơn vị. FLC tăng 0,3% lên 3.300 đồng, khớp 22,2 triệu đơn vị.
Các mã khác giữ được sắc tím là TSC, HQC, FIT, DAH…, trong đó HQC còn dư mua giá trần (2.260 đồng) tới gần 13,7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, TNI giảm sàn xuống 7.050 đồng, khớp 14,9 triệu đơn vị. Các mã chung cảnh ngộ với TNI có SCR, LDG, TTF, LMH, TVB, TDH… Thậm chí, các mã chứng khoán lớn là SSI, HCM, VCI cũng đóng cửa với mức sàn 14.450 đồng, 17.950 đồng và 21.500 đồng.
Cổ phiếu CTD của Coteccons cũng đóng cửa với mức sàn 62.800 đồng trong tâm bão đấu đá nội bộ giữa nhóm cổ đông lớn và lãnh đạo Công ty.
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng diễn ra mạnh trên diện rộng khiến HNX-Index giảm sâu.
Đóng cửa, với 109 mã giảm và 57 mã tăng, HNX-Index giảm 3,09 điểm (-2,64%) xuống 113,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 81,89 triệu đơn vị, giá trị 762,71 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,9% về khối lượng và 5,44% về giá trị so với phiên 12/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,81 triệu đơn vị, giá trị 64,45 tỷ đồng.
Gánh nặng chính đến từ các mã lớn như ACB -4,9% xuống 23.300 đồng/CP, PVB -5,33% xuống 14.200 đồng/CP, PVI -1,62% xuống 30.400 đồng/CP, PVS -4,8% xuống 11.900 đồng/CP, SHB -1,25% xuống 15.800 đồng/CP, VCS -3,2% xuống 60.500 đồng/CP, SHS cũng đảo chiều sau phiên tăng trần cuối tuần trước với -3,9% xuống 12.300 đồng/CP…
Trong nhóm HNX30 chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh là DDG, DP3, NDN, NRC và VMC.
Cổ phiếu MBG có phiên mất điểm thứ 5 liên tiếp nhưng có phần tiêu cực hơn khi bị đẩy xuống mức giá sàn 5.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 8,63 triệu đơn vị.
Các mã có thanh khoản sôi động tiếp theo đó là HUT đạt 8,29 triệu đơn vị và kết phiên tại mốc tham chiếu, PVS khớp gần 7,7 triệu đơn vị, SHB khớp 7,1 triệu đơn vị, ACB khớp 5,88 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, sau ít phút trụ vững trên mốc tham chiếu ở đầu phiên, áp lực bán cũng gia tăng khiến thị trường quay đầu điều chỉnh.
Đóng cửa, với 103 mã giảm và 86 mã tăng, UPCoM-Index giảm 0,42điểm (-0,74%) xuống 55,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,82 triệu đơn vị, giá trị 326,89 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,55 triệu đơn vị, giá trị 76,25 tỷ đồng.
Cũng như thị trường niêm yết, nhiều mã lớn đăng ký giao dịch trên UPCoM cũng để mất điểm như VGI -3,21% xuống 27.100 đồng/CP, MSR -8,28% xuống 15.500 đồng/CP, VGT -2,47% xuống 7.900 đồng/CP, MML -1,88% xuống 47.000 đồng/CP, BCM -5,3% xuống 25.000 đồng/CP…
Đáng chú ý, LPB hồi phục tích cực sau 2 phiên giảm khá sâu cuối tuần trước. Lết phiên, LPB +5,88% lên 9.000 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt gần 14,3 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó, BSR đứng giá tham chiếu và chuyển nhượng thành công 4,73 triệu đơn vị; OIL -1,19% xuống 8.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn 2,5 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều mất điểm. Trong đó, VN30F2006 giảm 3,73% xuống 775 điểm và được giao dịch mạnh nhất với 208.388 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 21.662 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, ngoại trừ 11 mã tăng và 6 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, CSTB2001 đứng đầu về thanh khoản với 153.058 đơn vị được chuyển nhượng thành công và kết phiên tăng 31,94% lên 950 đồng/CQ.