Giao dịch chứng khoán chiều 14/4: Tiền đầu cơ chảy mạnh, VN-Index lập đỉnh lịch sử mới

Giao dịch chứng khoán chiều 14/4: Tiền đầu cơ chảy mạnh, VN-Index lập đỉnh lịch sử mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên rung lắc hôm qua và sáng nay, thị trường đảo chiều tăng trở lại trong phiên chiều nay, xác lập đỉnh cao lịch sử mới lúc đóng cửa. Điểm nhấn của phiên chiều nay chính là nhóm cổ phiếu thị trường.

Trong phiên hôm qua và sáng nay, áp lực chốt lời diễn ra mạnh mẽ và trên diện rộng đã khiến thị trường rung lắc. Trong phiên hôm qua, nhờ có bệ đỡ của VIC, VN-Index chỉ giảm nhẹ, nhưng khi mở cửa phiên sáng nay, VN-Index không còn đứng vững khi giảm hơn 15 điểm trước lực bán giá thấp ồ ạt được tung vào thị trường. Trên bảng điện tử, số mã giảm giá nhiều gấp hơn 7 lần số mã tăng giá.

Tuy nhiên, khi VN-Index về mốc 1.233 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã kéo nhiều mã tăng trở lại, đà giảm của VN-Index và HNX-Index cũng được hãm đi rất nhiều, thậm chí 2 chỉ số này đã có lúc chớm xanh.

Lực cung giá thấp sau khi hoạt động tích cực chiều qua và đầu phiên sáng nay cũng đã dần cạn, trong khi lực cầu bắt đáy luôn chực chờ, khiến bên nắm giữ cổ phiếu cũng chùn tay, không dám ra hàng bằng mọi giá. Điều này khiến thanh khoản thị trường sụt giảm hơn so với 2 phiên đầu tuần.

Bước vào phiên giao dịch chiều nay, dòng tiền đầu cơ bất ngờ ồ ạt chảy mạnh vào các mã thị trường, kéo hàng loạt mã tăng trần như ROS, FLC, ITA, HQC, DLG, AMD, HAI… Từ nhóm cổ phiếu thị trường, dòng tiền cũng lan tỏa ra nhiều mã khác, trong đó có không ít bluechip, kéo nhiều mã đảo chiều hoặc nới rộng đà tăng, thậm chí MSN, EIB đóng cửa ở mức trần.

Trên bảng điện tử, số mã giảm bớt đi hơn 130 mã, trong khi số mã tăng nhiều lên từng đó và độ rộng của thị trường nghiên hẳn về số mã tăng, trái ngược với phiên sáng. VN-Index vì thế cũng bật mạnh trong phiên chiều leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa và cũng là đỉnh cao lịch sử mới lúc đóng cửa.

Chốt phiên, VN-Index tăng 7,54 điểm (+0,6%), lên 1.255,87 điểm với 263 mã tăng và 153 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 862 triệu đơn vị, giá trị 19.345 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 48,5 triệu đơn vị, giá trị 1.598 tỷ đồng.

Như đã đề cập, trong nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi nhóm cổ phiếu họ Vingroup vẫn giảm giá, nhưng đà giảm đã hãm hơn so với phiên sáng, thì hàng loạt mã khác đảo chiều tăng giá hoặc nới rộng đà tăng. Trong đó, MSN tăng trần lên 100.700 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị, EIB cũng đóng cửa ở mức trần 25.250 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.

VCB từ mức tham chiếu khi chốt phiên sáng cũng đóng cửa tăng 1,23% lên 98.700 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị. STB cũng đảo chiều tăng 0,88% lên 22.900 đồng, khớp 35 triệu đơn vị. HPG nới đà tăng 5,79% lên 53.000 đồng, khớp 28,8 triệu đơn vị.

Ngoài nhóm Vingroup, sắc đỏ cũng chỉ còn lác đác ở các mã bluechip, nhưng mức giảm không mạnh, chủ yếu dưới 1% như VNM, SAB, GVR, HVN, BVH, POW…, còn sắc xanh chiếm thế áp đảo, dù mức tăng cũng ở mức khiêm tốn, ngoài MSN, EIB, HPG, VCB, NVL.

Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của phiên chiều nay là nhóm cổ phiếu thị trường khi dòng tiền đầu cơ ồ ạt chảy vào, kéo hàng loạt mã tăng trần. Cụ thể, ROS lên 6.740 đồng, khớp tới 69 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới hơn 17,2 triệu đơn vị. FLC cũng leo lên mức trần 12.400 đồng, khớp 41,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 15,8 triệu đơn vị. ITA tăng trần lên 8.880 đồng, khớp 32,6 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị. HQC chốt ở mức giá trần 4.450 đồng, khớp 30 triệu đơn vị, dư mua giá trần 1,5 triệu đơn vị. DLG đóng cửa ở mức trần 4.000 đồng, khớp 26 triệu đơn vị, dù có lúc đã bị đẩy xuống mức sàn 3.480 đồng.

