Sau phiên mất điểm cuối tuần trước (10/7), thị trường đã lấy lại sắc xanh và thử thách lại vùng giá 875 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 13/7. Tuy nhiên, sự thiếu tự tin khi dòng tiền tham gia hạn chế cùng việc không có trụ đỡ vững chắc khiến VN-Index nhanh chóng quay lại trạng thái lình xình trên mốc tham chiếu và may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi kết phiên.
Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường vẫn khá ạm đạm bởi trạng thái phân hóa do giao dịch thăm dò. Sau khoảng 40 phút nỗ lực đứng trên mốc tham chiếu, chỉ số VN-Index đã quay đầu, đi lùi do áp lực bán gia tăng.
Lực bán gia tăng và lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh hàng loạt mã trên thị trường điều chỉnh, nhiều cổ phiếu bluechip cũng để mất sắc, đã đẩy VN-Index thủng mốc 870 điểm.
Đóng cửa, với 230 mã giảm và 149 mã tăng, VN-Index giảm 2,49 điểm (-0,29%) xuống 868,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 246 triệu đơn vị, giá trị 4.342,5 tỷ đồng, giảm 15,5% về khối lượng và 10,29% về giá trị so với phiên 10/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,16 triệu đơn vị, giá trị 852,13 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 7 mã giữ đà tăng và có tới 18 mã giảm điểm. Đáng kể ở chiều tăng, ngoài các mã vốn hóa lớn như VCB, CTG, GAS chỉ nhích nhẹ, có CTD +2,3% lên 80.800 đồng/CP, FPT +1,8% lên 48.650 đồng/CP.
Trong khi đó, các mã lớn như VIC, VNM, VHM, TCB, MSN, HPG cũng chỉ giảm trong biên độ hẹp trên dưới 0,5%. Ngoại trừ, SAB tiếp tục nới rộng biên độ giảm do áp lực bán gia tăng sau chuỗi 7 phiên tăng mạnh liên tiếp. Kết phiên, SAB -2,91% xuống mức giá thấp nhất ngày 200.000 đồng/CP.
Cổ phiếu HPG vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 14,7 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa vẫn giảm nhẹ 0,36% xuống 27.650 đồng/CP. Tiếp theo đó là người anh em HSG khớp 8,72 triệu đơn vị và kết phiên nhích nhẹ 0,85% lên 11.850 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không có nhiều biến động. Bên cạnh HQC, DLG, DXG, HHS… mất điểm, SJF bị đẩy về mức giá sàn sau 4 phiên tăng mạnh xuống 2.510 đồng/CP và khớp 4,39 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu DAH có phiên biến động mạnh. Mặc dù mở cửa vẫn duy trì giảm sàn như 7 phiên trước, nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã giúp DAH có thời điểm được kéo lên kịch trần và kết phiên hạ độ cao khi +4,1% lên 11.450 đồng/CP và khớp 2,75 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù nỗ lực cuối phiên nhưng HNX-Index vẫn chưa thể tiếp cận được mốc tham chiếu.
Đóng cửa, với 65 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 115,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,18 triệu đơn vị, giá trị 291,68 tỷ đồng, giảm 4,23% về lượng và 11,06% về giá trị so với phiên 10/7. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,62 triệu đơn vị, giá trị hơn 78,46 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, nhóm cổ phiếu chi phối lớn tới chỉ số chung phần lớn đứng giá hoặc giảm điểm. Cụ thể như PVS, VCG, SHS đứng giá tham chiếu, còn ACB -0,4% xuống 23.900 đồng/CP, SHB -0,76% xuống 13.000 đồng/CP, PVB -1,2% xuống 16.400 đồng/CP, NVB -2,2% xuống 9.100 đồng/CP, VCS -1,4% xuống 63.000 đồng/CP, PVI -1% xuống 29.800 đồng/CP…
Trong đó, cổ phiếu NVB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với gần 3,35 triệu đơn vị; tiếp theo là MBG khớp gần 2,8 triệu đơn vị, SHB và ACB lần lượt khớp 1,94 triệu đơn vị và 1,84 triệu đơn vị.
Mặt khác, trong nhóm HNX30 chỉ có BVS, DGC, DHT, LHC và VMC tăng nhẹ với biên độ trên dưới 1%.
Tâm điểm đáng chú là là THD. Sau màn lao dốc mạnh đầu phiên và hồi phục nhẹ về cuối phiên sáng, THD tiếp tục tiến bước và trở lại khoác áo tím, ghi nhận phiên tăng trần thứ 21. Kết phiên, THD +10% lên mức 88.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 15.900 đơn vị và dư mua trần 100 đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch diễn ra giằng co và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.
Đóng cửa, với 90 mã tăng và 89 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%) lên 57,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 11,54 triệu đơn vị, giá trị 154,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 16,57 tỷ đồng.
Cặp đôi quen thuộc LPB và BSR vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch tương ứng 2,29 triệu đơn vị và 1,92 triệu đơn vị. Kết phiên, sau diễn biến rung lắc trong phiên, cả 2 mã này đều đứng giá tham chiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu mới BVB vẫn là điểm sáng thị trường khi tiếp tục tăng trần lên mức giá 18.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch tích cực, đạt hơn 1,4 triệu đơn vị và dư mua trần 3.700 đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng vẫn giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, hợp đồng VN30F2007 đáo hạn ngày 16/7 giảm nhẹ xuống 803 điểm với 198.350 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở 23.338 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 13 mã tăng và 5 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CVIC2002 với 61.362 đơn vị được giao dịch, đóng cửa tăng lên mức 50 đồng.