Mặc dù có chút thận trọng đầu phiên nhưng lực cầu đã tham gia khá tích cực giúp sắc xanh lan tỏa thị trường và chỉ số VN-Index tăng vững vàng trên mốc 1.060 điểm trong suốt cả phiên sáng, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng và chứng khoán. Điểm đặc biệt chính là thanh khoản thị trường tăng vọt, đạt xấp xỉ cả phiên giao dịch ngày hôm qua, với gần 8.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quy chế mới về cơ chế giao dịch T+2. Áp lực bán có dấu hiệu gia tăng ngay khi mở cửa khi lượng hàng giá rẻ được mua vào phiên giao dịch ngày 11/10 về tài khoản – đây là phiên giảm tới hơn 36 điểm và có thời điểm thủng ngưỡng kháng cự 1.000 điểm, trong khi lực cầu có phần kém sôi động đã khiến thị trường dần hạ độ cao.
Chỉ số VN-Index nhanh chóng lùi về dưới mốc 1.060 điểm chỉ sau khoảng 20 phút giao dịch và biến động lình xình dưới vùng giá này trước khi bật ngược đi lên trong đợt khớp lệnh ATC.
Thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần bằng phiên giao dịch tích cực khi số mã tăng chiếm áp đảo, gấp 3 lần số mã giảm, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 10 điểm với thanh khoản cải thiện so với những phiên gần đây. Tuy nhiên, VN-Index mới chỉ chớm vượt qua khoảng gap ngưỡng kháng cự 1.060-1.070 điểm và thanh khoản tăng vọt là nhờ sự đóng góp lớn của giao dịch thỏa thuận (chiếm tới 1/3 tổng giá trị), điều này chưa thể khẳng định thị trường đã xác lập xu hướng tăng điểm chắc chắn.
Dù vậy, việc xác nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp với độ rộng khá tốt, đã đem lại niềm vui cuối tuần cho những nhà đầu tư vẫn còn niềm tin vào thị trường, đã tham gia bắt đáy trong phiên giảm mạnh đầu tuần qua.
Đóng cửa, sàn HOSE có 336 mã tăng và 102 mã giảm, VN-Index tăng 10,86 điểm (+1,03%), lên 1.061,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 641,28 triệu đơn vị, giá trị 14.476,32 tỷ đồng, tăng 34,35% về khối lượng và 62,64% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 135 triệu đơn vị, giá trị 4.811 tỷ đồng, trong đó riêng EIB thỏa thuận xấp xỉ 97,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.924 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có chút thu hẹp biên độ so với phiên sáng khi nhiều mã giật lùi. Cụ thể, bên cạnh các mã VHM, VRE, VIC, SAB, HPG giảm nhẹ cùng TPB đứng giá tham chiếu, một số mã khác cũng lui về mốc tham chiếu như PDR, PLX, STB, KDH.
Bên cạnh đó, các mã tăng cũng không được mạnh mẽ như phiên sáng, phần lớn tăng trên dưới 1%. Một số mã tăng tốt như ACB tăng 4,5%, MWG tăng 4%, BVH tăng 2,9%, GVR tăng 2,8%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu GEX vẫn giữ sức nóng khi đóng cửa tại mức giá trần 15.000 đồng/CP và khớp lệnh 15,78 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, cùng lượng dư mua trần gần 80.000 đơn vị. Một số mã khác như OGC, KPF, DC4, TGG, AMD, HDC… cũng kéo trần thành công.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bán lẻ tỏa sáng với hàng loạt mã như FRT, DGW, PET đều kéo trần thành công, bên cạnh mã bluechip MWG tăng mạnh 4% lên 59.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 3 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngoại trừ VIX vững chắc ở mức giá trần khi dư mua trần hơn 1,72 triệu đơn vị, cùng thanh khoản tăng đột biến, đạt hơn 9,86 triệu đơn vị, các mã khác có chút thu hẹp độ cao.
Cụ thể, VND tăng 4,3% lên 14.500 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 26 triệu đơn vị khớp lệnh; SSI tăng 2,3% lên 17.900 đồng/CP và khớp hơn 22 triệu đơn vị, VCI tăng 3% lên 27.600 đồng/CP và khớp 7,64 triệu đơn vị, HCM tăng 3,3% lên 20.250 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị…
Nhóm trụ cột bank cũng đuối sức đôi chút với STB lùi về mốc tham chiếu, EIB giảm 2,38% xuống mức thấp nhất ngày 36.900 đồng/CP, cùng một số mã như BID, CTG, TCB, VPB, SSB, HDB tăng trên dưới 1%.
Trong khi đó, SHB vẫn bảo toàn sắc tím với lượng dư mua trần tới 1,52 triệu đơn vị, ACB tăng tốt hơn khi đóng cửa ở vùng giá cao nhất ngày 20.850 đồng/CP; các mã VCB, MBB, VIB, OCB, MSB, LPB có mức tăng hơn 2%.
Thanh khoản tốt trong nhóm này có STB khớp hơn 25 triệu đơn vị, SHB khớp 14,55 triệu đơn vị, MBB và LPB khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu theo, trong khi HSG nới rộng biên độ tăng khi đóng cửa sát mức giá cao nhất ngày 14.150 đồng/CP, tăng 2,2% và khớp 13,33 triệu đơn vị, thì HPG quay đầu điều chỉnh nhẹ khi giảm 0,3% xuống 19.450 đồng/CP và khớp 22,6 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản vẫn là nhóm duy nhất mất điểm do sự cản trở của họ nhà Vingroup, đáng kể là VHM giảm 1,7% xuống mức 51.900 đồng/CP.
Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà tăng trong suốt cả phiên chiều nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip, đây cũng là nhóm cổ phiếu giao dịch chính của thị trường trong phiên hôm nay khi chiếm tới hơn 70% giá trị giao dịch.
Chốt phiên, sàn HNX có 133 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 3,15 điểm (+1,4%), lên 227,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 66,73 triệu đơn vị, giá trị 974,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,89 triệu đơn vị, giá trị 110,66 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ có duy nhất mã ngân hàng NVB ngược dòng khi giảm 2,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 17.300 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã LAS, LHC, NDN, NRC đứng giá tham chiếu, còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh.
Trong đó, các mã L14, BCC, SLS, NTP tăng tốt nhất đều đạt biên độ trên 5%, một số mã đáng chú ý như IDC tăng 3,9% lên mức 47.500 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị, CEO tăng 3,2% lên 16.100 đồng/CP và khớp 3,68 triệu đơn vị, PVS tăng 2,2% lên 23.300 đồng/CP và khớp 6,64 triệu đơn vị…
Cổ phiếu SHS dù không giữ được mức giá cao nhất ngày nhưng cũng trong dòng chảy khởi sắc của nhóm ngành đã đóng cửa tăng 4,8% lên mức 8.800 đồng/CP cùng thanh khoản vọt tăng, đạt hơn 14 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, bên cạnh đà tăng tốt về giá, HNX30 cũng là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động của thị trường với tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 38,5 triệu đơn vị, giá trị 711 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm sáng thuộc về IDJ khi kéo trần thành công, đóng cửa tăng 10% lên 9.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,17 triệu đơn vị.
Cổ phiếu KLF sau khi nhận quyết định vào diện hạn chế giao dịch, đã có phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại mốc tham chiếu 1.000 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 3 khi đạt hơn 5,72 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường cũng giữ nhịp tăng tốt trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,19 điểm (+1,51%), lên 80,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45 triệu đơn vị, giá trị 455,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,5 triệu đơn vị, giá trị 79,61 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR nới rộng biên độ trong phiên chiều khi đóng cửa tăng 3,1% lên 20.100 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu khi đạt xấp xỉ 7,3 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi nhỏ PVX và VHG cùng khớp 2,4 triệu đơn vị, đóng cửa đều tăng hơn 3%.
Cổ phiếu ngân hàng ABB cũng thuộc top 5 về thanh khoản sôi động khi có gần 2,23 triệu đơn vị được giao dịch thành công, đóng cửa tăng 5,8% lên 9.100 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2210 tăng 8,4 điểm, tương đương +0,8% lên 1.048 điểm, khớp lệnh 299.910 đơn vị, khối lượng mở hơn 42.110 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng cặp đôi thanh khoản tốt nhất là CSTB2217 khớp 3,6 triệu đơn vị, đóng cửa tại mốc tham chiếu 70 đồng/CQ và CHPG2221 khớp 2,48 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,1% xuống 310 đồng/CQ.