Ngoài ra, còn phải kể đến cặp đôi khác thuộc họ FLC là AMD và HAI cũng tăng trần lên 5.940 đồng và 5.390 đồng với thanh khoản cùng trên 11 triệu đơn vị và đều còn dư mua giá trần lớn.

Các mã khác ngoại trừ cặp đôi HAG – HAG giảm nhẹ, còn lại cũng có mức tăng tốt và thanh khoản khá.

Diễn biến trên HNX cũng tương tự khi chỉ số HNX-Index nới rộng đà tăng ngay đầu phiên chiều và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,64 điểm (+0,9%), lên 294,83 điểm với 146 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 167 triệu đơn vị, giá trị 2.766,4 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,7 triệu đơn vị, giá trị 222 tỷ đồng.

Giống như những người anh em của mình trên HOSE, cặp đôi cổ phiếu có liên quan đến FLC là KLF và ART cũng bất tăng trần khi chốt phiên hôm nay. Trong đó, KLF lên 5.800 đồng, khớp 18,54 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX và còn dư mua giá trần hơn nửa triệu đơn vị, còn ART tăng lên 11.400 đồng, khớp 11,53 triệu đơn vị, nhưng không còn dư mua giá trần.

Cũng đóng cửa ở mức trần còn có ACM ở mức giá 4.400 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị. KVC lên 5.000 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. PVC chốt ở mức 11.500 đồng, khớp 2,3 triệu đơn vị…

Ở nhóm bluechip, đa số cũng đóng cửa tăng giá, trong đó SHB tăng 1,2% lên 25.700 đồng, khớp 17,7 triệu đơn vị, đứng sau KLF. PVS tăng 2,2% lên 23.600 đồng, khớp 8,5 triệu đơn vị. VND tăng 2,5% lên 37.100 đồng, khớp 7,8 triệu đơn vị. SHS tăng 1,9% lên 31.800 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị. Ngay cả mã có vốn hóa lớn nhất sàn là THD cũng đảo chiều tăng 0,93% lên 196.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ chỉ xuất hiện ở một số ít mã như NVB giảm 1,67% xuống 17.700 đồng, BAB giảm 0,69% xuống 28.600 đồng…

Trên thị trường UPCoM, do xuất phát thấp hơn, nhưng với đà chạy của 2 sàn niêm yết cuối cùng cũng kéo chỉ số chính của UPCoM lên trên tham chiếu trước khi đóng cửa.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,32%), lên 83,4 điểm với 137 mã tăng và 143 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,2 triệu đơn vị, giá trị 1.092 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 42,7 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM với 10,3 triệu đơn vị và đã đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,6% lên 17.100 đồng. Còn KHB vẫn giữ được mức trần 4.000 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị, xuống vị trí thứ 4 về thanh khoản do lực cung ít.

Trong khi đó, VHG nới đà tăng lên 5,3%, chốt ở mức 4.000 đồng, khớp 7,1 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản sau BSR, còn KSH đóng cửa ở mức tham chiếu 4.000 đồng, khớp 5,8 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 3 về thanh khoản.

Một số mã lớn khác tăng giá trong phiên sáng, nới rộng đà tăng trong phiên chiều, như MSR tăng 5,1% lên 22.600 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị, OIL tăng 4,3% lên 14.600 đồng, cao nhất ngày, khớp 2,7 triệu đơn vị. CTR tăng 3,4% lên 88.800 đồng, MCH tăng 1,1% lên 104.200 đồng…

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn ngày mai (VN30F2104) tăng 1,65% lên 1.292 điểm với 176.458 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 24.656 hợp đồng. Trong khi đó, VN30-Index tăng 1,05% lên 1.290,77 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế như chứng khoán cơ sở, trong đó 2 mã tăng mạnh nhất do MBS phát hành và đều là chứng quyền của cổ phiếu HPG. Cụ thể, CHPG2104 tăng 21,4% lên 4.600 đồng, thanh khoản hơn 302.000 đơn vị và CHPG2026 tăng 20,7% lên 8.210 đồng, thanh khoản 397.000 đơn vị.

Trong khi đó, các mã do KIS phát hành tiếp tục khởi sắc với 4 mã tăng trần đều là chứng quyền của cổ phiếu MSN. Ngoài ra, 4 mã thanh khoản tốt nhất cũng do KIS phát hành, trong đó CNVL2003 có thanh khoản gần 3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 19,3% lên 4.080 đồng. CVIC2005 tăng 1% lên 3.990 đồng, với thanh khoản 1,88 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan