Trong tháng 3, do tác động của dịch Covid-19 và đà lao dốc của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam cũng lao mạnh với mức giảm tới 24,9% của VN-Index và 15,46% với HNX-Index.
Tuy nhiên, khi VN-Index về vùng 660 - 665 điểm, lực cầu bắt đáy đã chảy mạnh, kéo thị trường phục hồi trở lại với chuỗi tăng ấn tượng từ đầu tháng 4.
Trong nửa đầu tháng 4 (tính cả phiên hôm nay), thị trường chỉ có duy nhất một phiên điều chỉnh nhẹ hôm 10/4, còn lại là 9 phiên tăng, trong đó có những phiên tăng mạnh như phiên 3/4và 4/4. Tổng cộng trong nửa đầu tháng 4, VN-Index hồi phục 17,31%, còn HNX-Index hồi phục 16,94%. Trong thời gian đầu tháng 4 này, HNX-Index cũng chỉ có 1 phiên điều chỉnh nhẹ là phiên hôm qua, chỉ mất 0,01%, trong khi có 3 phiên tăng mạnh đầu tháng 4.
Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, sau nửa đầu phiên sáng lình xình trong biên độ hẹp, 2 chỉ số chính của thị trường đã bứt lên trong nửa cuối phiên với sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.
Bước vào phiên chiều, lực cầu trong phiên sáng tiếp tục duy trì tốt giúp VN-Index nới rộng đà tăng lên chinh phục ngưỡng 780 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tại đây khá lớn, trong khi lực cầu chưa đủ tự tin, khiến VN-Index thoái lui trở lại, nhưng vẫn đóng cửa cao hơn mức điểm của phiên sáng. Số mã tăng nhiều thêm 20 mã, trong khi số mã giảm giá vẫn giữ nguyên.
Trong các mã hồi phục trở lại trong phiên chiều có VIC, trong khi VCB, SAB, TCB, CTG nới rộng đà tăng, nhưng MSN, VHM lại đảo chiều giảm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 9,81 điểm (+1,28%), lên 777,22 điểm với 263 mã tăng, trong khi chỉ có 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 302,6 triệu đơn vị, giá trị 4.637,5 tỷ đồng, tăng 13,4% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,1 triệu đơn vị, giá trị 1.264 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu bluechip có nhiều mã tăng mạnh như SAB tăng 6,69% lên 153.000 đồng, BVH tăng 5,19% lên 48.600 đồng, STB tăng 5,9% lên 9.700 đồng, TPB tăng 5,48% lên 18.300 đồng, CTG tăng 3,39% lên 19.850 đồng, HDB tăng 3,25% lên 20.650 đồng, mức cao nhất ngày, TCB tăng 2,33% lên 19.850 đồng, GVR tăng 3,24% lên 11.150 đồng, MBB tăng 2,83% lên 16.350 đồng, VPB tăng 2,11% lên 21.750 đồng, PNJ tăng 2,96% lên 59.200 đồng.
Ngoài ra, VIC hồi phục tăng 0,42% lên 96.000 đồng, mức cao nhất ngày, VCB tăng 1,43% lên 70.900 đồng, VNM tăng 0,2% lên 99.200 đồng, HPG tăng 0,75% lên 20.100 đồng…
Trong khi đó, VHM đảo chiều giảm 0,29% xuống 67.800 đồng, GAS giảm 0,6% xuống 66.600 đồng, MSN cũng đảo chiều giảm 0,16% xuống 60.900 đồng, còn VJC hãm đà giảm từ mức hơn 3% của phiên sáng chỉ còn giảm 1,77% khi chốt phiên chiều, xuống 110.800 đồng, VRE cũng giảm nhẹ 0,38% xuống 26.100 đồng…
Trong nhóm này, STB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 14,86 triệu đơn vị, tiếp đến là MBB với 10,3 triệu đơn vị, CTG gần 6,76 triệu đơn vị, HPG gần 6 triệu đơn vị, VPB gần 5 triệu đơn vị. Các mã khớp từ hơn 1 triệu đơn vị đến hơn 2 triệu đơn vị có MWG, HVN, FPT, HDB, PLX, VRE, TCB, MSN, BID, VIC, VCB.
