Sự thiếu đồng thuận của bộ 3 trụ cột bank - chứng - thép là nhân tố chính khiến thị trường chưa thể chinh phục thành công mốc 1.350 điểm. Đặc biệt, sau cú hẫng cuối phiên sáng, thị trường có chiều hướng kém tích cực hơn khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng ngay từ đầu phiên chiều khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh.
Điều đáng nói là mỗi nhịp giật lùi về mốc 1.340 điểm, lực cầu đã tham gia khá tích cực giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index trụ vững trên ngưỡng kháng cự này dù áp lực bán dâng cao trong đợt khớp ATC.
Đồng thời, thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể cho thấy dòng tiền nội vẫn tham gia khá mạnh, giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường đang ở giai đoạn tích lũy để đi lên.
Đóng cửa, sàn HOSE có 196 mã tăng và 224 mã giảm, VN-Index giảm 3,88 điểm (0,29%) xuống 1.341,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 775,47 triệu đơn vị, giá trị hơn 23.110 tỷ đồng, tăng 29,22% về khối lượng và 19,17% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 10/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,2467 triệu đơn vị, giá trị 1.437,95 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống với 21 mã giảm, đáng kể là GVR giảm sâu với biên độ giảm 4,1% xuống vùng giá thấp nhất ngày 37.700 đồng/CP, BVH giảm 2,5% xuống 54.600 đồng/CP, cùng nhiều mã lớn khác giảm hơn 1%.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ còn 8 mã tăng và SAB vẫn là điểm sáng của nhóm khi đứng vững ở mức giá cao dù không lấy lại được sắc tím khi kết phiên tăng 6,7% lên mức 161.500 đồng/CP, và MWG tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của dòng tiền mạnh đã tiếp tục leo dốc khi tăng 5,1% lên mức giá cao nhất ngày 125.000 đồng/CP. Còn lại các mã chỉ xanh nhạt với mức tăng chủ yếu chưa tới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã cũng không nằm ngoài xu hướng chung và quay đầu điều chỉnh như KBC, ITA, FLC, POW, LCG, ROS, HBC… Đáng kể là FIT quay đầu giảm 6,9% xuống mức giá sàn 16.250 đồng/CP. Mặt khác SJF, LDG, TDH, VNE, TNI, VPH, TCD, APG… vẫn trong trạng thái dư mua trần.
Về nhóm ngành, bộ 3 trụ cột là bank – chứng – thép tiếp tục nới rộng biên độ giảm so với phiên sáng. Điển hình trong nhóm bank, các mã VCB, BID, CTG, MBB, ACB, SSB, VIB, STB đều giảm hơn 1%... và vẫn chỉ còn cặp đôi VPB và TPB giữ sắc xanh nhưng biên độ tăng đã thu hẹp hơn.
Nhóm thép đồng loạt giảm sâu hơn, đáng kể có HPG giảm 1,4% xuống mức 50.800 đồng/CP và khớp 27,22 triệu đơn vị; HSG giảm 2,4% xuống 43.800 đồng/CP và khớp hơn 13,7 triệu đơn vị. Nhóm chứng khoán phân hóa với các mã lớn như SSI, HCM, VCI đều giao dịch trong sắc đỏ cùng hàng loạt mã khác như VDS, TVB, SHS, VIX, AGR, BSI, CTS…, trong khi APG, FTS, IVS, PSI, VND… khởi sắc.
Nhóm bất động sản cũng hụt hơi khi VHM, VRE, NVL, PDR KBC, DIG… đều mất điểm, trong đó đáng chú ý là KBC giảm 5,8% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 40.500 đồng/Cp nhưng đây vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 28,47 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu than vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bên cạnh TC6 và MDC đóng cửa tăng trần, các mã như TVD, TDN, THT tăng trên dưới 8%, HLC tăng 5%, TCS tăng 3,9%, NBC tăng 2,1%.
Một số cổ phiếu đáng chú ý như TGG xác lập phiên tăng trần thứ 9 liên tiếp. Đặc biệt là xét trong tổng số 24 phiên giao dịch gần đây thì cổ phiếu TGG có tới 20 phiên tăng trần. Tổng cộng, chỉ trong khoảng 1 tháng, cổ phiếu TGG đã tăng gấp hơn 3 lần từ ngày 6/8 và đóng cửa phiên 13/9 tại mức giá 49.35 đồng/CP.
Điều đặc biệt nữa là việc TGG chi gần 300 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của DDV và APG. Cả 2 cổ phiếu DDV và APG cũng đã có chuỗi ngày đua trần hoặc tăng mạnh. Cụ thể, chỉ rong hơn 1 tháng, cổ phiếu APG đã tăng hơn 260% và hiện đóng cửa tại mức giá trần 25.050 đồng/CP, còn DDV cũng đã tăng hơn 210% và kết phiên hôm nay tại mức giá trần 31.700 đồng/CP.
Trên sàn HNN, áp lực bán cũng khiến thị trường rung lắc và liên tục biến động nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 98 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,28%) xuống 349,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 167,6 triệu đơn vị, giá trị 3.391,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 430,92 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 gia tăng sức ép lên thị trường, đáng kể là NVB. Sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng tới hơn 100% trong khoảng 1,5 tháng, đi ngược xu hướng chung của các cổ phiếu cùng ngành, cổ phiếu NVB đã chịu áp lực xả bán mạnh trong phiên hôm nay khi có thời điểm sàn về mức giá sàn và kết phiên giảm 9,5% xuống mức 31.400 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã khác cũng giảm khá mạnh như DTD giảm hơn 5%; MBS, NRC, SLS, CEO giảm trên dưới 3% hay các mã lớn như SHB, SHS mất hơn 1%...
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu dầu khí vẫn giao dịch tích cực. Điển hình như PVS tăng 5,5% lên mức 26.900 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 18,48 triệu đơn vị; PVC tăng 4% lên mức 10.500 đồng/CP, PVB tăng 2,8% lên 14.600 đồng/CP.
Trong khi thị trường vẫn có nhiều điểm sáng ở nhóm vừa và nhỏ. Đáng kể là BII tiếp tục duy trì chuỗi phiên tăng trần, cùng các mã VIG, MBG, PVL, LIG, DST, TTH, PV2, ITQ, KVC… đều đóng cửa trong sắc tím.
Trên UPCoM, thị trường duy trì sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,15%) xuống 95,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 108,62 triệu đơn vị, giá trị 2.061,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,25 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 94 tỷ đồng.
Bộ đôi BSR và VGT vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 13,94 triệu đơn vị và 11,87 triệu đơn vị. Trong đó, BSR kết phiên tăng 3,4% lên 18.500 đồng/Cp, còn VGT tăng 3,7% lên 22.400 đồng/CP.
Bên cạnh đó, DDV giữ vững sắc tím và đứng tại mức giá 31.700 đồng/CP với khối lượng dư mua trần lên tới 1,82 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm nhẹ, với VN30F2109 giảm 5,1 điểm (-0,4%) xuống 1.442 điểm, khớp lệnh có 124.790 đơn vị, khối lượng mở gần 30.940 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó mã CHPG2111 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 219.870 đơn vị và kết phiên giảm 5,3% xuống 2.500 đồng/CQ. Tiếp theo là CVRE2106 khớp 205.790 đơn vị và kết phiên giảm 1,1% xuống 1.800 đồng/CQ.