Giao dịch chứng khoán chiều 14/3: VN-Index bốc hơi hơn 20 điểm, nhóm phân bón và vận tải biển la liệt sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 14/3: VN-Index bốc hơi hơn 20 điểm, nhóm phân bón và vận tải biển la liệt sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục lùi sâu, chỉ số VN-Index giảm hơn 20 điểm và có thời điểm đe dọa mốc 1.440 điểm. Đáng chú ý, nhóm phân bón và vận tải biển bị bán tháo, đồng loạt nằm sàn.

Ngày Valentine 14/2, VN-Index mất đi hơn 29 điểm, nếu theo cách của ngày lễ tình nhân thì hôm nay 14/3 sẽ là Ngày đáp trả, tuy nhiên, thị trường chứng khoán hôm nay không xảy ra theo cách đó khi số điểm mất đi cũng không kém ngày Valentine đỏ.

Ngày Valentine trắng - 14/3, có nguồn gốc từ Nhật Bản, là một ngày đặc biệt để đáp lại tình cảm của người ấy trong trường hợp bạn đã nhận được một lời tỏ tình trong ngày Valentine đỏ (14/2).

Phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 14/3, áp lực lan rộng toàn thị trường khiến các chỉ số đồng loạt giảm sâu. Trong đó, VN-Index nhanh chóng để mất mốc 1.450 điểm trước gánh nặng đến từ các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán tiếp tục dâng cao khiến thị trường tiếp tục lùi sâu và chỉ số VN-Index đã mốc 1.440 điểm chỉ sau hơn 15 phút mở cửa. Tuy nhiên, ngưỡng 1.440 điểm (vùng đáy cũ của đợt điều chỉnh trước đó) đã đóng vai trò hỗ trợ khá tốt cho thị trường. Do đó, ở vùng này, lực cầu nhập cuộc giúp chỉ số này lấy lại được hơn 7 điểm, đóng cửa gần mức điểm của phiên sáng.

Thị trường đã có phiên giao dịch đầu tuần không mấy tích cực khi sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử và các chỉ số chung đều để mất gần 1,5%. Trong đó, các nhóm cổ phiếu tăng nóng thời gian qua nhờ giá hàng hóa và năng lượng tăng như dầu khí, thép, phân bón, vận tải biển đều bị chốt lời mạnh và đồng loạt giảm, nhất là nhóm phân bón và vận tải biển la liệt giảm sàn.

Tâm lý nhà đầu tư hiện tại đang phản ứng khá tiêu cực hơn mức cần thiết với mối lo lạm phát trong khi thực tế giá dầu và nhiều loại hàng hóa khác đang có diễn biến giảm trên thị trường quốc tế, trong nước Bộ Tài chính cũng đã đề nghị giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu. Nền tảng thị trường là lãi suất thấp và kinh tế đang phục hồi tiếp tục được duy trì, do vậy việc chứng khoán giảm mạnh như chuỗi 7 phiên liên tiếp gần đây có thể sớm kết thúc bằng một đợt phục hồi kỹ thuật trong 1-2 phiên tới.

Đóng cửa, sàn HOSE có 114 mã tăng và 349 mã giảm, VN-Index giảm 20,29 điểm (-1,38%) xuống 1.466,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 858,56 triệu đơn vị, giá trị gần 27.197 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,67 triệu đơn vị, giá trị 1.581,52 tỷ đồng.

Nhóm VN30 để mất hơn 16 điểm khi có 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, trong đó VJC vẫn là mã tăng tốt nhất dù biên độ có thu hẹp chút ít. Kết phiên, VJC tăng 4,7% lên 145.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có tín hiệu tích cực hơn với nhiều mã hồi phục hoặc nới rộng đà tăng như STB và TPB cùng tăng 1,4%, MBB, VCB tăng hơn 0,5%.

Trong khi đó, cổ phiếu đại diện nhóm dầu khí là GAS tiếp tục bị xả bán mạnh và kết phiên để mất 6,1% xuống mức giá thấp nhất ngày 106.000 đồng/CP. Tiếp theo là PNJ giảm 5,7% xuống mức 98.500 đồng/CP, MSN giảm 4,5% xuống 136.100 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng có những tín hiệu khá tích cực trái với diễn biến chung của thị trường. Ngoài các mã khởi sắc trong nhóm VN30, tăng tốt nhất ngành phải kể đến SHB tăng 3,8% lên mức 21.850 đồng/CP và EIB tăng 3,39% lên 36.600 đồng/CP; ACB và MSB cũng đã lấy lại mốc tham chiếu. Còn lại, BID, VPB, CTG, TCB, HDB, SSB, VIB, HDB, OCB, LPB giảm trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, bên cạnh GAS, các mã khác cũng bị bán mạnh như PLX giảm 3,6% xuống vùng giá thấp nhất ngày 55.900 đồng/CP, PVD giảm 3,91% xuống 35.650 đồng/CP, CNG giảm 5,31% xuống mức thấp nhất ngày 34.750 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép không khả quan hơn, trong đó các mã lớn đầu ngành là HPG, HSG, NKG cùng kết phiên tại mức giá thấp nhất trong ngày. Trong đó, HPG giảm 3,8%, HSG giảm 4,2%, NKG giảm 6,5%; còn TLH, POM, SMC giảm trên dưới 3%.