Nhóm cổ phiếu thị trường tiếp tục sôi động và nhiều mã nổi sóng. Cụ thể, ROS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 16,35 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,17% lên 4.000 đồng. DLG tăng 5,84% lên 1.630 đồng, khớp 13,6 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau ROS và STB, thậm chí có lúc mã này lên mức trần 1.640 đồng.
FLC tăng 2,71% lên 3.030 đồng, khớp 7,67 triệu đơn vị, đứng thứ 5 về thanh khoản, trong khi HSG lấy lại sắc tím khi đóng cửa ở mức trần 6.460 đồng, khớp 7,47 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Cũng có mức trần như HSG là AMD lên 2.930 đồng, khớp 7,15 triệu đơn vị, còn dư mua trần; HBC tăng lên 7.750 đồng, khớp 6,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. Tương tự, AAA, HHS, TVB, FRT, QCG, HCD, HDG… cũng giữ vững được sắc tím và kết nạp thêm TDH trong nhóm tăng trần.
Các mã khác dù không có sắc tím, nhưng cũng tăng mạnh và giao dịch sôi động như ITA, HAI, HQC, LDG, KBC, HAG, SCR…
Trên HNX, trong phiên chiều, chỉ số chính của sàn này chỉ giằng co quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,18 điểm (+1,1%), lên 108,33 điểm với 107 mã tăng, trong khi chỉ có 53 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,56 triệu đơn vị, giá trị 712 tỷ đồng, tăng 22,3% về khối lượng và 48,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,7 triệu đơn vị, giá trị 153,8 tỷ đồng.
Các mã lớn trên sàn này ngoại trừ PVS giảm 3,28% xuống 11.800 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị, còn lại đều tăng khá tốt.
Cụ thể, ACB tăng 1% lên 20.200 đồng, khớp 3,69 triệu đơn vị, SHB tăng 1,12% lên 18.000 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị, VCG tăng 1,21% lên 25.000 đồng, khớp 0,4 triệu đơn vị, VCS tăng tới 9,23% lên 63.900 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị. PVI và NVB cũng trở lại mức tham chiếu 30.700 đồng và 8.100 đồng và khớp lần lượt 1 triệu đơn vị và 1,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, PVX là mã có thanh khoản đứng thứ 3 thị trường sau SHB và PVS với 3,84 triệu đơn vị. Đây chủ yếu là lượng khớp trong phiên sáng, bởi phiên chiều không có lực cầu, trong khi bên bán giá sàn liên tiếp đưa hàng vào. PVX chốt ở mức sàn 1.000 đồng và còn dư bán sàn, cũng như ATC khá lớn.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của sàn này cũng giằng co quanh mức điểm đóng cửa của phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,73 điểm (+1,44%) lên 51,51 điểm với 114 mã tăng và 58 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,46 triệu đơn vị, giá trị 283 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 27 tỷ đồng.
Trên sàn này chiều nay không có thêm mã nào gia nhập nhóm thanh khoản triệu đơn vị, vẫn là 3 cái tên của phiên sáng là LPB, BSR và VIB.
Trong đó, LPB khớp 5,28 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,23% lên 7.100 đồng; BSR khớp 2,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,79% lên 5.700 đồng; VIB khớp 2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,1% lên 14.600 đồng.
OIL và VGI là 2 mã có thanh khoản gần 1 triệu đơn vị, trong đó OIL đứng giá tham chiếu 6.400 đồng, còn VGI tăng 7,47% lên 25.900 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cũng như chỉ số VN30, các hợp đồng tương lai chỉ số này đều tăng tốt hôm nay. Cụ thể, VN30-Index tăng 1,26% lên 722,8 điểm, còn hợp đồng VN30F2004 đáo hạn ngày 16/4 tăng 1,74% lên 717,5 điểm với 151.019 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 18.632 hợp đồng. Hợp đồng VN30F2005 đáo hạn ngày 21/5 tăng 1,76% lên 695 điểm với 24.739 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 9.909 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng cũng chiếm thế áp đảo số mã giảm giống như chứng khoán cơ sở. Trong đó, mã CSTB2001 có thanh khoản tốt nhất với 755.070 đơn vị, đóng cửa tăng 44,19% lên 620 đồng. Tiếp đến là CVPB2004 với 678.280 đơn vị, đóng cửa giảm 12,5% xuống 350 đồng.