Ở nhóm chứng khoán, ngoại trừ ORS được hỗ trợ bởi thông tin lọt rổ VNM ETF trong kỳ cơ cấu quý I, đã tiếp tục nới rộng biên độ khi tăng 5,27% lên mức 26.950 đồng/CP và khớp 4,6 triệu đơn vị, còn lại cũng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường. Cụ thể như SSI giảm 4%, HCM giảm 3,9%, VND giảm 2,3%, VCI giảm 5,6%, BSI giảm 3,8%, FTS giảm 5%...

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu phân bón đồng loạt bị bán tháo với DCM, DPM, BFC, LAS, PMB đều kết phiên ở mức giá sàn, TSC, VAF, NFC, PCE đều giảm hơn 5%, PSW giảm 9,24%... Nhóm cổ phiếu vận tải biển như GMD, VOS, VIP cũng kết phiên trong sắc xanh mắt mèo.

Về thanh khoản, cổ phiếu HPG dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp 33,85 triệu đơn vị; tiếp theo là cặp ngân hàng gồm SHB khớp 21,65 triệu đơn vị và STB khớp 20,98 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh đã khiến thị trường nhanh chóng quay đầu sau nỗ lực hồi phục sắc xanh vào giữa phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 94 mã tăng và 157 mã giảm, HNX-Index giảm 5,44 điểm (-1,22%) xuống 442,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 125,66 triệu đơn vị, giá trị 3.483,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,9 triệu đơn vị, giá trị 729,15 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, ngoài LAS và PVC kết phiên giảm sàn, các mã giảm sâu khác như PVB giảm 7,7% xuống mức 22.700 đồng/CP, IDC giảm 6,1% xuống mức giá thấp nhất ngày 65.100 đồng/CP, PVS giảm 5,7% xuống mức 34.800 đồng/CP…

Trái lại, chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh thuộc nhóm bất động là HUT có thời điểm tăng kịch trần và kết phiên tăng 9,2% lên mức 40.300 đồng/CP; cùng CEO tăng 4,2% lên mức 67.100 đồng/CP. Đây cũng là 2 mã có thanh khoản tốt trên thị trường, chỉ đứng sau PVS (khớp 18,13 triệu đơn vị), tương ứng đạt 6,9 triệu đơn vị và 6,72 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đà giảm có phần sâu hơn như KLF giảm 3,1%, BII giảm 4,6%, AMV giảm 2,4%, IDJ giảm 4,5%, NDN giảm 5,1%, ITQ, KVC, TDN… giảm sàn.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu xi măng vẫn giữ mức tăng khá tốt với BTS tăng trần, BCC tăng gần 3%, CCM, HOM tăng trên dưới 3,5%, SCJ tăng 8,9%, QNC tăng 4,27%...

Trong khi đó, cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, nhóm chứng khoán trên HNX đều mất điểm. Ngoài SHS, các mã khác như ART giảm 3,7%, APS giảm 5,4%, MBS giảm 3,6%, VIG giảm 4,3%...

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,27%) xuống 115,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,95 triệu đơn vị, giá trị 1.969,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,84 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 99,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu dầu khí tiếp tục lùi sâu về vùng giá thấp nhất ngày với BSR giảm 6,9% xuống mức 25.800 đồng/CP và thanh khoản tăng vọt với hơn 23 triệu đơn vị khớp lệnh, còn OIL giảm 7,8% xuống mức 18.800 đồng/CP và khớp 4,78 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu DDV cũng đón nhận phiên lao dốc mạnh khi giảm 10,7% xuống mức giá 29.300 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng giảm sâu như MSR giảm 6,4% xuống mức 30.700 đồng/CP, QNS giảm 2,1% xuống 46.700 đồng/CP, ACV giảm 1,3% xuống 89.500 đồng/CP, VGT giảm 4,3% xuống 24.300 đồng/CP…

Ở top 10 cổ phiếu giao dịch tốt nhất, chỉ có duy nhất PAS có được sắc xanh. Kết phiên, PAS tăng nhẹ 0,8% lên 24.400 đồng/CP và khớp 1,76 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN302203 đáo hạn gần nhất giảm 12,6 điểm (-0,9%) xuống 1.463,4 điểm, khớp lệnh gần 149.340 đơn vị, khối lượng mở hơn 35.240 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó, CHPG2203 khớp lệnh cao nhất, đạt 203.100 đơn vị, kết phiên giảm 7,6% xuống mức 1.700 đồng/CQ. Tiếp theo là CHPG2201 khớp 190.480 đơn vị, kết phiên giảm 7,5% xuống 990 đồng/CQ.

Tin bài liên quan